TÓM TẮT
Esterase là nhóm enzyme thủy phân tác động vào cầu nối este và được ứng dụng rộng rãi trong công nghiệp. Trong sản xuất giấy, sterol esterase đóng vai trò quan trọng nhờ tác dụng phân hủy nhựa cây trong gỗ nguyên liệu. Sterol esterase tham gia vào quá trình thủy phân các este sterol khó phân hủy trong thành phần nhựa cây, giải phóng sterol tự do và các axit béo. Trong nghiên cứu này, 46 chủng vi khuẩn và xạ khuẩn chịu nhiệt có khả năng phân hủy nhựa cây đã được phân lập từ gỗ mục và mùn đất. Trong số đó, CVSM6-1 là chủng có hoạt tính esterase cao (4692.98 U/L), nhưng hoạt tính cellulase lại ở mức rất thấp. Chủng vi khuẩn CVSM6-1 có khả năng phát triển tốt ở 30 - 45oC và pH 5 – 10, và có triển vọng ứng dụng cao trong tiền xử lý dăm mảnh gỗ nguyên liệu, giúp giảm sử dụng hóa chất trong sản xuất giấy.
Từ khóa: Bột giấy, nhựa cây, phân hủy nhựa, vi sinh vật chịu nhiệt, sterol esterase.
MỞ ĐẦU
Sterol esterase (steryl-este acylydrolase, E.C3.1.13) là nhóm enzyme thủy phân thuộc họ α /-hydrolase hoạt động như một chất xúc tác sinh hóa tham gia vào quá trình phân tách các liên kết este trong triacylglyceride thành các axit béo chuỗi ngắn (C<10). Chúng phân bố rộng rãi trong động vật, thực vật và vi sinh vật. Sterol esterase là các protein có trọng lượng phân tử từ 6,5 đến 65 kDa và chúng có xu hướng tổng hợp tạo ra các cấu trúc giả bậc bốn. Đối với ngành sản xuất giấy, sterol esterase là một trong những enzym quan trọng có tác dụng phân hủy nhựa cây trong gỗ nguyên liệu. Sterol esterase tham gia vào quá trình thủy phân các este sterol khó phân hủy trong thành phần nhựa cây, giải phóng sterol tự do và các axit béo. Trước đây có nhiều nghiên cứu về esterase từ động vật do chúng có vai trò quan trọng trong trao đổi lipit và hấp thụ cholesterol. Sterol esterase từ vi sinh vật cũng được cho là có vai trò như vậy, tuy nhiên sterol esterase của vi sinh vật là enzym ngoại bào có độ ổn định cao và phổ đặc hiệu cơ chất rộng nên là đối tượng được quan tâm sử dụng cho công nghiệp. Sterol esterase của nấm Melanocarpus albomyces (Kontkanen et al., 2006) và Ophiostoma piceae (Gutierrez-Fernández et al., 2014) các loài nấm có hoạt độ dao động khoảng dưới 1,8 U/ml, ở vi khuẩn esterase được tìm thấy ở các chi Bacillus, Pseudoalteromas sp (Cieśliński et al.,, 2007), Pseudomonas putida (Ma et al., 2013), Thermoanaerobacter tengcongensis (Rao et al., 2011)..., xạ khuẩn là các loài thuộc chi Streptomyces, hay ở một số loài nấm mục trắng Pleurotus sapidus (Linke et al., 2013). Mặc dù vậy, những thông tin về nhóm setrol esterase của vi sinh vật còn ít và mới có một nhóm nhỏ các chủng được nghiên cứu (Vaquero et al., 2016). Theo một số nghiên cứu công bố, khả năng thủy phân este sterol được coi là một đặc tính đặc biệt của nhóm sterol esterase từ vi khuẩn và xạ khuẩn, có vai trò quan trọng để kiểm soát nhựa cây vì các sterol este là các thành phần chính trong nhựa cây hình thành nên các keo tụ có độ bám dính cao và bền trong giai đoạn nấu. Trong nghiên cứu này, chúng tôi tiến hành phân lập và tuyển chọn các chủng vi khuẩn và xạ khuẩn chịu nhiệt có khả năng sinh tổng hợp sterol esterase từ mùn đất, gỗ mục và vỏ cây từ nhà máy Giấy Bãi Bằng. Trong số các chủng thu được, chủng CVSM6 -1 chịu nhiệt có khả năng sinh tổng hợp esterase cao nhất phù hợp cho những nghiên cứu triển vọng tiếp theo.
NGUYÊN LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
Nguyên liệu
Vật liệu nghiên cứu gồm các mẫu mùn đất, dăm mảnh, gỗ mục thu thập tại Nhà máy Giấy Bãi Bằng, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, tọa độ địa lý vĩ độ 21o24’47.1”N; kinh độ 105o18’57.7”E.
Môi trường nuôi cấy: Môi trường Bennet (g/l): cao nấm men 1g, cao thịt 1g, N-Z amine type A 2g, glucose 10g, pH 7. Môi trường Czapeck (g/l): NaNO3 3g, K2HPO4 1g, MgSO4.7H2O 0.5g, KCl 0.5g, FeSO4. 7H2O 0.01g, pH 7. Môi trường MPA (g/l): cao thịt 5, pepton 10, NaCl 5. Các môi trường trên có bổ sung stigmasterol 100mg/L hoặc chất trích ly nhựa 500mg/L
Phương pháp
Phương pháp tách triết nhưa cây trên gỗ keo
Dăm mảnh gỗ keo được chẻ mảnh và nghiền, thu bột gỗ có kích cỡ 0,3 - 0,4mm. Nhựa cây được thu nhận theo phương pháp chiết Soxhlex bằng aceton trong 6 giờ (Dorado et al., 2000)
Phân lập và tuyển chọn các chủng vi sinh vật có khả năng sinh tổng hợp sterol esterase và phân hủy chất trích ly nhựa cây
Mẫu mùn thu thập tại Nhà máy Giấy Bãi Bằng được tiến hành phân lập trên môi trường Czapek có bổ sung 100mg/l stigmasterol. Các đĩa phân lập được ủ ở 50oC trong 3 – 5 ngày. Tách và làm sạch các khuẩn lạc vi sinh vật trên các đĩa phân lập. Các chủng vi sinh vật nhận được, được nuôi cấy trên môi trường lỏng Czapek có bổ sung stigmasterol và nuôi lắc 200 v/p, ở 50oC trong 48 h. Các chủng vi sinh vật có khả năng phát triển tôt trên môi trường sẽ được lựa chọn cho các thí nghiệm tiếp theo.
Để xác định định tính khả năng sinh sterol esterase, các chủng nghiên cứu được cấy chấm điểm trên môi trường có bổ sung Tween 20 hoặc Tween 80, chủng có tạo kết tủa xung quanh khuẩn lạc được tuyển chọn (Vijay KG et al., 2012).
Phương pháp nghiên cứu đặc điểm sinh học
Đặc điểm sinh học của chủng vi khuẩn lựa chọn được thực hiện theo các phương pháp trong khóa phân loại của Bergey’s Mannual of Determinative Bacteriology (1989).
Phản ứng nhuộm Gram: được thực hiện theo Somasegaran và Hoben (1984).
Phương pháp nuôi cấy trên môi trường lỏng
Chủng vi khuẩn được nuôi cấy trên môi trường lỏng trên bình tam giác 250 ml với thể tích dich nuôi / thể tích bình (1:4 v/v). Sau khoảng thời gian thích hợp (48 đến 106 giờ), canh trường sau nuôi cấy (dịch enzyme thô) được thu hồi toàn bộ bằng phương pháp ly tâm 10000 rpm trong 10 phút và sử dụng để xác định hoạt tính sterol esterase. Tất cả thí nghiệm nuôi cấy đều được lặp lại 3 lần.
Phương pháp xác định hoạt tính sterol esterase
Hoạt tính sterol esterase được xác định với cơ chất pNPB (p-nitrophenylbutyrate). Hỗn hợp phản ứng 0,5ml dung dịch enzym thô và 0,5 ml dung dịch pNPB 20nM pha trong đệm Tris-HCl 25mM (pH7). Ủ hỗn hợp phản ứng ở nhiệt độ phòng trong 15 phút, dừng phản ứng bằng cách để ở 0oC trong 5 phút, đọc giá trị hấp thụ ánh sáng ở bước sóng 410nm. Một đơn vị hoạt độ (U) sterol esterase được định nghĩa là lượng enzyme cần thiết để oxy hóa 1 µmol pNBP trong một phút ở nhiệt độ phòng (Gutierrez-Fernández et al., 2014).
KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN
Phân lập và tuyển chọn chủng vi khuẩn và xạ khuẩn chịu nhiệt có khả năng phân hủy nhựa cây
Quá trình phân lập chủng vi sinh vật có khả năng phân hủy nhựa cây được thực hiện theo phương pháp pha loãng tới hạn và cấy trải trên môi trường Czapek có bổ sung 100mg/l stigmasterol như một nguồn cacbon duy nhất và nuôi ở nhiệt độ 50oC. Từ 20 mẫu mùn thu nhận tại công ty giấy Bãi Bằng, 46 chủng vi khuẩn và xạ khuẩn chịu nhiệt có khả năng phân hủy nhựa cây đã được phân lập. Để sàng lọc được các chủng có khả năng phân hủy nhựa cây mạnh và không sử dụng nguồn cellulose trong nguyên liệu, 46 chủng vi sinh vật phân lập được tiến hành nuôi cấy trên môi trường lỏng Czapek có bổ sung stigmasterol, nuôi lắc 200 v/p, ở 50oC trong 48h và cấy chấm điểm trên môi trường Czapek có bổ sung 1 % tinh thể cellulose.
Trong 46 chủng vi khuẩn và xạ khuẩn chịu nhiệt phân lập, 11 chủng có khả năng sinh trưởng tốt trên môi trường lỏng Czapek có bổ sung stigmasterol và không tạo vòng phân giải trên môi trường có cơ chất cellulose được lựa chọn để tiếp tục nghiên cứu. Các chủng vi khuẩn và xạ khuẩn lựa chọn được nuôi cấy trên môi trường Czapek có bổ sung 0,5g/l chất chiết nhựa từ gỗ keo và xác định hoạt tính enzym sterol esterase, enzym phân hủy cellulose (cellulase). Trên môi trường kiểm tra hoạt tính có bổ sung thêm glucose (0,5%) và cao nấm men (0,2%) để kích thích quá trình sinh trưởng và sản xuất enzym của các chủng lựa chọn.
Hình 1. Hoạt tính enzym esterase của một số chủng vi sinh vật phân lập
(Ghi chú: CX: xạ khuẩn chịu nhiệt; CVS: vi khuẩn chịu nhiệt; ĐN: đất ở quanh khu chứa mảnh; D2: mẫu ở bãi chứa mảnh; BG: các mẫu mùn gần khu vực xử lý nước thải; M2, M3, M4, M6: mùn ở kho chưa gỗ trục; MT, MT2: mùn gỗ)
Kết quả nghiên cứu cho thấy, trong 11 chủng lựa chọn, có 9 chủng không sinh cellulase và 7 chủng sinh hoạt độ enzym esterase trên 2000 (U/L). Chủng CVSM6-1 có khả năng sinh tổng hợp esterase cao nhất đạt 4692,98 (U/L), hoạt độ esterase đặt hiệu tương ứng đạt 19,8 µmol/min/mg protein. Hoạt độ eserase đăc hiệu của chủng CVSM6-1 cao gấp 8 lần so với chủng Bacillus cereus (KC985225) được báo cáo trong nghiên cứu của Ramya et al., (2016). Chủng CVSM6-1 được lựa chọn để tiếp tục nghiên cứu.
Nghiên cứu một số đặc điểm sinh học và định danh chủng vi khuẩn CVSM6-1
Tiến hành nghiên cứu một số đặc điểm sinh học của chủng CVSM6-1 cơ bản cho thấy, trên môi trường bennet khuẩn lạc của CVSM6-1 có dạng tròn, trơn, có màu trắng đục hơi ngả nâu (Hình 2). Chủng CVSM6-1 là vi khuẩn có khả năng sinh trưởng nhanh và phát triển tốt trên môi trường MPA, nhiệt độ phát triển từ 20 – 50oC, và phát triển tốt nhất ở 30 – 45oC, pH 5 – 10. Nên chủng là vi khuẩn chịu nhiệt có khả năng sinh trưởng trong môi trường hơi axit hoặc kiềm tính (Bảng 1).
Tiến hành phản ứng nhuộm gram và soi ở vật kính 100x nhận thấy, vi khuẩn CVSM6-1 là trực khuẩn gram (+), bắt màu với thuốc thử tím. Chủng có khả năng sinh bào tử khi ủ ở nhiệt độ 80oC trong 15 phút trong nước muối sinh lý. Từ những đặc điểm nghiên cứu trên có thể thấy, chủng CVSM6-1 có một số đặc điểm tương đồng với chi Bacillus. Ngoài ra, chủng CVSM6-1 còn có khả năng tổng hợp Lignin peroxidase và Laccase (hai enzym quan trong trong phân hủy hợp chất lignin) và không sinh Mangan peroxidase. Tuy nhiên để định danh chủng CVSM6-1 đến loài, chúng tôi tiến hành tách triết DNA tổng số và so sánh trình tự gen 16S rDNA với các chủng công bố trên Genbank, cho thấy chủng CVSM6-1 có độ tương đồng cao (99-100%) với các loài vi khuẩn thuộc chi Bacillus (Hình 3): Bacillus subtilis JBAR-MP6 (MG835615.1) (100%); Bacillus subtilis K24 (KU922443.1) (100%); Bacillus subtilis 262XY2 (KF818630.1) (100%); Bacillus tequilensis BR38 (MF767889.1) (99%); Bacillus velezensis BPR189 (KU161301.1) (99%). Thông qua nghiên cứu đặc điểm sinh học và phân tích trình tự gen 16S rDNA chủng CVSM6-1 được đặt tên là Bacillus subtilis CVSM6-1
Bảng 1. Đặc điểm sinh học của chủng CVSM6-1
Khả năng sinh tổng hợp enzym esterase của chủng CVSM6-1 trên một số môi trường
Khả năng sinh trưởng và sinh enzym của chủng CVSM6-1 được khảo sát trên các môi trường Czapeck cơ bản, MPA, Bennet, có bổ sung 0,5 g/L nhựa. Chủng được nuôi ở nhiệt độ phòng (28-30oC), sau 48 h tiến hành kiểm tra khả năng sinh trưởng và khả năng sinh tổng hợp sterol esterase.
Hình 4: Ảnh hưởng của một số môi trường nuôi cấy đến khả năng sinh tổng hợp sterol esterase của CVSM6-1
Chủng CVSM6-1 có khả năng sinh trưởng tốt và không sinh sắc tố trên các môi trường nuôi. Trên môi trường Czapek + chất trích ly nhựa và MPA, chủng có khả năng sinh trưởng tốt, lượng sinh khối đều đạt được trong khoảng từ 22,5 đến 23,75 g/L. Tuy nhiên, hoạt độ sterol esterase sinh ra nhiều nhất khi nuôi cấy chủng trên môi trường MPA có bổ sung 0,5 g/L nhựa cây, đạt cao nhất trong ba môi trường thử nghiệm 2831,14 (Hình 4). Môi trường MPA + 0,5g nhựa cây được lựa chọn là môi trường thích hợp cho quá trình sinh tổng hợp của chủng CVSM6-1.
Ảnh hưởng của nhiệt độ và thời gian đến khả năng sinh tổng hợp sterol esterase
Chủng CVSM6-1 được nuôi cấy trên môi trường MPA có bổ sung 0,5g/L nhựa cây để kích thích sinh tổng hợp sterol esterase. Các thí nghiệm được tiến hành nuôi lắc 200 v/p ở các mức nhiệt độ 30, 37 và 45oC, sau 48 h tiến hành lấy mẫu và kiểm tra hoạt độ sterol esterase. Hoạt độ sterol esterase đạt được cao nhất khi nuôi cấy ở 45oC, đạt 4017,54 U/L (Hình 5a). Trong nghiên cứu của Lang Rao et al., (2013), gen EstOF4 từ các loài Bacillus có khả năng biểu hiện hoạt độ esterase tăng dần khi nâng từ nhiệt độ 30oC đến 50oC. Hoạt động tối ưu được tìm thấy là khoảng 50oC (Rao L et al., 2013)
Hình 5. Ảnh hưởng của nhiệt độ (a) và thời gian (b) đến khả năng sinh tổng hợp Esterase của chủng CVSM6-1
Tiến hành khảo sát khả năng sinh tổng hợp esterase của chủng CVSM6-1 sau 24, 36, 48, 60, 72, 84, 96, 106 và 120 giờ nuôi cấy. Kết quả cho thấy, chủng CVSM6-1 sinh tổng hợp esterase cao nhất trong khoảng thời gian từ 84 – 96 giờ nuôi cấy với hoạt độ enzym đạt được từ 3668,86 đến 4399,123 U/L (Hình 5.b). Sau 96 giờ nuôi cấy, hoạt độ enzym bắt đầu giảm mạnh, ở thời điểm này cũng là pha suy vong của vi khuẩn CVSM6-1, do đó số lượng tế bào giảm mạnh nên quá trình sinh tổng hợp của chủng cũng bắt đầu giảm. Kết quả này cũng trùng hợp nghiên cứu của Lloyp et al, 1970, trên nấm lớn, esterase bắt đầu xuất hiện ở thời điểm 24 h, sau 96 giờ hoạt độ enzym bắt đầu giảm. Hoạt độ sterol esterase đạt được cao nhất nằm trong khoảng 84 h đến 96 h (Lloyp et al., 1970).
Thử nghiệm khả năng giảm nhựa trên dăm mảnh gỗ keo nhờ enzyme esterase từ chủng CVSM6-1
Trong thí nghiệm này chúng tôi sử dụng dịch sau nuôi cấy từ chủng CVSM6-1 được thu hồi sau 84 giờ có hoạt tính khoảng 4000 U/L được sử dụng để thử khả năng loại nhựa trong dăm mảnh gỗ theo thời gian. Mẫu đối chứng là dăm mảnh gỗ ban đầu và ĐC24 là dăm mảnh được ngâm với nước.
Hình 6. Khả năng giảm nhựa trên dăm mảnh gỗ keo nhờ enzyme esterase từ chủng CVSM6-1
Dăm mảnh gỗ keo được ngâm với canh trường sau nuôi cấy của chủng CVSM6-1. Sau 5 (TN5), 10 (TN10) và 24 (TN24) giờ đã làm giảm lần lượt 21, 23 và 31 % hàm lượng nhựa trích ly trong dăm mảnh gỗ keo ban đầu (lượng nhựa chiếm khoảng 2,27 g/100 g gỗ) và làm giảm hàm lượng nhựa so với mẫu đối chứng là 18% sau 24 giờ ngâm. Thông qua kết quả bước đầu cho thấy dịch enzyme thô trong chủng CVSM6-1 đã giúp làm giảm hàm lượng chất trích ly nhựa trong dăm mảnh gỗ. Như vậy kết quả bước đầu cho thấy chủng nghiên cứu có tiềm năng sử dụng trong phân hủy nhựa cây trong gỗ keo.
KẾT LUẬN
Từ 20 mẫu mùn thu thập tại Công ty Giấy Bãi Bằng, đã phân lập được 46 chủng vi khuẩn và xạ khuẩn chịu nhiệt có khả năng phân hủy nhựa cây đã được phân lập. Trong đó, CVSM6-1 là một trong các chủng có khả năng sinh esterase cao (4692,98 U/L) và không sinh cellulase. Chủng CVSM6-1 là trực khuẩn Gram (+), vi khuẩn chịu nhiệt, sinh trưởng trong môi trường có pH từ hơi axit đến kiềm tính. Dựa vào một số đặc điểm sinh học và phân tích trình tự gen 16S rDNA chủng CVSM6-1 được đặt tên là Bacillus subtilis CVSM6-1. Khi nuôi cấy chủng CVSM6-1 trên môi trường MPA có bổ sung 0,5 g/L chất trích ly nhựa cây từ gỗ keo, ở 45oC, trong 84 đến 96h, hoạt độ esterase của chủng đạt được cao nhất. Canh trường sau nuôi cấy chủng CVSM6-1 có hoạt tính sterol esterase khoảng 4000 U/L, sử dụng để ngâm dăm mảnh gỗ keo, bước đầu cho thấy khả năng làm giảm chất chiết nhựa trong dăm mảnh gỗ. Trong các nghiên cứu tiếp theo, chủng CVSM6-1 được nghiên cứu về khả năng ứng dụng trong phân hủy một số chất chiết nhựa trong dăm mảnh gỗ nhằm tiến tới ứng dụng chủng trong thu nhận sterol esterase và trong phân hủy chất trích ly nhựa trong gỗ và nước thải có chứa nhựa cây.
Lời cám ơn: Nghiên cứu này được hỗ trợ kinh phí từ Đề tài ĐT.05.18/CNSHCB thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 của Bộ Công Thương và trang thiết bị phòng thí nghiệm trọng điểm công nghệ gen, Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chandra R and Chowdhary P (2015). Properties of bacterial laccases and their application in bioremediation of industrial wastes. Environmental Science: Processes & Impacts 17(2): 326–342.
2. Cieśliński H, Białkowska AM, Długołęcka A, Daroch M, Tkaczuk KL, Kalinowska H,Turkiewicz M (2007). A cold-adapted esterase from psychrotrophic Pseudoalteromas sp. strain 643A. Archives of Microbiology 188(1): 27–36. doi:10.1007/s00203-007-0220-2.
3. Dorado J, Claassen FW, van Beek TA, Lenon G, Wijnberg JB, Sierra-Alvarez R (2000). Elimination and detoxification of softwood extractives by white-rot fungi. J Biotechnol 80(3):231-240
4. Gutierrez-Fernández J, Vaquero ME, Prieto A, Barriuso J, Martínez MJ (2014). Crystal structures of Ophiostoma piceae sterol esterase: structural insights into activation mechanism and product release. J Struct Biol 187, pp: 215–222.
5. Kallioinen A, Vaari A, Rättö M, Konn J, Siika-aho M, Viikari L (2003). Effects of bacterial treatments on wood extractives. J Biotechnol 103(1), pp:67-76.
6. Kontkanen H, Tenkanen M, Reinikainen T (2006). Purification and characterisation of a novel steryl esterase from Melanocarpus albomyces. Enzyme. Microb. Techno 39: 265–273.
7. Linke D, Matthes R, Nimtz M, Zorn H, Bunzel M, & Berger RG (2012). An esterase from the basidiomycete Pleurotus sapidus hydrolyzes feruloylated saccharides. Applied Microbiology and Biotechnology, 97(16): 7241–7251.
8. Lloyd GI, Morris EO and Smith JE (1970). A Study of the Esterases and Their Function in Candida lipolytica, Aspergillus niger and a Yeast-like Fungus. Journal of General Microbiology 63(2): 141–150.
9. Ma BD, Yu HL, Pan J, Liu JY, Ju X, Xu JH (2013). A thermostable and organic-solvent tolerant esterase from Pseudomonas putida ECU1011: Catalytic properties and performance in kinetic resolution of α-hydroxy acids. Bioresource Technology 133: 354–360. doi:10.1016/j.biortech.2013.01.089
10. Ollis DL, Cheah E, Cygler M, Dijkstra B, Frolow F, Franken SM, et al (1992). The α/β hydrolase fold. Protein Eng 5:197–211.
11. Ramya SL, Venkatesan T, Srinivasa MK, Jalali SK, Verghese A (2016). Detection of carboxylesterase and esterase activity in culturable gut bacterial flora isolated from diamondback moth, Plutella xylostella (Linnaeus), from India and its possible role in indoxacarb degradation. Brazilian Journal of Microbiology 47(2): 327–336. doi:10.1016/j.bjm.2016.01.012
12. Rao L, Xue Y, Zheng Y, Lu JR, Ma Y (2013). A Novel Alkaliphilic Bacillus Esterase Belongs to the 13th Bacterial Lipolytic Enzyme Family. PLoS ONE 8(4): e60645.
13. Rao L, Xue Y, Zhou C, Tao J, Li G, Lu JR, Ma Y (2011). A thermostable esterase from Thermoanaerobacter tengcongensis opening up a new family of bacterial lipolytic enzymes. Biochimica et Biophysica Acta (BBA) - Proteins and Proteomics 1814(12): 1695–1702.
14. Somasegaran P and Hoben HJ (1985). Methods in legume-Rhizobium technology. University of Hawaii NifTAL Project and MIRCEN.
15. Vaquero ME, Barriuso J, Martínez MJ, Prieto A (2016). Properties, structure, and applications of microbial sterol esterases. Applied Microbiology and Biotechnology 100(5): 2047–2061. doi:10.1007/s00253-015-7258-x
16. Vaquero ME, Barriuso J, Martínez MJ, and Prieto A (2016). Properties, structure, and applications of microbial sterol esterases. Applied Microbiology and Biotechnology 100(5): 2047-2061.
17. Vijay KG, Davender K, Lalit K, Sushil N, Chand R, Rajinder P (2012). Screening, isolation and production of lipase/esterase producing Bacillus sp. strain DVL2 and its potential evaluation in esterification and resolution reactions. Arch. Appl. Sci. Res 4 (4):1763-1770
ISOLATION AND SCREENING OF THERMOPHILIC MICROORGANISMS FOR THE PRODUCTION OF STEROL ESTERASE Tran Thi Huong1,3, Nguyen Vu Mai Linh1, Đang Thi Nhung1, Nguyen Thi Hong Lien1, Nguyen Van Hieu1, Pham Thi Bich Hop1, Bui Chi Lang1, Đang Van Son2, Ngo Van Huu2, Phan Thi Hong Thao1* (1) Institute of Biotechnology, Vietnam Academy of Science and Technology (2) Reseach Institute of Pulp and Paper Industry (3) Graduate University of Sciences and Technology, Vietnam Academy of Science and Technology SUMMARY Sterol esterases are hydrolytic enzymes of the hydrolase family catalyzing the separation of ester bonds at triglycerides and sterol esters. In the pulp and paper industry, sterol esterases play an important role in the control of the resin content, as the enzymes hydrolyze sterol esters to free sterols and easily degradable fatty acids. In this study, 46 resin-degrading thermal microorganisms were isolated from wood decay and mud. Among them, the fungus CVSM6-1 showed remarkably high sterol esterase activity (4692.98 U/L) while producing comparably low cellulase activity. The favorable conditions for growth of the fungus were studied, resulting in temperature of 30– 45oC and pH of 5 -10. Bacteria CVSM6-1 showed high potential for application in eco-friendly pulp and paper manufacturing. Keywords: Thermophilic microorganisms; sterol esterases; resin degradation; wood extractives; pitch control; pulping
|
Trần Thị Hương1,3, Nguyễn Vũ Mai Linh1, Đặng Thị Nhung1, Nguyễn Thị Hồng Liên1, Nguyễn Văn Hiếu1, Phạm Thị Bích Hợp1, Bùi Chi Lăng1, Đăng Văn Sơn2, Ngô Văn Hữu2, Phan Thị Hồng Thảo1*
(1) Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn Lâm KH và CNVN
(2) Viện Công nghiệp Giấy và xenluylô
(3) Học viện Khoa học và Công nghệ, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam