Chủ nhật, 15/09/2024 | 07:48

Chủ nhật, 15/09/2024 | 07:48

Tin tổng hợp

Cập nhật 12:08 ngày 10/07/2023

Hà Tĩnh phấn đấu trở thành tỉnh có công nghệ sinh học phát triển khá của cả nước

Ngày 04/7/2023, Tỉnh ủy Hà Tĩnh đã ban hành Chương trình hành động về Thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/01/2023 của Bộ Chính trị về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới. (Chương trình). 
Mục tiêu chung của Chương trình là tập trung phát triển, phấn đấu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghệ sinh học phát triển khá so với cả nước; trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học, thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Bắc Trung Bộ. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng GRDP của tỉnh.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng chỉ ra những mục tiêu cụ thể, điển hình như đến năm 2030, phấn đấu phát triển công nghệ sinh học đạt trình độ tiên tiến so với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ trong các lĩnh vực: nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, an toàn thực phẩm, y tế dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh và bảo vệ môi trường. Xây dựng ngành công nghiệp sinh học thành một ngành kinh tế - kỹ thuật công nghệ cao, sản xuất được một số sản phẩm chủ lực, có đóng góp quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh. 
Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực công nghệ sinh học chất lượng cao, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, tài chính đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học rộng rãi trong các ngành, lĩnh vực. Thành lập Trung tâm công nghệ sinh học hoạt động hiệu quả. Đồng thời, đưa công nghiệp sinh học trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đóng góp 7% vào GRDP của tỉnh; bảo đảm nhu cầu thiết yếu của xã hội. 
Năm 2023, công nghệ sinh học đạt trình độ tiên tiến so với các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ trong công nghiệp chế biến thực phẩm là mục tiêu Hà Tĩnh hướng đến. (Nguồn ảnh: baohatinh.vn/)
Về tầm nhìn đến năm 2045, Chương trình đề ra mục tiêu đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có công nghệ sinh học phát triển khá so với trong nước, trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học hoạt động hiệu quả, tăng trưởng nhanh. Công nghiệp sinh học đóng góp 10 - 12% vào GRDP của tỉnh.
Để thực hiện được các mục tiêu trên, nhiều nhiệm vụ, giải pháp đã được đặt ra. Thứ nhất là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong tình hình mới. Tổ chức học tập, quán triệt nghiêm túc các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức trong cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp về tầm quan trọng của phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống nhân dân…
Thứ hai là xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Trong đó, chú trọng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân nghiên cứu, ứng dụng, sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học; bảo đảm an toàn sinh học.
Đồng thời, có chính sách phù hợp để phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, sản xuất các sản phẩm công nghệ sinh học có giá trị cao trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược, bảo vệ môi trường; khuyến khích đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học đối với vùng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, miền núi; khuyến khích xuất khẩu sản phẩm công nghệ sinh học; đào tạo, phát hiện, sử dụng nguồn nhân lực công nghệ sinh học. Xây dựng cơ chế bảo đảm mối liên kết, gắn bó giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong nghiên cứu, phát triển, chuyển giao và ứng dụng công nghệ sinh học; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. 
Thứ ba là tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; phát triển công nghiệp sinh học thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chú trọng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi thích nghi với biến đổi khí hậu, chống chịu sâu bệnh, có năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế cao; các chế phẩm sinh học phòng bệnh cho vật nuôi, cây trồng, góp phần xây dựng nền nông nghiệp thông minh, an toàn, hiệu quả, bảo tồn và phát triển các nguồn gen quý, hiếm. 
Cơ sở sản xuất ở huyện Vũ Quang được hỗ trợ phân bón hữu cơ để triển khai mô hình thí điểm nông nghiệp theo hướng hữu cơ tuần hoàn. (Nguồn ảnh: baohatinh.vn/)
Phát triển, ứng dụng, hiện đại hoá công nghệ sinh học trong công nghiệp bảo quản, chế biến các sản phẩm an toàn, hiệu quả, có giá trị cao từ nguồn nguyên liệu của tỉnh. - Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực y tế, đặc biệt trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, y tế dự phòng, chẩn đoán và điều trị bệnh. Sản xuất nguyên liệu và các loại thuốc sinh học, thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ thảo dược. Chú trọng phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong bảo vệ môi trường; giảm thiểu suy thoái, phục hồi và cải thiện chất lượng môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, sử dụng bền vững nguồn tài nguyên góp phần xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; sản xuất nhiên liệu, vật liệu sinh học thân thiện môi trường, phát huy tiềm năng kinh tế biển…
Thứ tư là xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học, tăng cường đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp công nghệ sinh học, đơn vị sử dụng lao động với các cơ sở đào tạo nhân lực trong lĩnh vực công nghệ sinh học. Gắn đào tạo với nghiên cứu khoa học và nhu cầu thực tiễn, bảo đảm số lượng và chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu. Chú trọng xây dựng đội ngũ nhà khoa học; hình thành và phát triển các nhóm nghiên cứu có uy tín trong lĩnh vực công nghệ sinh học; tăng cường hợp tác trong đào tạo nhân lực công nghệ sinh học có trình độ cao. 
Tập trung đầu tư nguồn lực nhằm nâng cao năng lực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học, trong đó ngân sách nhà nước chủ yếu đầu tư nâng cao năng lực nghiên cứu làm chủ công nghệ, phát triển sản phẩm công nghệ sinh học mà tỉnh có lợi thế. Xây dựng và phát triển Trung tâm công nghệ sinh học tỉnh Hà Tĩnh. Hỗ trợ, phát triển các cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học - công nghệ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ sinh học. Hỗ trợ các doanh nghiệp nâng cao năng lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, hiện đại hoá công nghệ, thiết bị nhằm sản xuất sản phẩm công nghệ sinh học đạt hiệu quả. 
Thứ năm là đẩy mạnh hợp tác về công nghệ sinh học. Tăng cường hợp tác trong và ngoài nước lĩnh vực công nghệ sinh học. Khuyến khích mua, chuyển giao, trao đổi công nghệ sinh học, trong đó quan tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ mới, công nghệ có giá trị cao phù hợp với đặc điểm của tỉnh; hợp tác nghiên cứu mô hình phát triển kinh tế sinh học, quản lý tài nguyên, quản lý kinh tế, xã hội bền vững với các quốc gia có trình độ công nghệ sinh học phát triển, tranh thủ kinh nghiệm và tiếp nhận tài trợ để phát triển lĩnh vực công nghệ sinh học của tỉnh. 
Thứ sáu là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy; thanh tra, kiểm tra của chính quyền trong đánh giá kết quả thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đối với công tác phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học. Các cấp ủy đảng quan tâm chỉ đạo công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW đối với cấp ủy trực thuộc, nhất là đối với các tổ chức đảng liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học...
Xem chi tiết Chương trình TẠI ĐÂY
Phương Loan
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 2
  • 1
  • 0
  • 2
  • 3
  • 2
  • 5
lên đầu trang