Thứ bảy, 04/05/2024 | 19:05

Thứ bảy, 04/05/2024 | 19:05

Tin tổng hợp

Cập nhật 03:07 ngày 22/02/2022

Nghiên cứu tác dụng điều hòa đường huyết và hạ acid uric của các cao chiết từ lá vối

Đây là đề tài nghiên cứu cấp cơ sở do Trung tâm Sâm và Dược liệu TP.HCM chủ trì thực hiện, ThS. Nguyễn Hoàng Minh làm chủ nhiệm, được nghiệm thu năm 2020.
Hội chứng rối loạn chuyển hóa được xác định bởi sự kết hợp của các yếu tố sinh lý, sinh hóa, lâm sàng và chuyển hóa liên quan trực tiếp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, gút, đái tháo đường týp 2 và có thể dẫn đến đột quỵ. Hội chứng chuyển hóa đang trở thành một vấn đề lớn về sức khỏe, do đó việc tìm ra những liệu pháp để điều trị cũng như dự phòng ngăn ngừa các căn bệnh như đái tháo đường týp 2, gút, tim mạch do rối loạn chuyển hóa đang là vấn đề cấp thiết.
Theo kinh nghiệm dân gian, lá vối (Cleistocalyx operculatus) được sử dụng trong nhiều bài thuốc hỗ trợ điều trị một số bệnh rối loạn chuyển hóa. Lá và nụ vối có vị đắng, chát, tính hàn, có tác dụng sát trùng, giải biểu, tán nhiệt, khử thấp, hóa trệ. Vỏ thân cây vối có vị cay, tính ôn, có tác dụng sát trùng. Từ kinh nghiệm dân gian, lá và nụ vối đã được người dân nấu nước uống vừa thơm vừa có tác dụng tiêu cơm, nhuận tràng. Lá vối tươi hay khô sắc đặc làm thuốc sát trùng dùng rửa mụn nhọt, lở ghẻ.
Đề tài nêu trên được thực hiện nhằm đánh giá tác dụng sinh học của lá vối, đồng thời tìm ra nguồn dược liệu mới ứng dụng trong việc hỗ trợ điều trị bệnh lý rối loạn đường huyết và tăng acid uric máu.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành chiết xuất cao chiết nước, cao chiết ethanol 50% từ lá vối và định lượng hàm lượng hợp chất flavonoid toàn phần bằng phương pháp UV-Vis; khảo sát tác dụng hạ đường huyết của các cao chiết nước, ethanol 50% từ lá vối trên thực nghiệm dung nạp glucose ở chuột nhắt trắng bình thường; khảo sát tác dụng điều hòa đường huyết của các cao chiết nước, ethanol 50% từ lá vối trên thực nghiệm dung nạp glucose chuột bị gây tăng đường huyết bằng streptozotocin (STZ); khảo sát tác dụng hạ acid uric máu chuột nhắt trắng của các cao chiết nước, ethanol 50% từ lá vối trên mô hình cấp gây tăng acid uric máu bằng kali oxonat theo 2 phác đồ điều trị và phác đồ dự phòng.
Kết quả đề tài đã xác định được quy trình chiết xuất cao chiết và cao chiết ethanol 50% từ lá vối có hiệu suất chiết xuất và hàm lượng flavonoid toàn phần tối ưu nhất. Cao chiết đạt tiêu chuẩn DĐVN V về quy định cho cao đặc. Cao chiết ethanol 50% từ lá vối thể hiện tác dụng điều hòa glucose huyết hơn so với cao chiết nước trên chuột bình thường. Cao chiết ethanol 50% và cao chiết nước từ lá vối ở liều 5g dược liệu/kg thể hiện tác dụng điều hòa đường huyết trên chuột gây tăng đường huyết bằng STZ, nhưng yếu hơn glibenclamid.
Mặc dù cao chiết ethanol 50% và cao chiết nước từ lá vối thể hiện tác dụng hạ acid auric máu là như nhau, nhưng đề tài xác định được cao chiết ethanol 50% là cao chiết tiềm năng có hiệu suất chiết xuất, hàm lượng flavonoid toàn phần, tác dụng điều hòa đường huyết tốt hơn so với cao chiết nước. Nhóm tác giả đưa ra kiến nghị người bình thường uống nước lá vối thay trà cần chú ý đường huyết khi sử dụng liên tục dài ngày. Ngoài ra, cần xác định hợp chất chính trong lá vối có tác dụng chống oxy hóa, thể hiện tác dụng điều hòa đường huyết, hạ acid uric máu; khảo sát tính an toàn của các cao chiết từ lá vối khi sử dụng dài trên thử nghiệm độc tính bán trường diễn.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Theo: CESTI
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 4
  • 8
  • 6
  • 3
  • 0
lên đầu trang