Thứ bảy, 04/05/2024 | 22:48

Thứ bảy, 04/05/2024 | 22:48

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:27 ngày 05/03/2020

Vạch chiến lược cho công nghiệp chế biến

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh sẽ có một chỉ thị nêu những định hướng, chiến lược lớn cho phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp...

Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương với chủ đề "Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp" sáng 21-2
Trong đó trọng tâm là hỗ trợ nguồn vốn, tín dụng với lãi suất thấp, đầu tư khoa học công nghệ, phát triển thị trường...
Thông tin được Thủ tướng cho biết khi chủ trì Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương với chủ đề "Thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến nông sản, cơ giới hóa nông nghiệp" sáng 21-2.
Đây được xem là một hội nghị quan trọng vì liên quan đến khoảng 65% dân số sống ở nông thôn và góp phần thực hiện tốt mục tiêu kép hiện nay là vừa chống dịch COVID-19 vừa phát triển sản xuất kinh doanh.
Xuất khẩu tỉ đô, nhưng chỉ chế biến 5-10%
Thủ tướng cho rằng sau 30 năm đổi mới, nông nghiệp nước ta có tiến bộ đáng mừng, từ một nước thiếu ăn trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, nhiều mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu hàng tỉ USD.
Đặc biệt, nông nghiệp Việt Nam còn nhiều tiềm năng lớn, phấn đấu vào top 10 nền nông nghiệp thế giới. Tuy nhiên, Thủ tướng chỉ ra rằng ngành nông nghiệp còn lãng phí, thất thoát lớn trong khâu thu hoạch, chế biến, bảo quản và năng suất chất lượng thấp, cơ giới hóa còn thấp, thậm chí thấp hơn cả Thái Lan.
Từ thực tế các lĩnh vực ngành hàng, ông Nguyễn Hoài Nam - phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) - nhìn nhận nút thắt lớn của ngành thủy sản là thiếu nguyên liệu cho chế biến. Đặc biệt khi đáp ứng yêu cầu cho đơn hàng lớn, giá nguyên liệu của Việt Nam thường tăng cao hơn từ 15-20% so với nhiều nước trong khu vực.
Ông Nam đề nghị cần có chính sách tích tụ đất đai tạo tiền đề cho các trang trại lớn, tạo ra ngành sản xuất hàng hóa lớn. Đồng thời, Chính phủ cần chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách tín dụng cởi mở hơn với ngành nông nghiệp; xem xét lại các dự án nông nghiệp đã giao.
Với những dự án không hiệu quả, bỏ hoang thì cần thu hồi để xây dựng dự án mới. Cần quan tâm khuyến khích sản xuất trang trại, quy mô nguồn nguyên liệu chế biến; mở rộng năng lực chế biến đón sóng đầu tư từ Trung Quốc về Việt Nam để tận dụng hiệu quả hơn.
Từ một ngành gia công, làm thuê cho nước ngoài, ông Ngô Sỹ Hoài - chủ tịch thường trực kiêm tổng thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam - cho biết đến nay ngành gỗ đã xây dựng mẫu mã, thương hiệu, phát triển thương hiệu riêng.
Tuy nhiên, ngành cũng gặp khó khăn về phát triển vùng nguyên liệu, khi nhiều địa phương trồng rừng chỉ sau 4-5 năm là thu hoạch, bán rừng non, gỗ non nên chất lượng thấp.
Chưa kể, ngành gỗ cũng thiếu các khu công nghiệp chế biến tập trung vì hầu hết nguyên liệu, nhân công giá rẻ tập trung ở miền Bắc và miền Trung, nhưng hoạt động chế biến gỗ lại ở khu vực Đông Nam Bộ.
70% máy móc nhập khẩu, giá trị nông sản thấp
Cơ giới hóa nông nghiệp có vai trò quan trọng, song theo ông Đoàn Xuân Hòa - phó chủ tịch Hội Cơ khí nông nghiệp, các doanh nghiệp lớn trong công nghiệp gần như không mặn mà với đầu tư nghiên cứu, sản xuất máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, chế biến ngành nông nghiệp.
Việc tiếp cận các thiết bị cơ giới hóa, dây chuyền chế biến nông sản còn khó khăn, khi đến nay mới chỉ có khoảng 11.000 tỉ đồng vốn vay phục vụ nông dân mua máy nông nghiệp được giải ngân. Các doanh nghiệp lớn là động lực cho tái cơ cấu ngành nông nghiệp lại chưa tận dụng được nguồn vốn ưu đãi để đầu tư máy móc, thiết bị.
Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - cho biết Việt Nam vẫn phải nhập khẩu gần 70% số máy móc phục vụ nông nghiệp, chủ yếu từ Trung Quốc.
Phần lớn các sản phẩm nông - lâm - thủy sản chế biến được xuất khẩu ở dạng sơ chế thô, nên giá trị nông sản của nước ta thường thấp hơn từ 10-50 USD so với các sản phẩm cùng loại ở những nước khác.
Đánh giá tình hình chung, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết 10 năm trở lại đây, công nghiệp chế biến nông sản giúp nền nông nghiệp thay đổi mạnh mẽ, từ tự cung tự cấp sang xuất khẩu, như chế biến hạt điều, cà phê, tôm, cá tra, sữa... Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng mạnh, bình quân 8-10% và năm 2019 đạt mức kỷ lục 41,3 tỉ USD.
Tuy nhiên, ông Cường nhìn nhận phần lớn các doanh nghiệp chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu đảm bảo về số lượng, chất lượng.
Trình độ công nghệ chế biến nhìn chung ở mức độ trung bình (rau, thịt chỉ chế biến được từ 5-10%), chủ yếu vẫn là sơ chế có giá trị gia tăng thấp, tổn thất sau thu hoạch còn lớn (10-20%), cơ chế chính sách chưa đủ hấp dẫn việc đầu tư vào chế biến nông sản...

Một cơ sở chế biến thanh long ruột đỏ ở Long An - Ảnh: Sơn Lâm
Phải làm giàu được từ nông nghiệp
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các địa phương và bộ ngành cần lắng nghe, tiếp thu và tháo gỡ, tạo điều kiện cho nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp phát triển.
Sau hội nghị này sẽ có một chỉ thị của Thủ tướng nêu những định hướng lớn, chiến lược phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa nông nghiệp, hỗ trợ đầu vào, đầu ra, tính minh bạch tốt hơn, có quỹ phát triển thị trường, đầu tư vào nghiên cứu...
"Nông nghiệp của ta không chỉ đủ ăn mà còn phải làm giàu được, phát triển mạnh mẽ sản phẩm thế mạnh đa dạng ở từng địa phương" - Thủ tướng nói và nhấn mạnh cần phải hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam nằm trong top 10 nền nông nghiệp chế biến.
Đến năm 2030 sẽ cơ giới hóa đồng bộ các ngành hàng chủ lực, nâng cao năng suất và hiệu quả, chất lượng. Phát triển 3 ngành chế biến gồm rau củ quả, thủy hải sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ.
Theo Thủ tướng, các chính sách tập trung là đẩy mạnh cơ giới hóa trong nông nghiệp, phát triển cơ khí tập trung các sản phẩm máy kéo, giảm tổn thất sau thu hoạch, tiếp tục giảm giá thành, chi phí logistics; triển khai các chương trình khoa học công nghệ hỗ trợ nông nghiệp và người dân ứng dụng công nghệ vào nông nghiệp; cân đối nguồn vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cần thiết đưa gói tín dụng cho nông nghiệp, hạ lãi suất; các địa phương chú trọng để thúc đẩy công nghiệp chế biến, phát triển bảo quản sau thu hoạch, cơ giới hóa nông nghiệp, xây dựng thương hiệu quốc gia và quy hoạch vùng nguyên liệu quy mô lớn...
Nguồn báo Tuổi trẻ
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 5
  • 1
  • 3
  • 6
  • 8
lên đầu trang