Thứ sáu, 26/04/2024 | 18:08

Thứ sáu, 26/04/2024 | 18:08

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:38 ngày 26/01/2022

Làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzym và protein

Thông qua việc thực hiện một dự án cấp nhà nước do Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ, các nhà khoa học thuộc Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) và Công ty TNHH Tư vấn y dược quốc tế (IMC) đã nghiên cứu, làm chủ công nghệ sản xuất được 9 nguyên liệu (bao gồm 6 nguyên liệu vi sinh, 2 nguyên liệu protein, 1 nguyên liệu enzym) và 8 sản phẩm thực phẩm chức năng ở quy mô công nghiệp.
Từ xu hướng ứng dụng công nghệ sinh học
Khái niệm và tên gọi về thực phẩm chức năng bắt nguồn từ Nhật Bản. Vào năm 1980, Bộ Y tế và Sức khỏe của nước này bắt đầu xây dựng hệ thống tổ chức trong Bộ, tổ chức này có nhiệm vụ điều chỉnh và công nhận những loại thực phẩm có hiệu quả cải thiện sức khỏe của cộng đồng dân cư. Họ cho phép ghi trên nhãn hiệu hàng hóa thực phẩm sử dụng cho sức khỏe con người, được viết tắt từ cụm từ tiếng Anh là FOSHU (Foods for Specified Health Use).
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và những nghiên cứu dịch tễ học ở Việt Nam, những năm gần đây, dưới tác động bởi nhiều yếu tố như: ô nhiễm môi trường, sự tấn công của virus, lạm dụng kháng sinh, áp lực công việc, chế độ dinh dưỡng... đã gây ra nhiều căn bệnh như: tim mạch, huyết áp, đột qụy…
Hiện nay, công nghệ sinh học đã được ứng dụng rộng rãi vào các ngành sản xuất và đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp, y dược, thực phẩm và môi trường, trong đó nổi bật hơn cả là lĩnh vực y dược, giúp nâng cao hiệu quả cao trong phục vụ chẩn đoán và điều trị bệnh. Trên thế giới, một số nước có nền y học phát triển (Mỹ, Nga, Canada, Pháp, Nhật Bản...) đã nghiên cứu và sản xuất nguyên liệu công nghệ sinh học: probiotic, enzym, protein (từ vách tế bào vi khuẩn) để sử dụng với nhiều dạng bào chế khác nhau nhằm tăng cường sức khỏe cho con người. Trong khi đó, Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu công nghệ sinh học ngoại nhập. Bởi vậy, vấn đề tự chủ nguồn nguyên liệu công nghệ sinh học có chất lượng ổn định trong nước là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết.
Hoạt động nghiên cứu - phát triển tại VIDS
Đến làm chủ công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng
Là một tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, VIDS luôn tiên phong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ các sản phẩm thực phẩm chức năng, các nguyên liệu có nguồn gốc thiên nhiên và các hoạt chất công nghệ sinh học phục vụ cộng đồng. Mới đây, được sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, VIDS đã phối hợp với IMC triển khai dự án “Nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzym và protein”. Sau thời gian thực hiện, các nhà khoa học của 2 đơn vị trên đã: 1) Nghiên cứu quy trình lên men và công nghệ sản xuất 6 nguyên liệu vi sinh vật: Bacillus coagulans; Bacillus subtilis; Lactobacillus acidophilus; Lactobacillus rhamnosus; Lactobacillus paracasei; Lactobacillus fermentum với quy mô 200 kg/lô; 2) Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất nguyên liệu protein DeltaImmune, ImmuneGamma với quy mô 100 kg/lô; 3) Nghiên cứu quy trình công nghệ sản xuất nguyên liệu enzym Nattokinase quy mô 100 kg/lô; 4) Nghiên cứu quy trình công nghệ bào chế 8 sản phẩm thực phẩm chức năng từ 9 nguyên liệu trên ở quy mô 300.000 đơn vị/lô; 5) Xây dựng được 17 tiêu chuẩn chất lượng của nguyên liệu và thành phẩm (TCCS) đạt tiêu chuẩn Việt Nam tương đương tiêu chuẩn quốc tế và được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cấp số xác nhận công bố. Các thành phẩm sản xuất đều đạt yêu cầu về thử an toàn (thử độc tính cấp, độc tính bán trường diễn trên động vật).
Một số sản phẩm của dự án
Đặc biệt, dự án đã sản xuất được 13.728.354 đơn vị sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chất lượng ổn định, hỗ trợ điều trị và phòng ngừa bệnh thương hiệu “Made in Vietnam” với chất lượng tương đương so với nhập ngoại. Dự án thành công là bước đột phá, tạo nền tảng trong nghiên cứu công nghệ sinh học và công nghệ chiết xuất, bào chế thực phẩm chức năng có chất lượng cao, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng. Tạo thế cạnh tranh cho các đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng, chủ động trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Mới đây nhất, nhờ sự hỗ trợ của Ban Quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thông qua việc tập trung giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch; tích cực đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, kết nối trực tiếp với các hạ tầng của Thủ đô; đề xuất những chính sách, cơ chế quản lý phù hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình xây dựng và phát triển khu cũng như nhà đầu tư; tích cực cải cách thủ tục hành chính thông qua việc hiện thực hóa các văn bản pháp quy của Nhà nước để ứng dụng vào Khu Công nghệ cao Hòa Lạc một cách minh bạch, rõ ràng, dễ áp dụng nhất với các nhà đầu tư và tiến tới thực hiện điện tử hóa một số thủ tục hành chính theo lộ trình mà Chính phủ cũng như của Bộ Khoa học và Công nghệ đề ra… VIDS đã tiến hành đầu tư xây dựng 2 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng theo yêu cầu của hòa hợp ASEAN (GMP-Health Supplements) tại Khu Công nghệ cao Hòa Lạc gồm 1 nhà máy sản xuất nguyên liệu vi sinh, enzym, protein; 1 nhà máy sản xuất thực phẩm chức năng.
Theo vjst.vn
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 6
  • 8
  • 7
  • 7
  • 4
lên đầu trang