Thứ hai, 29/04/2024 | 23:12

Thứ hai, 29/04/2024 | 23:12

Tin tổng hợp

Cập nhật 03:50 ngày 25/02/2022

Quảng Trị: Hiệu quả ứng dụng công nghệ sinh học vào trồng trọt, chăn nuôi

Nhờ tích cực ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất và chăn nuôi, những năm qua, ngành nông nghiệp Quảng Trị đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, đã tạo ra các sản phẩm có giá trị và chất lượng cao, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng, thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và bảo vệ môi trường.
Ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất cây dâu tây chịu nhiệt tại vùng Bắc Hướng Hóa - Ảnh: N.T
Sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 06 - CT/TU, ngày 1/8/2006 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Trị “Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, việc ứng dụng CNSH vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả trên 3 mặt: Kinh tế, xã hội, môi trường, góp phần đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp ở địa phương. Trong trồng trọt, tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng nghiên cứu ứng dụng CNSH để phát triển “6 cây, 2 con” chủ lực và một số cây trồng, con nuôi có tiềm năng, triển vọng phát triển theo hướng bền vững; tập trung khảo nghiệm, tuyển chọn, ứng dụng các biện pháp kỹ thuật để phát triển các giống cây trồng có chất lượng cao, phù hợp với các tiểu vùng sinh thái trong tỉnh như: Nghiên cứu khảo nghiệm tập đoàn giống lúa mới ngắn ngày, chất lượng cao để bổ sung vào cơ cấu bộ giống lúa chủ lực của tỉnh và phục tráng giống lúa HC95, Hương Thơm 1, Khang Dân 18, HN6, Thiêu Ưu 8, Ma Lâm 48…; xây dựng mô hình chuỗi giá trị trong sản xuất lạc an toàn theo VietGap; hoàn thiện quy trình kỹ thuật chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh trên cây cam ở vùng đồi K4; xây dựng, tuyển chọn giống cà phê chè có triển vọng và chuyển giao cho nông dân áp dụng nhân rộng mô hình tái canh nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, góp phần phát triển cà phê bền vững, mở rộng ngành hàng cà phê trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tỉnh ứng dụng CNSH vào một số loại cây trồng mới, tiềm năng, phù hợp như: Trồng thử nghiệm cây cà gai leo và cây chum ngây; thử nghiệm trồng tỏi tía trên đất cát ven biển tại xã Trung Giang và trồng cây mướp đắng trong nhà lưới chắn côn trùng tại thôn Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh; trồng thử nghiệm một số cây dược liệu (ngưu tất, sinh địa, trạch tả) trên địa bàn huyện Cam Lộ; cây dâu tây chịu nhiệt tại khu vực Bắc Hướng Hóa; một số loại cây như ổi Đài Loan, hoa tuylip, hoa cẩm tú cầu tại xã Hướng Phùng; sâm bố chính có ứng dụng hệ thống tưới nhỏ giọt tại huyện Cam Lộ, Triệu Phong, Đakrông…Việc triển khai ứng dụng CNSH đã góp phần hạn chế dịch bệnh đối với cây trồng, vật nuôi, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, thay đổi tập quán canh tác lạc hậu sang canh tác hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của nông dân.
Tỉnh còn triển khai các nhiệm vụ ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển các vật nuôi chủ lực, có giá trị kinh tế cao như tiến hành cải tạo đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, lựa chọn các nái lai chất lượng làm nền để phối tinh của các giống bò thịt chất lượng cao như Droughmaster, BBB; nghiên cứu xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt trang trại tiêu chuẩn VietGap theo chuỗi giá trị tại vùng cát tỉnh Quảng Trị; đầu tư hệ thống chuồng trại đạt chuẩn ứng dụng công nghệ cao, áp dụng quy trình vào chăn nuôi gà (gà Lương Phượng, gà Kabir, vịt siêu trứng, siêu thịt…). Đặc biệt, ứng dụng CNSH vào bảo tồn và phát triển một số giống gia cầm, gia súc địa phương có giá trị kinh tế cao như: Lợn Vân Pa, gà ri, vịt cỏ…Nghiên cứu và sản xuất thành công các loại chế phẩm vi sinh vật phục vụ chăn nuôi, góp phần giải quyết vấn đề môi trường chăn nuôi, chăn nuôi theo hướng hữu cơ và bổ sung thức ăn chăn nuôi.
Tiêu biểu như các mô hình canh tác tự nhiên tại Triệu Phong sử dụng lên men vi sinh vật bản địa tạo ra các chế phẩm hỗ trợ trong sản xuất cho hơn 100 ha lúa và rau màu các loại mỗi năm; mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh Obi-Ong biển, vi sinh Quế Lâm… quy mô hơn 300 ha/năm…Đối với giống cây lâm nghiệp, đã ứng dụng, chuyển giao thành công các giống tiến bộ được sản xuất bằng CNSH như: Bạch đàn, bời lời, keo lai các dòng BV33, BV73, BV75; quy trình công nghệ giâm hom keo lai cải tiến tại Quảng Trị…góp phần thúc đẩy nhanh việc trồng rừng thâm canh, đưa năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng tăng lên.
Trong lĩnh vực thủy sản, triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh với việc ứng dụng đồng thời nhiều biện pháp kỹ thuật tiên tiến vào quy trình nuôi tôm. Nhờ vậy, tăng được mật độ nuôi, tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh. Ngoài ra, quan tâm ứng dụng công nghệ tế bào để bảo tồn, lưu giữ, phát triển và sản xuất các loại cây lâm nghiệp, cây hoa và cây dược liệu có giá trị kinh tế cao; xây dựng nhiều mô hình chuyển giao quy trình, công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần tạo ra sản phẩm an toàn, theo hướng hữu cơ, phát triển nông thôn bền vững.
Để phát huy những kết quả đạt được, thời gian tới, tỉnh đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để cấp ủy, chính quyền các cấp, nhà quản lý, cán bộ, đảng viên và Nhân dân nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của CNSH đối với sự phát triển và nâng cao đời sống. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách khuyến khích ứng dụng và phát triển CNSH. Xây dựng và phát triển tiềm lực khoa học công nghệ như về nguồn nhân lực, vật lực, tập huấn nghiệp vụ, tiếp nhận chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật về CNSH…Đẩy mạnh triển khai và ứng dụng CNSH trên các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tài nguyên và môi trường, y tế.
Theo http://baoquangtri.vn/
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 9
  • 5
  • 0
  • 3
  • 8
lên đầu trang