Thứ năm, 25/04/2024 | 21:56

Thứ năm, 25/04/2024 | 21:56

Kiến thức khoa học

Cập nhật 07:20 ngày 01/07/2020

Sử dụng chitosan kéo dài thời gian bảo quản mãng cầu dai

Mãng cầu là loại trái cây có giá trị dinh dưỡng và độ ngọt cao, có hương thơm được nhiều người ưa chuộng. Ở Việt Nam, mãng cầu được trồng trên khắp cả nước, tập trung nhiều ở nhiều ở vùng Đông Nam Bộ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, tiêu biểu phải kể đến trái mãng cầu trồng ở vùng đất Tây Ninh.
Hiện nay, diện tích trồng mãng cầu dai (Annoma squamosa) ngày càng tăng, thị trường tiêu thụ ngày càng mở rộng, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, trái mãng cầu có thời gian bảo quản rất ngắn do là loại trái cây hô hấp đột biến rất mạnh sau thu hoạch, nên sản sinh ethylene nội sinh làm thúc đẩy quá trình chín sinh lý. Quá trình này liên quan đến việc sản xuất và hoạt động của hormone ethylene, nên mãng cầu chín nhanh và rất dễ hỏng, không thể vận chuyển đến các thị trường xa. 
Mãng cầu dai là loại trái cây rất được yêu thích tại Việt Nam
Thực tế, các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu mãng cầu còn gặp khó khăn trong khâu bảo quản. Quy trình bảo quản đơn giản, sử dụng bao xốp để bảo quản trước khi cho vào thùng carton, chưa ức chế được ethylene nội sinh sinh ra từ quả mãng cầu dai sau thu hoạch nên quá trình chín diễn ra rất nhanh. Từ đó dẫn đến tỷ lệ hư hỏng, hao hụt lớn, quả nhanh bị mềm, dễ dập khi vận chuyển. 
Hiện nay, có nhiều phương pháp bảo quản quả mãng cầu như phương pháp hóa học (sử dụng hóa chất), lý học (nhiệt độ, điều chỉnh thành phần không khí), sinh học (màng và các chất có hoạt tính sinh học),… Trong đó, chitosan đã được chứng minh có các hoạt tính sinh học khác nhau như kháng oxy hóa, giảm cholesterol, kháng khuẩn, kháng nấm và còn là thành phần của khẩu phần ăn dành cho người giảm cân. Các chức năng này kết hợp với tính không độc, tương thích sinh học cao và phân hủy tự nhiên đã làm nó trở thành một polymer có tiềm năng ứng dụng rất lớn như ứng dụng bảo quản thực phẩm, bảo quản trái cây tươi,…
Trong khi đó, Zeolite là tên chung chỉ một họ vật liệu khoáng vô cơ có cùng thành phần là aluminosilicat. Nhờ cấu trúc tinh thể rỗng, Zeolit có khả năng hấp phụ và chọn lọc cao nên được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực như sản xuất nước giải khát, loại bỏ kim loại nặng và các chất độc hại khác trong thực phẩm bổ sung, ứng dụng bao gói sản phẩm, bảo quản nông sản,…
Bảo quản mãng cầu dai
Nhằm kéo dài được thời gian bảo quản, giảm tỷ lệ hư hỏng, hao hụt, góp phần tăng hiệu quả kinh tế cho người sản xuất và kinh doanh trái mãng cầu dai, các nhà khoa học tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TP. Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình tạo được dung dịch chitosan 2%, tạo Zeolite/Cu2+ và xác định tỷ lệ phù hợp để áp dụng bảo quản quả mãng cầu dai sau thu hoạch.
Quy trình xác định được tỷ lệ Zeolite/Cu2+ kết hợp với bao màng chitosan để bảo quản mãng cầu là 6 gói (5g/gói) Zeolite/Cu2+/thùng mãng cầu.
Quy trình thu hoạch, xử lý đóng gói và bảo quản mãng cầu dai (Annoma squamosa) bằng phương pháp xử lý chitosan kết hợp Zeolite/Cu2+
Được biết, quy trình này đã được áp dụng tại Công ty TNHH MTV Nam Trạng (Tây Ninh). Kết quả cho thấy thời hạn bảo quản trái mãng cầu lên đến 5 ngày, cao hơn so với quy trình bảo quản bằng bao xốp mà công ty đang áp dụng. Việc sử dụng chitosan kết hợp với Zeolite/Cu2+ không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng cũng như môi trường xung quanh, góp phần hạn chế việc sử dụng hóa chất độc hại tràn lan trên thị trường. Ngoài ra còn thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghệ trước và sau thu hoạch, góp phần giải quyết vấn đề cấp thiết trong lĩnh vực bảo quản quả mãng cầu của Việt Nam đang trong tình trạng thiếu công nghệ bảo quản dẫn đến tổn thất sau thu hoạch còn cao.
Minh Trí t/h
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 6
  • 0
  • 0
  • 5
  • 4
lên đầu trang