Thứ tư, 01/05/2024 | 16:25

Thứ tư, 01/05/2024 | 16:25

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:34 ngày 16/03/2022

Hiệu quả từ mô hình nuôi cá rô phi ứng dụng công nghệ biofloc

Mới đây, các nhà khoa học của Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã ứng dụng thành công công nghệ biofloc nuôi cá rô phi thâm canh trong môi trường nước lợ. Công nghệ này không những giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà còn đảm bảo chất lượng cá rô phi thương phẩm đáp ứng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Được biết, quy trình nuôi cá rô phi bằng công nghệ biofloc trong môi trường nước lợ do các nhà khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển xây dựng đã được chuyển giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Phòng, Chi cục Thủy sản Hải Phòng, Trung tâm khuyến nông Hải Phòng để áp dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp, đơn vị và cá nhân nuôi trồng thủy sản. Đáng chú ý, theo TS. Nguyễn Xuân Thành - Đại diện nhóm nghiên cứu, quy trình này được mô tả cụ thể, chi tiết, rõ ràng, dễ áp dụng với người có trình độ hiểu biết nhất định về nuôi trồng thủy sản và công nghệ biofloc.
Mô hình nuôi cá rô phi thâm canh trong môi trường nước lợ bằng công nghệ biofloc. (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Quy trình công nghệ yêu cầu khu nuôi phải có ao nuôi, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống sục khí, quạt nước ao nuôi, khu chứa chất thải, công trình phụ trợ và các thiết bị cần thiết khác. Đặc biệt, khu nuôi nên gần vùng ven biển với vùng nước lợ có độ mặn từ 1 – 25 ‰, mật độ cá nuôi trong quy trình sản xuất là 6 con/m2.
“Đối với khu vực miền Bắc, có thể ứng dụng quy trình nuôi cá rô phi thâm canh trong môi trường nước lợ bằng công nghệ biofloc trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 hàng năm. Với các tỉnh miền Nam không có mùa đông thì có thể thả giống từ tháng 2 – 10” – TS. Thành cho biết.
Để thực hiện quy trình nuôi cá rô phi thâm canh bằng công nghệ biofloc, trước tiên cần chuẩn bị ao nuôi. Nhìn chung, việc chuẩn bị ao nuôi gồm các bước dọn tẩy và khử trùng ao nuôi, cấp nước cho ao nuôi. Sau đó, tiến hành tạo biofloc cho ao nuôi. Theo đó, nguồn các-bon bổ sung vào ao nuôi sử dụng rỉ đường (50% C), tỷ lệ C/N trong ao nuôi là từ 13/1 đến 15/1. Trong thời gian này, cần theo dõi và duy trì biofloc trong ao nuôi, thực hiện quạt nước và sục khí để đảm bảo nồng độ ôxy trong nước > 4mg/l, khuấy trộn, đảo nước và biofloc đều khắp ao. TS. Thành cho biết, có thể sử dụng thức ăn công nghiệp dạng nổi, không tan trong nước để nuôi cá rô phi. “Giai đoạn đầu, có thể sử dụng thức ăn cao đạm (thức ăn có độ đạm từ 30 – 35%) và khi cá lớn trên 300 g/con, sử dụng thức ăn thấp đạm hơn (thức ăn có độ đạm 18 – 20%). Cá rô phi nuôi trên 5 tháng là có thể thu hoạch. Thông thường sẽ thường thu hoạch vào khoảng tháng 9 tháng 10 hàng năm trước khi thời tiết lạnh” – TS. Thành chia sẻ.
Được biết, nhóm nghiên cứu đã triển khai hai mô hình nuôi cá rô phi thực nghiệm tại cơ sở nghiên cứu của Viện Tài nguyên và Môi trường biển (Bàng La, Đồ Sơn, Hải Phòng) và mô hình tại ao nuôi của Công ty TNHH Phát triển Thủy sản Hoàng Hương (Phường Tân Thành, Dương Kinh, Hải Phòng).
Ao nuôi cá rô phi (Ảnh: Nhóm nghiên cứu)
Kết quả, với mật độ nuôi 6 con/m2 bằng mô hình ứng dụng công nghệ biofloc, năng suất ao nuôi đạt 33 -37 tấn/ha, cao gấp hai lần so với mô hình nuôi hiện nay tại địa phương. Đặc biệt, lợi nhuận ròng tính theo 1 ha cao hơn 2,7 - 3,5 lần. Tỷ suất lợi nhuận cũng tăng cao hơn từ 1,7 - 2,1 lần.
Bên cạnh việc gia tăng lợi nhuận kinh tế, mô hình nuôi cá rô phi bằng công nghệ biofloc còn giảm thiểu ô nhiễm môi trường do kiểm soát được các chất hữu cơ gốc ni tơ (NH3, NO2..) trong ao do thức ăn dự thừa, sản phẩm bài tiết của cá, xác chết của các sinh vật trong môi trường nước ao. Đồng thời, cá rô phi thương phẩm cũng đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm.
Có thể thấy, công nghệ biofloc được coi là một trong những công nghệ mới, mang tính đột phá trong nuôi thủy sản nói chung và cá rô phi nói riêng. Công nghệ biofloc không chỉ thân thiện môi trường, tạo ra môi trường ao nuôi an toàn, ít dịch bệnh mà còn thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của cá nuôi, tạo ra sản phẩm cá sạch, an toàn cho người tiêu dùng.
Quy trình nuôi cá rô phi bằng công nghệ biofloc trong môi trường nước lợ do nhóm các nhà khoa học Viện Tài nguyên và Môi trường biển xây dựng xây dựng đã được Cục Sở hữu trí tuệ quyết định chấp nhận đơn hợp lệ. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình nuôi cá rô phi thâm canh trong trong môi trường nước lợ bằng công nghệ Biofloc tại Hải Phòng” do TS. Nguyễn Xuân Thành - Viện Tài nguyên và Môi trường biển. 

Hà Nguyễn

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 1
  • 9
  • 1
  • 6
  • 6
lên đầu trang