Thứ bảy, 20/04/2024 | 04:11

Thứ bảy, 20/04/2024 | 04:11

Tin Đề án

Cập nhật 08:13 ngày 15/07/2020

Sản phẩm probiotic hỗ trợ điều trị bệnh lý bằng phương pháp cân bằng sinh học đầu tiên được nghiên cứu và sản xuất thử nghiệm thành công

Viêm nhiễm phụ khoa là một trong những vấn đề thường gặp ở phụ nữ sinh sống tại các nước nhiệt đới như Việt Nam. Theo thống kê có tới gần 90% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản mắc các bệnh lý liên quan. Đây là vấn đề đang rất được quan tâm bởi nó ảnh hưởng không nhỏ tới sinh hoạt thường nhật, sức khoẻ sinh sản của giới nữ, tác động tiêu cực lên nhiều mặt của đời sống gia đình, đồng thời gây ra những gánh nặng về y tế cho xã hội.  
Trong số những bệnh lý liên quan thường gặp, viêm âm đạo do vi khuẩn gây ra chủ yếu khi nhóm vi khuẩn có lợi (như Lactobacillus) bị thay thế quá mức bởi nhóm vi khuẩn yến khí (như Gardnerella vaginalis, Mycoplasma hominis…).
Thực tế, cơ thể con người bao gồm cả vi khuẩn có lợi và có hại. Nếu được duy trì và bổ sung đều đặn những vi khuẩn có lợi như LactobacillusBacillus (nhóm probiotic phổ biến) thì cơ thể có thể tự cân bằng vi sinh vật, tiêu hoá tốt hơn, hấp thu dinh dưỡng và tăng cường miễn dịch; từ đó đẩy lùi các bệnh tật bao gồm cả những bệnh viêm nhiễm kể trên.
Năm 2019, với năng lực nghiên cứu dày dặn, ĐH Khoa học – Tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) đã mạnh dạn đề xuất và được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số chế phẩm probiotic từ một số loài Lactobacillus sp. và Bacillus sp. ứng dụng nhằm nâng cao sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ”. Đề tài thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì.
Hình ảnh buổi kiểm tra nhiệm vụ khoa học do ĐH KHTN (ĐH QGHN) thực hiện.
Tại buổi kiểm tra định kỳ, Chủ nhiệm đề tài PGS. TS. Bùi Thị Việt Hà cho biết sau gần 2 năm nghiên cứu, đề tài đã hoàn thành gần 90% các công việc so với tiến độ được giao. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã phân lập và tuyển chọn các chủng vi khuẩn LactobacillusBacillus, bao gồm những chủng mới được phân lập từ người Việt Nam. Sau quá trình đánh giá các đặc tính, tập trung vào tính kháng vi sinh vật gây nhiễm trùng âm đạo, nhóm tiến hành nghiên cứu tạo các chủng vi khuẩn phù hợp ở quy mô pilot cũng như xây dựng mô hình công nghệ sản xuất probiotic chứa sinh khối Lactobacillus sp. và sinh khối Bacillus sp..

PGS. TS. Bùi Thị Việt Hà cùng các đồng nghiệp đang triển khai thí nghiệm
Các thành phẩm của đề tài bao gồm viên nang dạng uống, hỗ dịch (nước) đã được Cục an toàn thực phẩm (Bộ Y tế) chứng nhận đạt tiêu chuẩn, dạng xịt đã được xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và tự công bố . Theo PGS. TS. Bùi Thị Việt Hà, sản phẩm có chất lượng tương đương với sản phẩm probiotic phụ khoa uy tín nhất trên thị trường được nhập khẩu từ Anh Quốc.

Sản phẩm viên nang và hỗn dịch xịt của đề tài
“Nếu ứng dụng quy trình công nghệ, thiết bị, nguyên liệu như nhóm nghiên cứu đang xây dựng trên quy mô sản xuất công nghiệp, người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm chất lượng tương đương với giá thành chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm ngoại nhập”, PGS. TS. Hà khẳng định.
Cũng theo chủ nhiệm đề tài, hiện các doanh nghiệp dược phẩm, thực phẩm chức năng đang rất quan tâm để hợp tác sản xuất thử nghiệm và thương mại hoá.

Sản phẩm chất lượng tương đương với giá thành chỉ bằng 1/3 so với sản phẩm ngoại nhập
Sau khi nghe thuyết minh tiến độ và xem xét các báo cáo, các chuyên gia của đoàn công tác Bộ Công Thương đánh giá đề tài có những sáng tạo độc đáo trong cách xử lý vấn đề. Cụ thể, đề tài đã giúp phát triển dòng sản phẩm điều trị các bệnh lý liên quan bằng phương pháp cân bằng sinh học, thay thế cho việc sử dụng kháng sinh vốn có nguy cơ phát sinh tác dụng phụ không mong muốn. Mặt khác, sản phẩm probiotic bào tử Bacillus sp. với đặc tính bền nhiệt, sẽ có sức sống cao hơn hẳn các probiotic dạng vi khuẩn; do đó giúp tăng hiệu quả của sản phẩm.
TS. Đặng Tất Thành, Phó trưởng đoàn công tác, Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) nhận xét đề tài đã mở ra một hướng phát triển dòng sản phẩm mới tại Việt Nam, có khả năng cạnh tranh thương mại với các sản phẩm ngoại nhập. “Đặc biệt, việc làm chủ công nghệ nghiên cứu - sản xuất trong nước không chỉ giúp các nhà sản xuất nội địa tăng cường năng lực, tăng khả năng cạnh tranh với các công ty dược nước ngoài mà còn góp phần hạ giá thành sản phẩm, giúp đa số người tiêu dùng Việt Nam được hưởng lợi ích từ các nghiên cứu khoa học trong nước”, TS. Đặng Tất Thành cho biết.
Hiện tại nhóm nghiên cứu đang tiếp tục triển khai các nhiệm vụ còn lại theo tiến độ được giao để kịp nghiệm thu vào cuối năm 2020 và sau đó tiếp tục hợp tác với doanh nghiệp để triển khai ứng dụng nghiên cứu vào sản xuất quy mô công nghiệp.
Thêm thông tin về đề tài
Đề tài: Nghiên cứu công nghệ sản xuất một số chế phẩm probiotic từ một số loài Lactobacillus sp. Và Bacillus sp. ứng dụng nhằm nâng cao sức khoẻ sinh sản cho phụ nữ
Đơn vị thực hiện: ĐH Khoa học – tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội)
Chủ nhiệm đề tài: PGS. TS. Bùi Thị Việt Hà
Hương Giang ghi
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 0
  • 8
  • 0
  • 8
  • 8
lên đầu trang