Thứ bảy, 20/04/2024 | 17:50

Thứ bảy, 20/04/2024 | 17:50

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:57 ngày 30/06/2020

Quảng Ninh: Giúp nhà nông làm giàu nhờ ứng dụng công nghệ sinh học

Từ năm 2005 đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã chủ động rà soát, ban hành 75 nghị quyết, văn bản quy định, hướng dẫn triển khai các cơ chế, chính sách đặc thù để hỗ trợ, khuyến khích và huy động nguồn lực xã hội đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển, ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong các lĩnh vực, nhất là trong sản xuất nông nghiệp. Từ những chính sách hỗ trợ của tỉnh, nhiều tổ chức, cá nhân đã mạnh dạn ứng dụng CNSH vào trồng trọt, sản xuất, hình thành nên những sản phẩm nông nghiệp có giá trị, chất lượng, có chỗ đứng trên thị trường.
Để chủ động hỗ trợ doanh nghiệp triển khai ứng dụng CNSH trong sản xuất nông nghiệp, bên cạnh việc hỗ trợ chính sách về đất đai, đầu tư hạ tầng, thuế thu nhập doanh nghiệp… tỉnh đã triển khai hợp tác quốc tế với Israel, Tập đoàn FECO (Đài Loan) và làm việc với đoàn chuyên gia Nhật Bản hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận một cách nhanh nhất các tiến bộ khoa học kỹ thuật. Đồng thời, các địa phương của tỉnh cũng chủ động làm việc với các trung tâm, viện nghiên cứu ở trong và ngoài nước để đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn triển khai ứng dụng CNSH vào thực tiễn.
Ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp giúp tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị, chất lượng, có chỗ đứng trên thị trường (Ảnh minh họa: Internet)
Từ những kiến thức, kinh nghiệm sau khi được tiếp cận, chuyển giao từ các đối tác trong nước và nước ngoài, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh ứng dụng vào sản xuất các giống vật nuôi, cây trồng là thế mạnh của địa phương, như: Nhân giống, nuôi tu hài, tôm, nấm ăn, ngan lai vịt; trồng cây dó bầu, mai vàng Yên Tử, trà hoa vàng; bảo tồn các loài gen quý hiếm (ba kích tím, bảy lá một hoa); ứng dụng công nghệ nano xử lý dịch bệnh trên cây nghệ vàng; thụ tinh nhân tạo sản xuất giống gà Tiên Yên, ngan đen; ứng dụng CNSH trong bảo tồn và phát triển 10 loài lan rừng Quảng Ninh; ứng dụng CNSH trong trồng, chăm sóc rau, củ, quả an toàn…
Công ty Đầu tư và Xây dựng Việt Long là đơn vị được đánh giá tiên phong trong việc mạnh dạn triển khai nghiên cứu, ứng dụng CNSH thâm canh, chăm sóc, sản xuất rau an toàn. Hiện nay, đơn vị đang dùng chế phẩm vi sinh hữu cơ chiết xuất từ những loại cây, cỏ có sẵn trong tự nhiên (chuối, quế, tỏi, ớt, xuyến chi) để trồng, chăm bón, bảo vệ rau và cải tạo đất. Sản phẩm này của đơn vị đang được đăng ký nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp tỉnh năm 2020.
Từ vùng sản xuất trồng cây nông nghiệp kém hiệu quả tại phường Cộng Hòa (TX Quảng Yên) của người dân, công ty đã mạnh dạn đề xuất và được tỉnh chấp thuận thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, triển khai đầu tư dự án trồng rau an toàn, với diện tích trên 31ha. CNSH tiên tiến được đưa vào áp dụng trong đồng ruộng, sản lượng rau an toàn của đơn vị năm sau cao hơn năm trước với giá trị, chất lượng đảm bảo, được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Nếu như năm 2012, thời điểm dự án mới được triển khai, chưa áp dụng CNSH, giá trị sản xuất rau an toàn của công ty mới chỉ đạt 90 triệu/ha, thì từ năm 2018 đến nay, nhờ dùng chế phẩm vi sinh hữu cơ, giá trị đạt từ 150-180 triệu đồng/ha.
Ứng dụng công nghệ sinh học của Israel trong trồng dưa lưới của hộ gia đình ông Lương Văn Phượng (thôn Tràng Hương, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn).
Ông Lê Quang Thắng, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư và Xây dựng Việt Long, chia sẻ: Thành công nhất của chúng tôi là đã định hướng, làm thay đổi tư duy, hành động sản xuất nông nghiệp lạc hậu của người dân bằng những tiến bộ khoa học công nghệ, từ đó hình thành nên vùng sản xuất rau an toàn tập trung tại TX Quảng Yên. Các sản phẩm rau an toàn của đơn vị được sản xuất theo chuỗi an toàn, từ khâu ươm giống, phân bón, thuốc trừ sâu, đến sơ chế đều theo chuỗi khép kín, cung cấp cho thị trường sản phẩm sạch.
Không chỉ đối với các doanh nghiệp, các hộ nông dân đầu tư áp dụng CNSH vào mô hình sản xuất cũng đã đem lại năng suất, chất lượng nông sản cao hơn hẳn so với trước đây. CNSH cũng từng bước thay đổi tập quán canh tác của người nông dân từ lạc hậu, thủ công sang hiện đại, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi; tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân khu vực nông thôn, miền núi.
Trường hợp như gia đình ông Lương Văn Phượng (thôn Tràng Hương, xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn) ban đầu chỉ phát triển mô hình kinh tế nhỏ lẻ manh mún, hiệu quả không cao. Sau này, gia đình ông đã ứng dụng CNSH của Israel và có sự hỗ trợ về kỹ thuật của chuyên gia đến từ Công ty Nông sinh Khang Nguyên (TP Hồ Chí Minh) để trồng, chăm sóc 2.000m2 dưa lưới. Hiện mỗi năm gia đình ông trồng 3 vụ, với sản lượng đạt khoảng 21-25 tấn/năm, doanh thu đạt khoảng 800 triệu-1 tỷ đồng/năm.
Ông Phượng cho biết: Việc triển khai ứng dụng CNSH trong trồng trọt đã giúp gia đình tôi phát huy hiệu quả nguồn quỹ đất, có việc làm ổn định và tăng thu nhập. Tuy nhiên, tôi nghĩ cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người dân ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp ngoài khu nông nghiệp tập trung. Bởi hiện tại, HĐND tỉnh mới chỉ có Nghị quyết số 194/NQ-HĐND ngày 30/7/2019, hỗ trợ kinh phí cho tổ chức, cá nhân đầu tư nông nghiệp công nghệ cao khi vào khu nông nghiệp tập trung. 
Được biết, hiện CNSH đã góp phần phát triển 30 thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Các sản phẩm thương hiệu có giá bán và sản lượng tăng từ 30-50% so với trước khi chưa có thương hiệu.
Phạm Thắng t/h
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 1
  • 3
  • 3
  • 7
  • 6
lên đầu trang