Thứ hai, 29/04/2024 | 09:29

Thứ hai, 29/04/2024 | 09:29

Kiến thức khoa học

Cập nhật 11:18 ngày 14/10/2019

Nghiên cứu công nghệ sản xuất Cordycepin từ Cordyceps militaris bằng phương pháp lên men chìm

Để nuôi cấy, nhân giống nấm Đông trùng Hạ thảo hiện nay có rất nhiều phương pháp đã được sử dụng như: lên men trên cơ chất rắn, lên men chìm và lên men bề mặt. Điểm mấu chốt cho các phương pháp này là làm sao có thể thu nhận tối đa lượng cordycepin từ nấm. Đây là một trong những hoạt chất quan trọng nhất để đánh giá chất lượng của sản phẩm nhưng cũng rất khó để có thể sản xuất trên quy mô lớn. Hiện nay, phương pháp lên men trên cơ chất rắn đang được sử dụng chính để nuôi cấy thu nhận nấm Đông trùng hạ thảo. Phương pháp này có thể thu nhận được lượng sinh khối nấm lớn tuy nhiên thời gian nuôi cấy khá dài (2 tháng) và phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết… Phương pháp nuôi cấy dịch thể (lên men chìm) hiện được quan tâm nhiều do có công nghệ sử dụng thuận tiện, tiết kiệm chi phí, dễ dàng thực hiện trên quy mô lớn và đặc biệt là không chịu tác động của các yếu tố ngoại cảnh.
Để tiếp tục hướng nghiên cứu này, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Sinh học Thực nghiệm do ThS. Nguyễn Thị Thanh Mai dẫn đầu, đã thực hiện đề tài: “Nghiên cứu công nghệ sản xuất Cordycepin từ Cordyceps militaris bằng phương pháp lên men chìm” trong 2 năm 2016-2017 nhằm đưa ra điều kiện tối ưu trong nuôi cấy Cordyceps militaris khi sử dụng phương pháp lên men chìm và thu nhận được hàm lượng hoạt chất cordycepin cao.
Bột sinh khối giàu cordycepin đang là một sản phẩm có một thị trương tiêu thụ tiềm năng do các tác dụng trong phòng và điều trị bệnh. Các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên giàu các hoạt chất chức năng đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực dược liệu, chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng… Đề tài đã tạo được sản phẩm bột sinh khối có chất lượng tương đương với các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc, Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện do còn hạn chế về thời gian thực hiện nên còn một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình nuôi cấy chưa được khảo sát như: nguồn dinh dưỡng bổ sung có nguồn gốc hữu cơ, điều kiện về các loại đèn chiếu sáng, các chất phụ gia bổ sung, quá trình thu hồi sản phẩm… Do vậy, đề tài cần tiếp tục nghiên cứu thêm cả về công nghệ và thiết bị cho phù hợp hơn với thực tế sản xuất ở qui mô lớn hơn.
Đề tài có ý nghĩa khoa học cao bởi các kết quả thu nhận được sẽ là một nguồn tham khảo quan trọng, cung cấp thêm thông số cho quy trình lên men hay các điều kiện nuôi cấy dạng lỏng nấm Đông trùng hạ thảo Cordyceps militaris. Đồng thời, đề tài mở ra một hướng đi mới có thể phát triển trong thực tiễn nhằm ứng dụng sản xuất nguyên liệu thô phục vụ công nghiệp dược từ các sản phẩm tạo ra từ quá trình lên men nấm Cordyceps militaris phù hợp với điều kiện Việt Nam.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu của Đề tài (Mã số 14916/2017) tại Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ Quốc gia.
Nguồn: NASATI
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 8
  • 9
  • 9
  • 4
  • 9
lên đầu trang