Chủ nhật, 19/05/2024 | 09:03

Chủ nhật, 19/05/2024 | 09:03

Kiến thức khoa học

Cập nhật 02:50 ngày 12/02/2019

Sản phẩm, mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ tiêu biểu

Với tinh thần tái cơ cấu ngành KH&CN đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, góp phần phát triển kinh tế, ngành KH&CN Quảng Trị đã chú trọng ứng dụng các kết quả, thành tựu KH&CN vào đời sống, mang lại hiệu quả thiết thực, nhiều mô hình ứng dụng được triển khai bước đầu có kết quả tốt. Một số sản phẩm ra đời từ công tác nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã được đăng ký thương hiệu, thương mại hóa và được người tiêu dùng ưa chuộng.
Nghiên cứu, sản xuất và bước đầu thương mại hóa nhiều sản phẩm
Bên cạnh việc xây dựng thành công mô hình sản xuất giống chè vằng bằng phương pháp giâm hom và nhân rộng, năm 2016, Sở KH&CN tỉnh Quảng Trị phối hợp với Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên (Thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) nghiên cứu sâu hơn hoạt tính sinh học của cây chè vằng tại Quảng Trị đối với sức khỏe con người. Qua quá trình thực hiện, nhóm nghiên cứu của Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên và Sở KH&CN đã chiết và thử nghiệm thành công hoạt tính sinh học của chè vằng Quảng Trị. Sản phẩm chè vằng hòa tan với thương hiệu “Tralavang” ra đời. Hiện kết quả được chuyển giao cho Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN và ký kết hợp đồng thương mại, bao tiêu sản phẩm chè vằng hòa tan Tralavang với Công ty TNHH thiết bị HP Việt Nam. Sản phẩm chè vằng hòa tan với thương hiệu “Tralavang” đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh tin dùng.
Từ loại cây dại, cà gai leo- cây thuốc quý của địa phương được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh chọn lọc, nhân giống bằng 2 phương pháp giâm hom và gieo hạt, sau 60 ngày được chuyển giao cho nông dân trồng theo phương pháp canh tác sạch. Kết hợp cùng với nấm linh chi đỏ- một loại nấm dược liệu quý hiếm đã được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN nghiên cứu thử nghiệm thành công. Các nguyên liệu được rửa sạch và đưa lên hệ thống chiết xuất trong môi trường chân khônghệ thống công nghệ hiện đại nhằm đảm bảo thành phẩm giữ được dược tính quý của 2 loại dược liệu này. Sau đó được sấy khô bằng công nghệ sấy vi sóng chân không và đưa vào hệ thống nghiền cho ra thành phẩm, sản phẩm cuối cùng: Cà gai leo - Linh chi hòa tan CAGALI, sản phẩm có dược tính hỗ trợ ưu việt cho các bệnh về gan.
Ra đời từ kết quả nghiên cứu nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở “Xây dựng mô hình sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tỏi đen tại Quảng Trị”, sản phẩm tỏi đen Winner do Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Quảng Trị sản xuất có vị ngọt hơi chua, dẻo, màu đen, bề mặt phần thịt tỏi khô se, mùi thơm đặc trưng có tác dụng hỗ trợ hạ huyết áp, giảm cholesterol máu, phòng ngừa trụy tim mạch, ức chế sự phát triển của vi sinh vật gây bệnh… Từ tỏi đen, trung tâm tiếp tục sản xuất thành công rượu tỏi đen Winner được người tiêu dùng đón nhận.
Là sản phẩm từ dự án KH&CN cấp cơ sở năm 2017 “Nghiên cứu quy trình và sản xuất sản phẩm trà linh chi hòa tan”, Trạm Nghiên cứu, thực nghiệm và phát triển nấm thuộc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Quảng Trị đã nghiên cứu thành công thành sản phẩm nấm linh chi đỏ- một loại dược liệu quý có nhiều lợi ích cho sức khỏe, cùng với việc ứng dụng công nghệ hiện đại sản xuất sản phẩm đóng hộp tiện lợi dạng hòa tan, nấm linh chi hòa tan Đất Lửa. Sản phẩm này được người tiêu dùng ưa chuộng ở thị trường trong tỉnh, trong nước, một phần vì công dụng không thua gì nấm linh chi quả thể, một phần bởi sự tiện lợi mà sản phẩm này mang tới cho người sử dụng.
Sản phẩm đông trùng hạ thảo Sa Mù là kết quả nghiên cứu từ nhiệm vụ thường xuyên “Tiếp nhận, sản xuất thử nghiệm và hoàn thiện quy trình công nghệ sản xuất nấm đông trùng hạ thảo (Cordyceps militaris) tại Quảng Trị”. Sản phẩm đông trùng hạ thảo Sa Mù giúp giải độc gan, bồi bổ cơ thể, bổ thận, tăng cường sức đề kháng, làm chậm quá trình lão hóa, giúp ổn định nhịp đập của tim, làm hạ huyết áp ở người cao huyết áp.
Hiện 4 sản phẩm cà gai leo-linh chi hòa tan CAGALI, tỏi đen Winner, linh chi hòa tan Đất Lửa, đông trùng hạ thảo Sa Mù đã được kiểm nghiệm đạt các chỉ tiêu an toàn về chất lượng, đăng ký mã số mã vạch, đóng gói bao bì, nhãn mác. Sản phẩm bước đầu được thương mại hóa, trong đó chủ yếu ở thị trường nội tỉnh và các tỉnh, thành phố phía Bắc và được người tiêu dùng đón nhận.
Sở KH&CN cũng đã chỉ đạo Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng thành công mô hình trồng Lily và hoa Tulip tại xã Hướng Phùng, Hướng Hóa, phía Nam đèo Sa Mù. Quy trình sản xuất hoa Lily thương phẩm được áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, tối ưu hóa một số công đoạn trong quy trình nên hoa có phân cành dài, cánh hoa dày, có hương rất thơm, tỷ lệ hoa hữu hiệu đạt 96-98%... Bên cạnh hoa Lily, cuối năm 2017, trung tâm đã triển khai nghiên cứu trồng thử nghiệm mô hình hoa Tulip giống Hà Lan. Chỉ sau 40 ngày, hơn 600 gốc hoa Tulip gồm 5 màu sắc đã phát triển tốt và cho hoa đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Trong năm 2018, sẽ chuyển giao công nghệ trồng hoa Tulip và Lily cho người dân các xã ở khu vực đèo Sa Mù để phát triển kinh tế.
Chuyển giao thành công các mô hình sản xuất
Mô hình trồng nấm linh chi đỏ được Sở KH&CN chuyển giao thành công tại Gio Linh. Mô hình được hỗ trợ ban đầu mang tính động lực về KHKT và máy móc thiết bị cho các đối tượng hưởng lợi nhằm giúp cho người dân mạnh dạn đầu tư kinh phí, mở rộng quy mô sản xuất. Mô hình trồng nấm linh chi thành công là cơ sở quan trọng để Sở KH&CN nhân rộng kết quả này trên địa bàn toàn tỉnh trong thời gian tới.
Với sự hỗ trợ của Sở KH&CN, huyện Cam Lộ đã áp dụng các tiến bộ KHKT trong thử nghiệm trồng 2 loại cây dược liệu mới là ngưu tất và trạch tả. Hiện nay 2 loại cây dược liệu này đang phát triển tốt và chuẩn bị thu hoạch. Thời gian tới, Sở tiếp tục chú trọng phát triển cây dược liệu theo quy hoạch vùng trồng nguyên liệu, hỗ trợ huyện Cam Lộ tiếp tục ứng dụng công nghệ trong chế biến sâu các sản phẩm từ dược liệu nhằm đem lại hiệu quả, lợi ích thiết thực cho người dân.
Từ sự hỗ trợ của Sở KH&CN, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Gio Linh xây dựng thành công mô hình mướp đắng trong nhà lưới chắn côn trùng, vừa nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm mướp đắng của địa phương, vừa tăng giá trị kinh tế, góp phần thay đổi tập quán canh tác quảng canh của người dân. Để nâng cao giá trị của mướp đắng xã Gio Mỹ, thời gian tới, Sở KH&CN tiếp tục hỗ trợ để xây dựng thương hiệu cho sản phẩm này. Để góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường do chế biến cà phê gây ra và tạo nguồn phân hữu cơ lâu dài cho sản xuất cây cà phê, được sự hỗ trợ của Sở KH&CN, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Hướng Hóa triển khai dự án: “Ứng dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ vỏ cà phê tại xã Hướng Phùng”. Ứng dụng tiến bộ KH&CN để chế biến vỏ cà phê thành phân lân vi sinh đưa lại nhiều hiệu quả kinh tế, môi trường sinh thái và môi trường sản xuất. Đồng thời qua đó làm thay đổi nhận thức của nông dân trong sản xuất nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường và sản xuất bền vững. Chế phẩm xử lý chất thải, ủ phân hữu cơ vi sinh (Compo - QTMIC); chế phẩm làm đệm lót sinh học trong chăn nuôi (Bio - QTMIC); chế phẩm xử lý ao nuôi thủy sản (Nitro - QTMIC ); chế phẩm bổ sung thức ăn chăn nuôi (Pro - QTMIC)… được Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh sản xuất bằng công nghệ tiên tiến, chất lượng cao, hiệu quả sử dụng tốt, giá thành hợp lý, được người dân đón nhận, sử dụng. Việc cho ra đời các sản phẩm đã có tác động tích cực trong việc xử lý rác thải, đệm lót sinh học trong chăn nuôi, trồng tiêu và đối với nuôi trồng thủy sản.
Theo baoquangtri.vn
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 8
  • 8
  • 4
  • 2
  • 5
  • 6
lên đầu trang