Thứ ba, 23/04/2024 | 17:09

Thứ ba, 23/04/2024 | 17:09
Cập nhật 08:54 ngày 04/07/2020

EVFTA và cơ hội nào cho ngành công nghệ sinh học của Việt Nam

Ngày 8/6/2020, Quốc hội đã biểu quyết thông qua phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Với nghị quyết phê chuẩn vừa được thông qua và có hiệu lực từ 1/8/2020 tới, Hiệp định này sẽ góp phần thúc đẩy gia tăng hai chiều thương mại, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, tăng quy mô xuất khẩu nhiều ngành có thế mạnh, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư, tiếp cận công nghệ hiện đại, công nghệ mới. Với vai trò là ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, có vai trò quan trọng, phục vụ đắc lực sự nghiệp công nghiệp hoá, ngành công nghệ sinh học (CNSH) Việt Nam sẽ phải làm gì để đón nhận cơ hội phát triển?
Cơ hội đồng hành cùng thử thách
Ngay sau khi EVFTA được phê duyệt, dễ dàng nhận thấy lĩnh vực CNSH sẽ đón nhận được một số cơ hội gồm:
Thứ nhất, là ưu đãi về thuế cho hàng Việt: đối với xuất khẩu của Việt Nam, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. Như vậy, với cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế và giá trị thương mại mà hai bên đã thống nhất, cơ hội gia tăng xuất khẩu cho những mặt hàng Việt Nam có lợi thế như nông - thủy sản, sản phẩm chế biến sâu từ nông - thủy sản... sang thị trường EU (một trong hai thị trường xuất khẩu lớn nhất của ta hiện nay) là rất đáng kể. Theo đó, EVFTA sẽ là cú hích rất lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, giúp cho các loại hàng hóa được sản xuất bằng CNSH từ nguồn các nguyên liệu nông - thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam sẽ có nhiều lợi thế cạnh tranh.

Lễ ký kết EVFTA và EVIPA tại Hà Nội vào ngày 30-6-2019.
Thứ hai, về sở hữu trí tuệ: cam kết về sở hữu trí tuệ gồm cam kết về bản quyền, phát minh, sáng chế, cam kết liên quan tới dược phẩm và chỉ dẫn địa lý... Về cơ bản, các cam kết về sở hữu trí tuệ của Việt Nam là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành. Chính vì vậy, các công nghệ đã được nghiên cứu, phát triển và đăng ký sở hữu trí tuệ về CNSH trong lĩnh vực công nghiệp chế biến sẽ có lợi thế rất lớn khi gia nhập một trong những “thị trường công nghệ” lớn nhất thế giới là EU.
Thứ ba, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất hàng hóa: năm 2019, EU có 2.375 dự án (tăng 182 dự án so với năm 2018) từ 27/28 quốc gia thuộc EU còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký 25,49 tỷ USD (tăng 1,19 tỷ USD) chiếm 7,70% số dự án của cả nước và chiếm 7,03% tổng vốn đầu tư đăng ký của các nước. Nhìn chung, các nhà đầu tư EU có ưu thế về công nghệ, vì vậy đã góp phần tích cực trong việc tạo ra một số ngành nghề mới, sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao và xu thế đầu tư của EU chủ yếu tập trung vào các ngành công nghiệp công nghệ cao. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp chế biến trong nước có thể tiếp nhận các công nghệ cao trong lĩnh vực CNSH của EU để thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất hàng hóa cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, theo dự báo, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành nông sản sẽ tăng đáng kể cho tới năm 2025 nhờ EVFTA, ví dụ như gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đồ uống và thuốc lá (5%). Ở một khía cạnh khác, hội nhập cũng tạo thêm việc làm giúp các doanh nghiệp nhỏ trong nước chuyển đổi từ sơ chế, chế biến ban đầu sang chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như: chitosan, cá tra lên men, nguyên liệu hóa dược…
Mặc dù năng lực nghiên cứu - triển khai CNSH của nước ta hiện nay đã tiến được một bước khá dài, từ chỗ chúng ta chỉ tiến hành những nghiên cứu đơn giản, đến nay chúng ta đã có nhiều công trình nghiên cứu công nghệ cao được thế giới công nhận và nhiều công nghệ đã được đưa vào sản xuất. Tuy nhiên phải nhìn nhận một cách nghiêm túc, việc nghiên cứu - triển khai lĩnh vực CNSH của Việt Nam còn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, trang thiết bị hiện đại phục vụ nghiên cứu và triển khai còn chưa đầy đủ, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này còn hạn chế…
Để nắm bắt được cơ hội mà EVFTA mang lại không phải là dễ dàng, hàng hóa được tạo ra từ các công nghệ “Made in Việt Nam” còn cần phải vượt qua nhiều rào cản như hàng rào kỹ thuật của EU về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, hay vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ… Các doanh nghiệp CNSH trong lĩnh vực chế biến nông sản cần phải chủ động nâng cao, cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và áp dụng mô hình, công cụ quản trị tiên tiến nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh (bìa phải) và bà Cecilia Malmström Cao ủy về thương mại của EU tại lễ ký kết Hiệp định thương mại đầu tư (EVFTA). Ảnh: tuoitre.vn
Giải pháp tận dụng cơ hội và vượt qua thử thách của EVFTA
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển CNSH thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến tại Việt Nam: một trong những thành công lớn nhất trong thời gian qua là đã tạo ra những điều kiện cần thiết để doanh nghiệp trở thành chủ thể chính trên thị trường khoa học và công nghệ. Hơn thế nữa, doanh nghiệp không chỉ là bên mua mà còn là bên bán. Do đó, cần tăng cường công tác phê duyệt, giao cho các doanh nghiệp giữ vai trò chủ trì thực hiện các nhiệm vụ KH&CN và tăng cường năng lực cho nguồn nhân lực của các doanh nghiệp vừa và nhỏ để chủ động triển khai các nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ để các doanh nghiệp chuyển từ phụ thuộc vào công nghệ nhập khẩu sang phát triển công nghệ độc lập, đáp ứng được xu thế phát triển khi thực thi EVFTA.
Chú trọng nâng cao vai trò của doanh nghiệp trong quá trình phát triển CNSH thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến tại Việt Nam
Thứ hai, Nhà nước cần triển khai hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp thông qua ban hành, thực hiện hiệu quả nhiều chính sách về thuế và tín dụng. Ví dụ, khuyến khích các doanh nghiệp chú ý hơn tới nghiên cứu, có chính sách cho phép các thiết bị quan trọng có giá trị thấp được hạch toán vào chi phí gián tiếp, nhập khẩu thiết bị sử dụng trực tiếp cho nghiên cứu - triển khai được miễn thuế giá trị gia tăng. Chính phủ thực hiện các chương trình cho vay đặc biệt đối với các doanh nghiệp để nâng cấp công nghệ và trang thiết bị và cần chú trọng vào các doanh nghiệp nhỏ và khu vực tư nhân vì khả năng nghiên cứu và triển khai của khu vực này hầu như không có. Bên cạnh đó, để khuyến khích doanh nghiệp phát triển các sản phẩm mới và nâng cao chất lượng sản phẩm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vào thị trường châu Âu, Chính phủ cần tăng cường triển khai hoạt động hỗ trợ gián tiếp doanh nghiệp thông qua các đơn vị tư vấn và chuyên gia tư vấn.
Thứ ba, cần tiếp nhận nhiều hơn các công nghệ hiện đại thông qua đầu tư trực tiếp từ EU ở quy mô công nghiệp. Theo đó, chuyển từ nhập khẩu thiết bị toàn bộ sang nhập khẩu thiết bị chính, thiết bị “lõi” và các yếu tố thuộc về “phần mềm” của công nghệ. Hiện nay, Việt Nam đang ở giai đoạn phát triển mạnh mẽ trong quan hệ quốc tế, nhất là khi thực thi EVFTA. Đội ngũ lao động tại nhiều doanh nghiệp trong nước vẫn còn thiếu kiến thức và năng lực hấp thu công nghệ còn hạn chế. Vì vây, việc nâng cao năng lực công nghệ thông qua nhập khẩu công nghệ và FDI có thành công hay không ngoài việc phụ thuộc vào chiến lược nhập khẩu thu hút công nghệ thích hợp còn phụ thuộc rất lớn vào năng lực tiếp thu công nghệ của nguồn nhân lực trong nước. Việc đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực là nhiệm vụ mang tính sống còn đối với khả năng tiếp thu và vươn lên làm chủ công nghệ của doanh nghiệp CNSH Việt Nam.
Thứ tư, hoàn thiện chính sách về sở hữu trí tuệ: hiện nay, các quy định về sở hữu trí tuệ còn phức tạp, một số quy định hiện hành trong Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi năm 2009 cần phải được tiến hành sửa đổi, bổ sung ngay khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, trong đó cụ thể là các nội dung liên quan đến hiệu lực của nhãn hiệu, quy định liên quan đến kiểu dáng công nghiệp của sản phẩm… cần được chi tiết hóa để bảo đảm việc thực thi được nhất quán, rõ ràng, thuận lợi. Ngoài áp lực về sửa đổi pháp luật để tương thích, thì việc tăng cường nâng cao nhận thức của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp CNSH về quyền sở hữu trí tuệ cũng cần phải được quan tâm hơn trong thời gian tới.
​​
Khi EVFTA được phê duyệt lĩnh vực CNSH sẽ đón nhận nhiều cơ hội mới
Đứng trước lộ trình triển khai EVFTA, đòi hỏi các doanh nghiệp CNSH trong nước cần chủ động xây dựng lộ trình cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực, trình độ công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để sẵn sàng đi trước đón đầu và tạo lợi thế cạnh tranh trong giai đoạn tới. Đồng thời, công tác quản lý triển khai phát triển CNSH phải có những bước đi sáng tạo, cải cách triệt để thủ tục hành chính, rút gọn các quy định để đáp ứng hài hòa với yêu cầu của EU trong quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện EVFTA đạt hiệu quả.
TS. Đặng Tất Thành - Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương
Bài đăng trên Tạp chí Khoa học và công nghệ Việt Nam

Bài cùng tác giả

Bài khác

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 4
  • 0
  • 2
  • 6
  • 6
lên đầu trang