Thứ sáu, 03/05/2024 | 21:51

Thứ sáu, 03/05/2024 | 21:51

Tin tổng hợp

Cập nhật 04:26 ngày 24/02/2022

Nghiên cứu thảo dược có tác dụng bảo vệ gan trên mô hình tế bào HepG2

Đây là nội dung thuộc đề tài Nghiên cứu sàng lọc thảo dược có tác dụng bảo vệ gan trên mô hình tế bào HepG2 bị gây độc bởi ethanol hoặc tert-butyl hydroperoxide do Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM chủ trì thực hiện, ThS. Lê Thị Huyền làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2020.
Hiện nay, ung thư gan là căn bệnh phổ biến tại Việt Nam, trong 5 loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất ở Việt Nam, ở nam giới, ung thư gan chiếm tỷ lệ mắc và tử vong hàng đầu, tiếp theo là các ung thư phổi, dạ dày, đại trực tràng và vòm họng. Tỉ lệ mắc ung thư gan nói chung của cả 2 giới tại nước ta chiếm tới 24,6%, tỉ lệ tử vong chiếm 23,7%. Trong những năm gần đây, mỗi năm, Việt Nam có 10.000 ca mắc bệnh gan mới, là quốc gia có tỉ lệ người mắc bệnh ung thư gan hàng đầu thế giới.
Hiện nay, xu hướng của thế giới là tìm kiếm những giải pháp điều trị bệnh về gan từ cây dược liệu. Đã có nhiều thuốc bảo vệ gan được nghiên cứu và đưa vào điều trị có nguồn gốc từ thảo dược như Legalon (silymarin), Abivina (bồ bồ), Dihacharin (Diệp hạ châu), Hana (Cà gai leo). Tuy nhiên, các loại thuốc này thường có giá thành cao, không phù hợp với điều kiện kinh tế của những bệnh nhân nghèo và đa phần có nhiều tác dụng phụ không mong muốn. Do đó vấn đề cấp bách hiện nay là tìm kiếm giải pháp vừa tăng cường hiệu quả trị liệu cho người mắc bệnh gan vừa hạn chế tối đa tác dụng phụ của thuốc điều trị.
Việt Nam nói chung và các tỉnh phía Nam nói riêng đang sở hữu những nguồn tài nguyên dược liệu vô cùng quý giá và rất có tiềm năng khai thác. Theo thống kê của Viện Dược liệu, Việt Nam ghi nhận có trên 5.000 loài thực vật có công dụng làm thuốc, sản phẩm hỗ trợ điều trị bệnh.
Tại Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM hiện có nhiều đề tài và dự án liên quan đến thu thập, bảo tồn và nhân giống các cây dược liệu, đã sưu tầm được hơn 100 thảo dược quý. Đây là một trong những nguồn nguyên liệu quý giá để tiến tới sàng lọc những thảo dược mới có hoạt tính bảo vệ gan, từ đó tạo cơ sở chứng cứ cho việc tập trung nhân giống thảo dược ở quy mô lớn, tạo nguồn nguyên liệu đủ lớn để phục vụ sản xuất thực phẩm chức năng có tác dụng bổ trợ gan, giải độc gan, cải thiện chức năng gan…
Nhiệm vụ nghiên cứu nêu trên được thực hiện với mục đích chính là sàng lọc một số loài thảo dược có tác dụng bảo vệ tế bào gan dựa trên mô hình tế bào HepG2 bị gây độc bởi ethanol hoặc tert-butyl hydroperoxide (t-BHP).
Theo đó, nhóm tác giả đã thu thập và giám định đầy đủ 10 loại thảo dược (Cúc tần, Mật gấu, Xuyên tâm liên, Thanh táo, Kim thất tai, Diệp hạ châu, Sài đất, Cỏ xước, Ngũ gia bì gai, Kim ngân hoa). Đồng thời tiến hành xử lý mẫu, tách chiết thảo dược thu cao khô và tính hiệu suất. Nguồn mẫu sử dụng trong nghiên cứu được lấy từ bộ sưu tập dược liệu của Trung tâm Công nghệ Sinh học TP.HCM sau khi đã được tuyển chọn ban đầu có tác dụng điều trị các bệnh liên quan đến gan.
Kết quả khảo sát nồng độ gây độc của ethanol, t-BHP lên dòng tế bào HepG2 đã xác định được IC50 của ethanol là 2,518%, IC50 của t-BHP là 0,992mM. Nồng độ này gây ức chế tăng sinh tế bào lên dòng tế bào HepG2 50% được chọn để tiến hành thí nghiệm đánh giá tác dụng bảo vệ tế bào gan của dược liệu.
Kết quả khảo sát nồng độ gây độc của cao chiết lên dòng tế bào HepG2 cho thấy, ở nồng độ cao chiết thảo dược thấp hơn 100mg/mL đều không gây độc lên dòng tế bào HepG2.
Kết quả thí nghiệm đánh giá tác động bảo vệ tế bào gan HepG2 bị gây độc bởi ethanol hoặc t-BHP của cao khô dựa trên khảo sát tác động ức chế tăng sinh tế bào cho thấy cao chiết khô từ thảo dược Sài đất, Mật gấu, Diệp hạ châu có hiệu quả bảo vệ tế bào gan, là thảo dược có tiềm năng hướng đến phát triển sản phẩm hỗ trợ tăng cường chức năng gan.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Theo https://cesti.gov.vn/
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 3
  • 9
  • 7
  • 9
  • 4
lên đầu trang