Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:45

Thứ sáu, 26/04/2024 | 07:45
Cập nhật 05:42 ngày 14/08/2019

Phát triển công nghệ sinh học: Thiết thực với doanh nghiệp, hiệu quả với đời sống

Ngày 25 tháng 01 năm 2007, theo Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020. Theo đó, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai thực hiện và đạt được những kết quả quan trọng.
100% các nhiệm vụ đều có sự phối hợp của doanh nghiệp
Từ năm 2016 đến năm 2018, Ban Điều hành Đề án đã phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện tổng số 67 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó có 40 đề tài (chiếm 60% tổng số các nhiệm vụ KHCN) và 27 dự án sản xuất thử nghiệm (chiếm 40% tổng số các nhiệm vụ KHCN).

Từ năm 2016 đến nay, 100% các nhiệm vụ thuộc Đề án đều có sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và sản xuất tạo sản phẩm 
Kết quả phê duyệt triển khai các nhiệm vụ của Đề án trong giai đoạn 2016 - 2018 cho thấy, tỷ lệ phần trăm tham gia chủ trì thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của các doanh nghiệp tăng dần từ năm 2016 đến năm 2019 (tuyển chọn, xét chọn từ năm 2018) và đạt cao nhất trong năm 2019 là 24% (tương đương với 04 nhiệm vụ/tổng số 17 nhiệm vụ bắt đầu thực hiện năm 2019). Đặc biệt, thực hiện công tác xã hội hóa, đặt hàng nhiệm vụ khoa học và công nghệ với tiêu chí bắt buộc phải có sự tham gia của các doanh nghiệp trong triển khai, từ năm 2016 đến nay, 100% các nhiệm vụ đều có sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ và sản xuất tạo sản phẩm tại các doanh nghiệp. Đây chính là cách tiếp cận triển khai phù hợp với thực tế hiện nay, nhằm thúc đẩy hợp tác giữa các nhà nghiên cứu tại các viện, trường, trung tâm nghiên với các doanh nghiệp để đưa công nghệ vào sản xuất, phát triển sản phẩm nội địa bằng chính các nghiên cứu trong nước, rút ngắn thời gian đưa sản phẩm từ nghiên cứu và để chính thị trường đánh giá công nghệ, sản phẩm, góp phần trực tiếp vào sự thành công của Đề án.
Nước uống từ hàu- Sản phẩm rất có tiềm năng phát triển do Viện nghiên cứu hải sản chủ trì
Đặc biệt, đối với những nhiệm vụ để tuyển chọn, xét chọn để triển khai thực hiện bắt đầu từ năm 2019, Bộ Công Thương đã đẩy mạnh công tác triển khai đề tài theo định hướng chuỗi từ công nghệ đến sản phẩm cuối cùng, tất cả các đề tài được tuyển chọn đều tạo ra sản phẩm, hoàn thiện mẫu mã, nhãn mác, công bố chất lượng và bước đầu tiến hành thương mại hóa, đánh giá khả năng tiếp nhận sản phẩm của thị trường. Đây chính là sự thay đổi rõ rệt đối với điều kiện và phương pháp triển khai đề tài nghiên cứu ứng dụng.
Trong khuôn khổ Đề án, nhiều sản phẩm mới có chất lượng tốt, giá thành thấp đã được áp dụng tại doanh nghiệp (ở quy mô sản xuất hàng chục tấn sản phẩm/năm) đã chiếm lĩnh được thị trường tiêu dùng Việt Nam như các sản phẩm: Thực phẩm chức năng có tác dụng hỗ trợ phòng và điều trị bênh ung thư, rối loạn mỡ máu, tim mạch, điều hoà hoócmon, các bệnh nhiễm HIV/AIDS, viêm gan (Spobio Immunobran Kid, Spobio Immunobran),... sản xuất từ đậu tương (isoflavon) và cám gạo Việt Nam với giá thành khoảng 60 - 70 % sản phẩm ngoại nhập; sản xuất các sản phẩm mới có giá trị gia tăng cao như: Nước hàu, mực nhồi, bạch tuộc lên men, surimi,..; sản xuất thức ăn chăn nuôi mới trong nước như thức ăn nuôi cá chình, ốc hương, cá tầm, cá hồi,...
Những kết quả và đề tài, dự án nổi bật
Một số kết quả triển khai ứng dụng công nghệ vào thực tiễn đạt được thành công nổi bật. Tiêu biểu cho lĩnh vực ứng dụng công nghệ, thiết bị lên men vi sinh để sản xuất, chế biến thực phẩm, có 2 dự án rất đáng ghi nhận, thứ nhất là Dự án SXTN “Hoàn thiện công nghệ sản xuất rượu Brandy trái cây (vải, dứa) ở quy mô công nghiệp” do Công ty TNHH Một thành viên Bia Rượu Eresson chủ trì thực hiện đã tạo ra trên 140.000 lít rượu brandy (dứa, vải); thứ hai là đề tài “Nghiên cứu sản xuất một số thực phẩm lên men từ thịt lợn, thịt bò” do Viện Công nghệ sinh học và Công nghiệp thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì thực hiện. Hiện nay, công nghệ của đề tài đã được Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định tiếp tục áp dụng để sản xuất ở quy mô công nghiệp 500 kg/mẻ.
Sản phẩm xúc xích lên men do Viện Công nghệ sinh học và Công nghiệp thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì thực hiện.  phối hợp với Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm nông sản xuất khẩu Nam Định 
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các chế phẩm vi sinh phục vụ công nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi đã có trên 11% các nhiệm vụ, dự án được triển khai. Một số kết quả điển hình như Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn nuôi cá chình” do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 thực hiện. Sản phẩm của đề tài đảm bảo chất lượng tương đương sản phẩm cùng loại, trong khi giá thấp hơn từ 23%, lợi nhuận đạt 1,75 tỷ đồng/1 năm. Tiếp đó là Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam” do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 thực hiện.
Về công nghệ sinh học để sản xuất, chế biến nguyên liệu hoá dược có Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng endo-xylanase để sản xuất arabinoxylan từ cám gạo làm thực phẩm chức năng” do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên chủ trì thực hiện. Đề tài góp phần vào nghiên cứu và phát triển quy trình công nghệ giúp các doanh nghiệp chủ động sản xuất trong nguồn thực phẩm chức năng giá rẻ, chất lượng tốt cho những người mắc bệnh hiểm nghèo như ung thư, nhiễm HIV/AIDS, viêm gan.
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất các chế phẩm vi sinh, enzym phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng, có 4 dự án và đề tài rất đáng chú ý gồm Dự án thứ nhất là “Sản xuất thử nghiệm chế phẩm isoflavone và thực phẩm chức năng giàu isoflavone từ đậu tương” do Công ty Cổ phần Phát triển Thực phẩm Quốc tế chủ trì thực hiện. Dự án thứ hai là “Hoàn thiện công nghệ sản xuất một số sản phẩm đồ uống từ quả táo mèo” do Viện Công nghiệp chủ trì thực hiện. Thứ ba là Đề tài “Nghiên cứu sử dụng nấm mục trắng để sản xuất bột giấy sinh học từ rơm rạ và bã mía” do Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô chủ trì thực hiện. Thứ tư là Dự án “Sản xuất một số thực phẩm và thức ăn chăn nuôi từ phụ phẩm công nghiệp chế biến tôm” do Viện Công nghệ thực phẩm và công nghệ sinh học, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội chủ trì thực hiện. Sản phẩm của dự án được tạo thành từ phế liệu tôm là nước chấm, bột đạm tôm, gia vị bổ sung bột đạm tôm và chất dẫn dụ làm thức ăn chăn nuôi.
Trong lĩnh vực ứng dụng công nghệ enzym để sản xuất, chế biến thực phẩm, có 4 đề tài, dự án thành công bao gồm: Đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất đường chức năng Erythritol từ tinh bột” do Viện Công nghiệp thực phẩm chủ trì thực hiện; Dự án “Sản xuất một số sản phẩm thực phẩm từ nhuyễn thể bằng công nghệ sinh học” do Viện nghiên cứu Hải sản thực hiện; Đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất cá hộp không thanh trùng từ cá tra và cá ba sa” do Viện nghiên cứu Hải sản, chủ trì thực hiện đã tạo ra hơn 21 nghìn hộp sản phẩm; Cuối cùng là đề tài: “Nghiên cứu sản xuất bột peptide chức năng từ phụ phẩm cá hồi ứng dụng bổ sung vào thực phẩm chức năng cho bộ đội hoạt động đặc biệt” Do Viện Công nghệ mới, Viện Khoa học và Công nghệ Quân sự chủ trì thực hiện.
Bên cạnh đó là một số đề án góp phần nâng cao chất lượng và hạ giá thành một số sản phẩm nông sản, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường, hỗ trợ người nông dân phát triển sản xuất đối với các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương: Các nhiệm vụ của Đề án đã tập trung vào việc hỗ trợ người nông dân nâng cao giá trị của các sản phẩm truyền thống của địa phương, góp phần quan trọng trong việc nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo cho các khu vực khó khăn. Một số nhiệm vụ như: Sản xuất men lá bằng kỹ thuật cổ truyền để nâng cao chất lượng và an toàn thực phẩm cho rượu ngô Hà Giang; Hoàn thiện công nghệ sản xuất bánh men lá để ứng dụng trong sản xuất rượu truyền thống tại Thái Nguyên; Sản xuất nước mắm cao đạm làng nghề Sa Châu (Nam Định); Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để chế biến và nâng cao hiệu quả kinh tế các sản phẩm từ dong đao làng nghề.
Ngoài ra, nhiều đề tài, dự án đã đi vào nghiên cứu, ứng dụng nhằm nâng cao chất lượng, tạo ra những đặc tính sản phẩm mới để nâng cao khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản truyền thống…
Đối với vấn đề ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực cơ khí máy móc phục vụ nông nghiệp, nông thôn cho thấy một vấn đề lớn. Trong các chủng loại máy móc sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, các loại máy phục vụ khâu chế biến và bảo quản sau thu hoạch có nhu cầu khá cao và ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng nông sản lại ít được sản xuất. Riêng đối với việc thiết kế chế tạo thiết bị và chế biến tiêu, hầu hết các nước (Trung Quốc, Ấn Độ, Srilanca,...) tập trung vào thiết bị sản phẩm hạt tiêu đen và hạt tiêu trắng (tiêu sọ), các sản phẩm tiêu đỏ và tiêu xanh còn ít các nghiên cứu và chế tạo. Chính vì vậy, trong năm 2017 và 2018, Bộ Công Thương đã giao cho Viện Khoa học Kỹ thuật Nông Lâm nghiệp Tây Nguyên chủ trì thực hiện đề tài “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo thiết bị sản xuất tiêu đỏ, tiêu xanh và tiêu sọ bằng công nghệ enzyme”…
 
Đôi điều về cơ chế quản lý, cơ chế tài chính
Hiện nay, các hoạt động quản lý của Đề án đều thực hiện theo các quy định chung của Luật khoa học và công nghệ, Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ và các thông tư quản lý, triển khai nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành. Hầu hết các văn bản phù hợp với thực tế triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ thuộc Đề án. Tuy nhiên, đối với các căn cứ trong việc đánh giá nghiệm thu giữa đề tài và dự án sản xuất thử nghiệm còn một số bất cập, gây khó khăn trong việc đánh giá chính xác hiệu quả triển khai, kết quả đạt được của hai loại nhiệm vụ này. Vì vậy, cần xây dựng lại tiêu chí cụ thể, khác nhau để đánh giá sát thực hiện kết quả của đề tài nghiên cứu và dự án sản xuất thử nghiệm.
Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai Đề án, Bộ Công Thương nhận thấy 3 khó khăn lớn sau:
Thứ nhất, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ sinh học (trừ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) chưa có đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực và đặc biệt là tài chính để tiếp cận, phát triển công nghệ đạt hiệu quả tối đa. Chính vì vậy, còn nhiều doanh nghiệp chưa mạnh dạn đầu tư mới hoặc nâng cấp cơ sở vật chất hiện có để tiếp cận, tiếp nhận chuyển giao kết quả nghiên cứu tại đơn vị nên hạn chế việc đẩy nhanh các kết quả nghiên cứu vào thực tiễn sản xuất và kinh doanh chưa đạt hiệu quả mong muốn.
Thứ hai, cơ chế tài chính áp dụng đối với các nhiệm vụ khoa học và công nghệ còn nhiều vướng mắc, qua nhiều bước làm cho kinh phí cấp hàng năm để triển khai nhiệm vụ còn chậm, chưa tạo được động lực cho các nhà khoa học có trình độ cao và đặc biệt là các chuyên gia quốc tế cùng tham gia nghiên cứu, chuyển giao các tiến bộ khoa học.   
Thứ ba, nhiều địa phương do điều kiện cơ sở vật chất hạn chế, thiếu nguồn nhân lực về công nghệ sinh học, tài chính, khả năng tổ chức sản xuất và kinh doanh nên chưa chủ động tiếp cận, tổ chức nghiên cứu, triển khai các nhiệm vụ Đề án theo nhu cầu phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến tại địa phương.
Một số sản phẩm nổi bật của Đề án TẠI ĐÂY
TS. Đặng Tất Thành, Vụ Khoa học và Công nghệ
Bài đăng trên tạp chí KHCN số tháng 5/2019

Bài cùng tác giả

Bài khác

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 6
  • 4
  • 0
  • 8
  • 2
lên đầu trang