Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:19

Thứ sáu, 29/03/2024 | 15:19

Tin Đề án

Cập nhật 07:34 ngày 28/05/2020

Đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ quả Dừa Sáp

Tiềm năng từ quả Dừa Sáp – loại trái cây có giá trị kinh tế cao
Dừa Sáp là loại trái cây có giá trị kinh tế cao, do có nhiều mục đích sử dụng khác nhau trong công nghệ thực phẩm như công nghệ sản xuất kem, công nghệ sản xuất bánh kẹo, trong sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm.
Đây là một trong các loại cây trồng đặc sản của tỉnh Trà Vinh. Trước kia, Dừa Sáp không được quan tâm trồng và phát triển, ứng dụng cho sản xuất với quy mô lớn vì cây dừa sáp địa phương có tỷ lệ trái sáp rất thấp, chỉ chiếm khoảng 20% số trái trên cây. Từ khi nhận ra giá trị của nó cùng với kỹ thuật nuôi cấy phôi, Dừa Sáp đã được quan tâm phát triển trong nước và đã được trồng tại một số tỉnh.
Theo số liệu thống kê ban đầu của tỉnh Trà Vinh, hiện tại, tỉnh Trà Vinh có khoảng 24.000 cây Dừa Sáp. Canh tác cây Dừa Sáp tập trung chủ yếu ở huyện Cầu Kè, chiếm khoảng 90% diện tích trồng cây Dừa Sáp của cả tỉnh.
Dừa Sáp là loại trái cây có giá trị kinh tế cao
Hiện nay, tại địa phương này, cây Dừa Sáp được nông dân trồng và phát triển để bán trái tươi, chủ yếu phục vụ cho kinh doanh du lịch tại địa phương. Để định hướng cho sự phát triển lâu dài của cây Dừa Sáp thì không thể không đầu tư nghiên cứu và phát triển các sản phẩm chế biến.
Khi công nghệ chế biến các sản phẩm từ Dừa Sáp được nghiên cứu, chuyển giao và phát triển, các sản phẩm chế biến từ Dừa Sáp có thể phát triển các sản phẩm đặc trưng, cung cấp cho thị trường, tạo nét đặc trưng cho để góp phần phát triển du lịch, dịch vụ tại chỗ tại các vùng nguyên liệu trồng Dừa Sáp.
Đa dạng hóa sản phẩm chế biến từ cơm Dừa Sáp
Nhận thấy tiềm năng rất lớn của quả Dừa Sáp, Viện Nghiên cứu dầu và Cây có dầu đã triển khai thực hiện nhiệm vụ “Nghiên cứu chế biến một số sản phẩm từ quả Dừa Sáp làm nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm”. Nhiệm vụ do ThS. Trần Nguyễn Mỹ Châu làm chủ nhiệm, được thực hiện từ tháng 01/2018 đến tháng 12/2019 với mục tiêu đa dạng hóa các sản phẩm chế biến từ Dừa Sáp phục vụ cho các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm.
Triển khai nhiệm vụ, ThS. Trần Nguyễn Mỹ Châu và các cộng sự đã nghiên cứu nguyên liệu Dừa Sáp tại huyện Cầu Kè (tỉnh Trà Vinh) và huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), thực hiện lấy các mẫu quả Dừa Sáp cùng độ chín và đang trong thời kỳ khai thác.
Sau đó, phân tích và so sánh chất lượng quả Dừa Sáp tại 2 vùng nguyên liệu này, làm cơ sở nghiên cứu quy trình công nghệ bảo quản, chế biến Dừa Sáp tươi từ phần cơm của quả Dừa Sáp (cơm Dừa Sáp).
Cận cảnh cơm Dừa Sáp
Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm chế biến cơm Dừa Sáp bằng phương pháp sấy đông khô dịch sữa được trích ly từ phần cơm của quả Dừa Sáp, thu được bột sữa Dừa Sáp có màu trắng sáng và mùi vị tự nhiên của cơm dừa tươi. Từ đó, nhóm đã nghiên cứu công nghệ chế biến bột sữa Dừa Sáp và tối ưu hóa các thông số kỹ thuật của công nghệ.
“Sản phẩm bột sữa Dừa Sáp sấy khô mà nhóm sản xuất đạt một số chỉ tiêu: hàm lượng protein (3,84%), béo (34,3%), độ ẩm (3,99%), vitamin C (3,37 mg/Kg), K (4185 mg/Kg), Polyphenol (185 mg/Kg), các chỉ tiêu vi sinh đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm”, ThS. Trần Nguyễn My Châu cho biết.
Ngoài bột sữa Dừa Sáp, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành sản xuất thử nghiệm 03 sản phẩm khác gồm: Kẹo Dừa Sáp, Bánh Dừa Sáp, Kem Dừa Sáp chứa các thành phần dinh dưỡng như protein, chất béo,….
Quy trình công nghệ chiết tách Galactomannan từ Dừa Sáp từ phần dịch của quả Dừa Sáp theo định hướng cho sản xuất mỹ phẩm cũng được ThS. Trần Nguyễn Mỹ Châu xây dựng. Sản phẩm Galactomannan từ Dừa Sáp được tạo ra có dạng bột thô tới mịn, màu trắng đến màu trắng vàng, không mùi. Kết quả phân tích chất lượng sản phẩm đạt các chỉ tiêu theo QCVN 4-21:2011/BYT.
Đặc biệt, cả hai sản phẩm bột sữa Dừa Sáp và Galactomannan từ Dừa Sáp đều đã được xây dựng Tiêu chuẩn cơ sở phù hợp.
Tiến tới sản xuất thử nghiệm ở quy mô công nghiệp, nâng cao giá trị cây Dừa Sáp
Với những kết quả đã đạt được, đề tài “Nghiên cứu chế biến một số sản phẩm từ quả Dừa Sáp làm nguyên liệu phục vụ sản xuất các sản phẩm thực phẩm, mỹ phẩm” do Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu chủ trì thực hiện đã được Bộ Công Thương nghiệm thu.
Quang cảnh buổi nghiệm thu đề tài dưới sự chủ trì của Bộ Công Thương
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu tinh sạch Galactomannan từ Dừa Sáp, bên cạnh đó nghiên cứu tận dụng phần bã của quy trình chế biến cơm Dừa Sáp để chiết tách dầu, thu protein và một số chất có hoạt tính sinh học khác. Chúng tôi hi vọng sẽ được đăng ký phát triển Dự án sản xuất thực nghiệm với sản phẩm bột sữa Dừa Sáp sấy khô và các sản phẩm khác và sẽ được Bộ Công Thương phê duyệt”, ThS. Trần Nguyễn Mỹ Châu bày tỏ.
Sản phẩm chế biến từ dừa và Dừa Sáp của Việt Nam còn ít về chủng loại, chủ yếu ở dạng bán thành phẩm, hàm lượng khoa học kỹ thuật còn yếu, chưa có nhiều sản phẩm chất lượng cao, làm nguyên liệu cho dược phẩm hoặc mỹ phẩm. Vì vậy, kết quả của đề tài sẽ góp phần tạo ra sản phẩm mới, nâng cao hiệu quả kinh tế cho cây Dừa Sáp, nâng cao thu nhập cho người nông dân, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương một cách bền vững.
Hà Nguyễn
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 5
  • 6
  • 9
  • 5
lên đầu trang