Thứ sáu, 26/04/2024 | 21:45

Thứ sáu, 26/04/2024 | 21:45

Tin tổng hợp

Cập nhật 05:49 ngày 05/04/2023

Sản xuất thuốc bảo vệ thực vật từ cây Neem

Với mục tiêu thay thế hàng nhập khẩu, đồng thời thương mại hoá sản phẩm từ cây Neem, TS. Lưu Xuân Cường – CEO Công ty Cổ phần Quốc tế AOTA cùng các cộng sự đã nghiên cứu thành công công nghệ sản xuất dầu Neem chứa hoạt chất azadirachtin hàm lượng cao, ứng dụng trong dược mỹ phẩm và chế phẩm bảo vệ nông nghiệp sạch.
Cây neem (tên khoa học là Azadirachta indica a juss) có nguồn gốc từ Ấn Độ. Từ lâu, cây Neem được xem như một tặng vật mà thiên nhiên đã ưu ái dành cho những vùng đất có khí hậu khắc nghiệt. Ở Việt Nam, cây Neem được trồng ở nhiều nơi, chủ yếu là ở Ninh Thuận, Bình Thuận và một phần ở Khánh Hòa với mục đích ban đầu là trồng rừng, bảo vệ đất. 
Cây neem được các nhà khoa học đánh giá rất cao giá trị phủ xanh tại những vùng khô hạn. (Nguồn ảnh: nongthonmoi.net/)
Ngoài giá trị phủ xanh trong nông lâm nghiệp, cây Neem còn có giá trị về mặt kinh tế. Trong lá và hạt của cây Neem có một lượng dầu nhất định, đặc biệt là chất azadirachtin - một chất sử dụng làm thuốc bảo vệ thực vật. Tuy nhiên hiện nay, những vùng đất trồng Neem chưa thực sự mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều nơi phải nhập hoạt chất Neem từ nước ngoài. Trung bình, 1kg bột azadirachtin 30% tại Ấn Độ có giá là 670 USD, sau khi tính cả chi phí vận chuyển sẽ có giá khoảng 15 triệu đồng/kg. 
Nhận thấy vấn đề này, TS. Lưu Xuân Cường – CEO Công ty Cổ phần Quốc tế AOTA cùng cộng sự đã nghiên cứu công nghệ sản xuất dầu Neem và chế tạo bột azadirachtin từ 10%-30% tương đương chuẩn nhập khẩu, từ đó ứng dụng vào trong ngành dược mỹ phẩm và chế phẩm nông nghiệp sạch. Công nghệ này được TS. Lưu Xuân Cường trình bày trong khuôn khổ sự kiện “Techmart Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch” năm 2022.
TS. Lưu Xuân Cường – CEO Công ty Cổ phần Quốc tế AOTA trình bày tại sự kiện “Techmart Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch” năm 2022. (Ảnh: Chụp màn hình)
TS. Lưu Xuân Cường cho hay: “Để đủ tiêu chuẩn thì lượng hoạt chất azadirachtin trong Neem phải đủ 1%, nhưng trong dầu Neem tự nhiên chỉ chứa 0.2%. Như vậy, vấn đề đặt ra là chúng ta phải làm sao lấy được hoạt chất đó từ trong hạt Neem ra ngoài, thứ hai là làm sao để đưa hoạt chất vừa lấy ra vào pha dầu để tạo thành sản phẩm của mình.”
Theo đó, để tạo ra dầu Neem và hoạt chất azadirachtin, cần trải qua bốn giai đoạn. Giai đoạn thứ nhất là tách vỏ. Hạt Neem nguyên vỏ sẽ được tách và sấy ở nhiệt độ 40oC - 50oC, tạo ra nhân hạt Neem có độ ẩm 6-7%. 
“Giai đoạn 2 là thu hồi dầu Neem. Ở giai đoạn này, nhiều cơ sở sử dụng dung môi để tách dầu. Tuy nhiên, khi sử dụng dung môi, sản phẩm có chứa chất này sẽ không xin được chuẩn Ecosys để xuất khẩu. Như vậy ở bước hai, chúng tôi sử dụng máy ép thuỷ lực để tách dầu. Ví dụ, từ 6kg hạt, sau tách vỏ còn 4kg, qua quá trình ép sẽ thu về 1.5 lít dầu” - TS. Lưu Xuân Cường giải thích. 
Giai đoạn 3 - thu hồi azadirachtin 5%. 
Giai đoạn 4 - Tinh chế azadirachtin
Trải qua bốn giai đoạn, sau khi thu hồi dược azadirachtin, nhóm tiến hành tinh chế azadirachtin hàm lượng cao. Theo TS. Lưu Xuân Cường, cứ 1000kg hạt Neem có giá khoảng 35 triệu đồng sẽ thu về 600kg nhân sau tách vỏ, qua quá trình ép sẽ thu về 150 lít dầu có giá 23 triệu đồng. Đồng thời, quá trình ép dầu cũng sẽ tạo ra 400kg bã Neem và cho ra 10kg azadirachtin 30%, tương đương với khoảng 154 triệu đồng. Như vậy, hiệu quả kinh tế từ việc sản xuất dầu Neem cũng như azadirachtin hoạt chất cao là vô cùng lớn. 
Không dừng lại ở quá trình nghiên cứu, TS. Lưu Xuân Cường đã phối hợp với các công ty dược phẩm để sản xuất thành các sản phẩm Neem có công dụng trị mụn, giảm thâm, liền sẹo và tái tạo tế bào giúp da khoẻ mạnh. Bên cạnh đó, dầu Neem được chế xuất thành tràm trà hỗn hợp để trị vẩy nến và dầu gội bồ kết trị ngứa đầu. 
Ngoài việc áp dụng vào ngành dược phẩm, Neem hoạt chất cao còn được sử dụng làm thuốc bảo vệ thực vật. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm đối với một số loại sâu bệnh hại trên cây chè. Kết quả bằng mắt thường cho thấy, các cây được phun thuốc bảo vệ thực vật chiết xuất từ cây Neem đều sinh trưởng phát triển tốt hơn, búp lên đều, dài, lá nhẵn bóng, không có triệu chứng của đối tượng gây hại. Còn bên ô đối chứng không phun, búp phát triển ngắn lá dày, giòn dễ gãy. Ngoài ra, sản phẩm khi được kiểm chứng tại vườn dừa tỉnh Bến Tre, hàng dừa phun thử nghiệm có lá xanh tươi, phát triển tốt, không phát hiện đuông dừa đục thân cây... 
Ở Ấn Độ đã có tới 100 sản phẩm được chế từ chế phẩm của cây Neem. Tại Việt Nam, ngoài công trình nguyên cứu của TS. Lưu Xuân Cường còn có một số công trình khác của TS. Vũ Văn Độ (Viện Sinh học nhiệt đới), TS. Dương Nguyễn Hồng Nhung,... Những nghiên cứu tách chiết hoạt chất từ hạt Neem để làm thuốc trừ sâu đều cho thấy thuốc trừ sâu thảo mộc từ Neem tuy không mạnh bằng thuốc trừ sâu hóa học nhưng phổ diệt rộng, không gây nhờn thuốc, thời gian tác động kéo dài đặc trưng cho thuốc trừ sâu sinh học. Một số nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm sản xuất thuốc bảo vệ thực vật từ hạt Neem cho kết quả khả quan như: Hiệp hội rau quả Đà Lạt, đã sản xuất được 3 dạng chế phẩm từ neem có tác dụng diệt mối, ve, bọ chét, rệp đen, bọ trĩ hại cây trà.
Phương Loan
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 7
  • 0
  • 1
  • 7
  • 9
lên đầu trang