Thứ sáu, 03/05/2024 | 23:15

Thứ sáu, 03/05/2024 | 23:15

Tin tổng hợp

Cập nhật 02:25 ngày 31/07/2023

Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống dừa Sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi

Nhằm hoàn thiện quy trình nuôi cấy phôi dừa Sáp và góp phần nâng cao tỷ lệ thành công khi cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu đã triển khai đề tài nghiên cứu cấp Bộ Công Thương: “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống dừa Sáp (Cocos nucifera L.) bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi”.
Dừa Sáp (Cocos nucifera L.) là giống dừa có giá trị kinh tế cao của Việt Nam, được trồng phổ biến tại Đồng bằng Sông Cửu Long và một số tỉnh khác trong cả nước, trong đó chiếm nhiều nhất là tỉnh Trà Vinh. Cây dừa Sáp có tỷ lệ quả sáp dưới 25%, còn lại là quả không sáp. Hiện nay, nguồn giống cây dừa Sáp được nông dân trồng theo phương pháp ươm quả truyền thống, dùng quả không sáp trên cây dừa Sáp và ươm thành cây con, tỷ lệ quả sáp với loại cây giống này chỉ đạt dưới 25%. Do đó, việc nhân giống cây dừa Sáp bằng phương pháp nuôi cấy phôi đã được áp dụng để sản xuất cây giống nhằm nâng cao độ đồng đều và tỷ lệ quả Sáp.
Dừa Sáp là giống dừa có giá trị kinh tế cao của Việt Nam (Nguồn ảnh: aloduasap.com/)
Nhằm hoàn thiện quy trình nuôi cấy phôi và góp phần nâng cao tỷ lệ thành công khi cây đạt tiêu chuẩn xuất vườn, ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Thư cùng các cộng sự của Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu đã triển khai nghiên cứu cấp Bộ Công Thương: “Hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất giống dừa Sáp (Cocos nucifera L.) bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi”.
Nghiên cứu được thực hiện tại Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu trong thời gian từ tháng 01/2019 đến tháng 12/2020 gồm 04 thí nghiệm: Nghiên cứu chế độ ánh sáng thích hợp đến khả năng nảy mầm của phôi dừa Sáp chậm nảy mầm; Khảo sát ảnh hưởng của BAP và GA3 lên khả năng sinh trưởng của phôi dừa Sáp sau khi được kích nảy mầm; Nghiên cứu ảnh hưởng của giá thể trồng cây con trong giai đoạn vườn ươm đến tỷ lệ sống và khả năng sinh trưởng của cây; Khảo sát ảnh hưởng của phân bón lá đến khả năng sinh trưởng của cây con trong giai đoạn vườn ươm.
Chia sẻ về kết quả đạt được, ThS. Nguyễn Thị Quỳnh Thư cho biết nhóm nghiên cứu đã áp dụng chế độ tối khi xử lý phôi khó nảy mầm trong điều kiện môi trường đặc giúp phôi dừa Sáp nảy mầm tốt sau thời gian 3 tuần và đạt tỷ lệ 55,5% so với chế độ sáng. Môi trường đặc sử dụng cho phôi dừa Sáp khó nảy mầm cần bổ sung BAP với liều lượng 10 mg/L giúp gia tăng tỷ lệ cây phát triển và tạo cơ sở cho cây dừa Sáp nuôi cấy phôi tăng khả năng thích nghi với điều kiện môi trường vườn ươm. Giá thể trồng thích hợp cho cây con giai đoạn vườn ươm là hỗn hợp mụn dừa, phân bò Tribat và cát sông với tỷ lệ phối trộn 1:1:1 đạt tỷ lệ cây sống là 92,6% và có các chỉ tiêu sinh trưởng tốt hơn các giá thể phối trộn khác.
Vườn ươm dừa Sáp của Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu (Nguồn ảnh: congthuong.vn/)
Sau đó, nhóm nghiên cứu tiến hành phun bổ sung phân bón lá N3M trong giai đoạn vườn ươm trong thời gian 5 tháng giúp cây dừa sinh trưởng tốt, có tổng diện tích lá cao hơn các nghiệm thức còn lại, qua đó rút ngắn thời gian đạt tiêu chuẩn xuất vườn. Áp dụng các biện pháp kỹ thuật trên đã gia tăng tỷ lệ cây giống xuất vườn của quy trình nuôi cấy phôi dừa Sáp từ 52,98% lên 60,60% (tăng 7,62%) với tổng thời gian nhân giống trung bình từ 10 đến 13 tháng, góp phần tăng số lượng cây dừa Sáp đủ tiêu chuẩn xuất vườn và cải thiện hiệu quả kinh tế trong công tác nhân giống cây dừa Sáp.
Từ các kết quả trên đã gia tăng tỷ lệ thành công của quy trình nuôi cấy phôi dừa Sáp lên 60,6% với tổng thời gian nhân giống từ 10 - 13 tháng. Qua đó, Viện Nghiên cứu dầu và cây có dầu đã ban hành “Quy trình nuôi cấy phôi dừa Sáp cải tiến” với tỷ lệ thành công là 60,6% so với giai đoạn 2011 - 2015 là 53,0%, tăng lên 7,6% và rút ngắn thời gian nhân giống từ 12 - 14 tháng còn 11 - 13 tháng so với quy trình trước đây.
“Cây dừa Sáp nuôi cấy phôi sau khi đạt tiêu chuẩn xuất vườn có tỷ lệ sống đạt ở mức rất cao sau 3 tháng trồng ngoài đồng (99,5%), thời gian ra hoa trung bình từ 3 - 3,5 năm sau trồng với tỷ lệ quả sáp trên 80%” - thạc sĩ Thái Nguyễn Quỳnh Thư khẳng định.
Việc hoàn thiện và ban hành quy trình công nghệ sản xuất giống dừa Sáp bằng kỹ thuật nuôi cấy phôi cải tiến đã góp phần nâng cao tỷ lệ thành công và năng lực sản xuất giống dừa Sáp nuôi cấy phôi hiện nay, đáp ứng nhu cầu cây giống ngày càng lớn của thị trường và góp phần giảm giá thành của giống dừa Sáp.
Mỹ Anh
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 4
  • 0
  • 2
  • 3
  • 0
lên đầu trang