Thứ sáu, 03/05/2024 | 19:52

Thứ sáu, 03/05/2024 | 19:52

Kiến thức khoa học

Cập nhật 09:58 ngày 25/07/2019

Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thử nghiệm ương giống cá bớp (rachycentron canadum) giai đoạn từ trứng lên cá giống tại Quảng Ngãi

Cá bớp là đối tượng nuôi biển có giá trị kinh tế cao, dễ nuôi, được người tiêu dùng rất ưa chuộng, nguồn cung không đáp ứng đủ nhu cầu nên được người dân trong tỉnh quan tâm đầu tư, được ngành nông nghiệp đưa vào quy hoạch nuôi biển tại một số địa phương trong tỉnh. Nhu cầu về con giống của tỉnh tăng mạnh, từ vài ngàn con năm 2013 đến nay ước hơn 150.000 con/năm và sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Thế nhưng, hiện nay, tỉnh chưa có trại giống nào cho sinh sản hoặc ương nuôi cá giống, nguồn cá giống cung cấp cho người nuôi được chuyển từ các tỉnh khác về với chi phí vận chuyển cao, thời gian vận chuyển dài nên chất lượng cá giống thường không ổn định, tỉ lệ sống trong thời gian đầu thấp và tiềm ẩn nhiều rủi ro khi mua giống ngoài tỉnh.
Thả cá bớp giống nuôi thử nghiệm tại Trại thực nghiệm sản xuất Giống thủy sản Đức Phong, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.
​Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi đã triển khai thực hiện dự án: “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thử nghiệm ương giống cá Bớp (Rachycentron canadum) giai đoạn từ trứng lên cá giống tại Quảng Ngãi” nhằm tạo ra nguồn giống tại chỗ đảm bảo chất lượng, cung cấp cho người nuôi trong tỉnh, thúc đẩy phát triển nghề nuôi thủy sản nước mặn, đa dạng hóa đối tượng nuôi, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển kinh tế bền vững.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, kỹ sư nuôi trồng thủy sản, thư ký của dự án cho biết: Trong những năm gần đây, phong trào nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh phát triển, cá bớp là đối tượng nuôi được người dân quan tâm. Tuy nhiên, người nuôi không mua được con giống tại địa phương và chưa có trại giống nào ở tỉnh sản xuất con giống; do đó phải mua con giống ở tỉnh khác về, không đảm bảo chất lượng con giống. Trung tâm thực hiện dự án nhằm tiếp nhận quy trình và ứng dụng vào thực tiễn sản xuất tại Trại giống, chủ động nắm bắt công nghệ sản xuất ương nuôi con giống, từ đó chủ động cung cấp con giống tại địa phương.
Dự án đã tiến hành tiếp nhận công nghệ, cán bộ kỹ thuật của dự án được Trung tâm Giống hải sản cấp I Ninh Thuận hướng dẫn lý thuyết và thực hành các nội dung của quy trình sản xuất giống cá bớp phù hợp với điều kiện tại Quảng Ngãi gồm 5 chuyên đề kỹ thuật: Kỹ thuật nuôi tảo, luân trùng và copepoda; kỹ thuật ương cá bột lên cá hương trong bể composite, bể ximăng; kỹ thuật ương cá bột lên cá hương trong ao nuôi ngoài trời; kỹ thuật ương cá hương lên cá giống trong bể composite, bể ximăng áp dụng tại Quảng Ngãi; các giải pháp về quản lý chất lượng nước, phòng trị bệnh áp dụng tại Quảng Ngãi. Qua đó, xây dựng quy trình kỹ thuật ương giống cá bớp giai đoạn từ trứng lên cá giống phù hợp với điều kiện tại Quảng Ngãi.

​Cá bớp giống của dự án được triển khai nuôi ở hộ dân phát triển tốt.
Dự án sử dụng 2 nhà ương nuôi ấu trùng gồm 36 bể ương có tổng thể tích 180 m3; 1 hệ thống thổi khí cung cấp ô-xy cho ấu trùng; hệ thống cấp thoát nước, ao chứa lắng-xử lý, bể chứa nước dự trữ, nhà kho vật tư; 2 ao nuôi copepoda ngoài trời tổng diện tích 800 m2… của Trại thực nghiệm sản xuất Giống thủy sản Đức Phong thuộc Trung tâm Giống tỉnh Quảng Ngãi. Qua đó, dự án tổ chức ương thử nghiệm giống cá bớp từ giai đoạn trứng lên cá giống tại Quảng Ngãi dưới sự hướng dẫn kỹ thuật ương thử nghiệm giống cá bớp của chuyên gia Trung tâm Giống hải sản cấp I Ninh Thuận. Trứng được mua từ các cơ sở nuôi cá bớp bố mẹ tại tỉnh Khánh Hòa với số lượng 7 kg và các chỉ tiêu đề ra trong ương cá giống là: Tỷ lệ nở của trứng ≥ 70%, tỷ lệ sống từ cá bột lên cá hương đạt 2-3%; tỷ lệ sống từ cá hương lên cá giống ≥ 60%; sản lượng cá bớp giống của dự án đạt 10.000 con cá giống quy cỡ 10-12 cm/con năm 2017, 20.000 con cá giống quy cỡ 10-12 cm/con năm 2018. Ông Phạm Tấn Quang, chủ nhiệm dự án cho hay: Qua dự án, chúng tôi đã tiếp nhận quy trình kỹ thuật và ứng dụng thành công kỹ thuật ương giống cá bớp từ trứng lên cá giống. Sau 2 năm thực hiện, chúng tôi đã chủ động sản xuất giống cá bớp với 30.000 con cá giống từ 10-12 cm. Cá giống được sản xuất ra khỏe mạnh,  tỷ lệ sống đạt trên 70%.
Từ sản phẩm cá bớp giống được ương thử nghiệm thành công tại Trại thực nghiệm sản xuất Giống thủy sản Đức Phong, dự án xây dựng mô hình nuôi thương phẩm 30.000 con giống cá bớp ở các huyện Bình Sơn, Đức Phổ, Lý Sơn. Trong năm 2017, dự án triển khai 4 mô hình tại Lý Sơn, 3 mô hình tại Bình Sơn, 3 mô hình tại Đức Phổ; mỗi mô hình 01 hộ dân tham gia; quy mô lồng nuôi 1 mô hình là 100 m3; mật độ nuôi 10 con/m3; ước sản lượng thu hoạch 1 mô hình đạt 2.100 kg cá bớp thương phẩm; tổng sản phẩm cá bớp thương phẩm là 21.000 kg.
Năm 2018, dự án triển khai 16 mô hình tại Lý Sơn, 04 mô hình tại Đức Phổ; mỗi mô hình 01 hộ dân tham gia; quy mô lồng nuôi 1 mô hình là 100 m3; mật độ nuôi 10 con/m3; ước sản lượng thu hoạch 1 mô hình đạt 2.100 kg cá bớp thương phẩm, tổng sản phẩm cá bớp thương phẩm là 42.000 kg.
Qua 2 năm thực hiện mô hình nuôi thương phẩm cá bớp cho các hộ dân trong tỉnh từ con giống được ương thử nghiệm thành công của dự án cho thấy kết quả ở các hộ nuôi đạt hiệu quả, cá nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, trọng lượng bình quân đạt 4kg/con sau 07 tháng nuôi, tỷ lệ sống đạt trên 70%. Với giá bán dao động từ 150.000 – 200.000 đồng/kg, 1 hộ có thu nhập bình quân 200.000.000 đồng/vụ. Ông Võ Đình Lân, thôn Thạch Bi 1, xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ, hộ dân tham gia dự án chia sẻ: Năm 2017 và 2018, tôi sử dụng cá bớp giống của Trại giống để nuôi và thấy cá giống nuôi rất đạt, nhanh lớn so với những năm trước tôi lấy con giống ở Nha Trang về. Cá nuôi thích hợp với nguồn nước ở đây, được cho ăn thức ăn tươi sống, khoảng 6-7 tháng nuôi cá đạt 3 kg, có con đến 4 kg. Tôi lấy làm phấn khởi.
Dự án đã đào tạo 2 cán bộ kỹ thuật của Trung tâm nắm vững lý thuyết và thực hành thành thạo kỹ thuật ương giống cá bớp (giai đoạn từ trứng lên cá giống) và tập huấn kỹ thuật nuôi cá bớp thương phẩm cho cán bộ khuyến ngư và nông dân tham gia mô hình. Bên cạnh đó, dự án tổ chức 2 hội nghị đầu bờ các mô hình nuôi cá bớp thương phẩm cho người dân trong tỉnh tham quan, học hỏi kinh nghiệm và tổ chức hội thảo khoa học về các chuyên đề kỹ thuật trong ương nuôi giống cá bớp.
Ông Phạm Tấn Quang, chủ nhiệm dự án đánh giá: “Qua 2 năm triển khai, dự án đã sản xuất 30.000 con giống cá bớp để nuôi thử nghiệm ở 3 điểm Bình Sơn, Lý Sơn, Đức Phổ; bước đầu đánh giá cá phát triển rất tốt ở các mô hình. Đồng thời, dự án xây dựng được quy trình kỹ thuật sản xuất giống phù hợp tại địa phương”. Thành công của dự án mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội rất lớn tại địa phương, đa dạng hóa đối tượng nuôi, chủ động ương giống cá bớp để cung cấp con giống có chất lượng cho người nuôi trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận. Sự thành công của dự án cá bớp tạo tiền đề để Trung tâm phát triển ương nuôi thêm một số đối tượng giống khác như cá chim vây vàng, cá mú, cá chẽm... thúc đẩy nghề nuôi cá biển phát triển, tăng thu nhập cho người nuôi trồng thủy sản.
Có thể thấy rằng, dự án đã đáp ứng kịp thời nhu cầu cá bớp giống trên địa bàn tỉnh với con giống đảm bảo chất lượng. Kết quả của dự án sẽ được Trung tâm ứng dụng vào triển khai sản xuất, mở rộng quy mô, tăng sản lượng để cung ứng giống cá bớp, phát triển nuôi trồng thủy sản tại địa phương và chuyển giao quy trình ương giống cá bớp cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh có nhu cầu để phát triển sản xuất.
Vụ KHCN tổng hợp
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 7
  • 3
  • 8
  • 6
  • 7
  • 1
lên đầu trang