Thứ bảy, 27/04/2024 | 09:36

Thứ bảy, 27/04/2024 | 09:36

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:27 ngày 08/05/2023

Tập trung phát triển, xây dựng nền công nghệ sinh học tỉnh Đắk Lắk đạt trình độ tiên tiến vào năm 2030

Vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Chương trình số 40-CTr/TU ngày 27/4/2023 về việc thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 30/1/2023 của Bộ Chính trị về “Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới” (Nghị quyết 36) trên địa bàn tỉnh.
Theo Chương trình đề ra, tỉnh Đắk Lắk xác định mục tiêu phấn đấu, đưa nền công nghệ sinh học của Đắk Lắk phát triển, sớm đạt trình độ tiên tiến, trở thành ngành kinh tế, kỹ thuật quan trọng vào năm 2030. Trên cơ sở đó, tỉnh sẽ tập trung tối đa nguồn lực, ưu tiên đầu tư ứng dụng, phát triển dịch vụ thông minh về công nghệ sinh học của tỉnh; hỗ trợ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp sinh học tăng 30% về quy mô đầu tư và quy mô tăng trưởng, thay thế ít nhất 30% sản phẩm công nghệ sinh học nhập khẩu. Từ đó giúp phát triển kinh tế, đóng góp 2-3% vào GDP của tỉnh, đảm bảo nhu cầu thiết yếu của xã hội.
Ứng dụng công nghệ sinh học giúp nâng cao năng suất trái Thanh long tại xã Cư Êbur, Tp. Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk (Ảnh: baodaklak.vn/)
Bên cạnh mục tiêu đến năm 2030, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng xây dựng định hướng cho tầm nhìn dài hạn đến năm 2045, với mục tiêu đưa Đắk Lắk trở thành địa phương có nền công nghệ sinh học phát triển, ứng dụng rộng rãi dịch vụ thông minh trong các lĩnh vực, phát triển công nghiệp công nghệ sinh học; khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp ngang tầm khu vực Tây Nguyên.
Để hiện thực hóa thành công các mục tiêu đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đắk Lắk xác định trong thời gian tới cần tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp là: tiếp tục xây dựng, rà soát cơ chế, chính sách phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; tập trung phát triển, ứng dụng hiệu quả công nghệ sinh học trong sản xuất và đời sống; xây dựng nguồn nhân lực công nghệ sinh học; đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học; đẩy mạnh hợp tác quốc tế về công nghệ sinh học…
Đồng thời, giao Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị và Chương trình 40 của Tỉnh ủy  nhằm nâng cao nhận thức và hành động của hệ thống chính trị trong thực hiện nhiệm vụ phát triển khoa học và công nghệ của tỉnh; cấp uỷ, tổ chức đảng các cấp xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể và thực hiện kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chương trình…
Hội nghị công nghệ sinh học toàn quốc 2022 được tổ chức tại Trường ĐH Tây Nguyên (Đắk Lắk) (Ảnh: danviet.vn/)
Được biết, phát triển công nghệ sinh học là một trong những nhiệm vụ trọng tâm rất được Đắk Lắk quan tâm triển khai, thực hiện hiệu quả. Điển hình như tỉnh đã chuyển giao thành công những giống cà phê có đặc tính nông học ưu việt vào tái canh, cải tạo cà phê (hạt lai TRS1, các dòng cà phê ghép từ TR4 đến TR13 trừ TR10); sử dụng các loại giống lai F1 trong sản xuất rau, cho năng suất và chất lượng cao; sử dụng nhiều giống lúa lai để tăng năng suất và chất lượng lúa gạo; phát triển ứng dụng các giống heo cao sản (Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain, Hampshire, Berkshire, Cornwall) vào chăn nuôi; các giống gà thịt, gà siêu trứng (Hybro, Tam Hoàng, Sasso, Lương Phượng, gà Hubbard, BT1) cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao hơn các giống truyền thống của địa phương.
Ngoài ra, trong hoạt động tuyên truyền, tỉnh cũng chú trọng nâng cao nhận thức cho người dân về lợi ích của việc ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp. Nhờ đó người nông dân trong quá trình canh tác đã sử dụng rất thành thạo các vi sinh vật hữu ích để phân giải các phế phẩm, phụ phẩm, chất thải trong trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản… tạo nguồn bón phân hữu cơ, năng lượng (gas) và các sản phẩm hữu ích khác phục vụ nông nghiệp và đời sống; giúp tạo ra liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị để gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Quang Ngọc
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 7
  • 3
  • 8
  • 1
  • 3
lên đầu trang