Thứ sáu, 19/04/2024 | 22:17

Thứ sáu, 19/04/2024 | 22:17

Tin tức

Cập nhật 11:17 ngày 24/09/2018

Kiểm tra định kỳ thực hiện dự án Nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam

Đoàn công tác Bộ Công Thương do ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ dẫn đầu vừa mới đây đã thực hiện kiểm tra định kỳ thực hiện dự án Nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam. Dự án do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì thực hiện từ 1/2017. Dự kiến, dự án sẽ hoàn thành  vào tháng 12 /2019.
Ốc hương là loại thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân vùng ven biển. Hiện nay, ốc hương là đối tượng nuôi đang được chú trọng, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu thủy sản.

Dự án Nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 triển khai thực hiện 
Nghề nuôi ốc hương đã phát triển rộng ra nhiều tỉnh trong cả nước như Quảng Ninh, Hải Phòng Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hoà, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu (Côn Đảo), Kiên Giang (đảo Phú Quốc). 
Ở một số tỉnh miền Trung, nghề nuôi ốc hương phát triển mạnh, chiếm tỷ lệ lớn nuôi trồng thủy sản. Riêng Khánh Hòa diện tích nuôi ốc hương chiếm 70% diện tích nuôi trồng thủy sản.
Được giao nhiệm vụ của Bộ Công Thương thông qua đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực chế biến đến năm 2020, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 đã triển khai thực hiện dự án Nghiên cứu công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp cho ốc hương từ nguồn nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam. 

Đoàn công tác kiểm tra thực tế công tác nghiên cứu và thử nghiệm nuôi ốc hương bằng thức ăn do dự án nghiên cứu sản xuất
Ông Trần Việt Hòa, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Công Thương cho biết “Hiện nay thức ăn nuôi ốc hương chủ yếu là sử dụng dạng tươi từ cá tạp, cua sò, nhuyễn thể.... nên có những bất lợi là giá thành cao, nguồn cung không ổn định, hệ số chuyển đổi thức ăn cao, đặc biệt là gây ô nhiễm môi trường và dễ lây lan dịch bệnh. Sản xuất thức ăn cho ốc hương quy mô công nghiệp sẽ giúp chủ động được nguồn thức ăn cho vật nuôi. Dự án thành công còn góp phần quan trọng phát triển kinh tế cho người dân vùng biển’.
Hiện nay, nhóm nghiên cứu đang thực hiện ứng dụng công nghệ sinh học, xây dựng quy trình công nghệ, mô hình thiết bị (quy mô 500 kg/mẻ) sản xuất được thức ăn  dành cho ốc hương giống và ốc hương thương phẩm. Thành phần nguyên liệu phối trộn từ  enzyme và một số loại nguyên liệu sẵn có ở Việt Nam để nâng cao hiệu quả kinh tế nuôi ốc hương và hạn chế ô nhiễm môi trường.

 Diện tích nuôi ốc hương chiếm 70% diện tích nuôi trồng thủy sản tại Khánh Hòa
Theo đó, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm để xây dựng từng loại thức ăn có hàm lượng phù hợp cho từng loại ốc hương. Cụ thể, thức ăn dành cho ốc hương giống có hàm lượng protein 45%, lipid 10%, độ ẩm 12%; FCR qui khô = 3,7. Thức ăn dành cho ốc hương thương phẩm hàm lượng protein 40%, lipid 8%, độ ẩm 12%; FCR qui khô = 3,2. Cùng với đó, nhóm kết hợp phù hợp với hoạt độ enzyme protease, amylase, lipase để tạo ra sản phẩm thức ăn đạt các tiêu chuẩn đưa ra. 
Công ty TNHH Nuôi trồng thủy sản Vạn Xuân (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa) là đơn vị phối hợp với Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 triển khai sản xuất sản phẩm. Đồng thời, trong khuôn khổ thực hiện dự án Viện cũng phối hợp với Công ty Cổ phần Khoa học Công nghệ thủy sản Khánh Hòa triển khai thử nghiệm ươm giống và nuôi thương phẩm ốc hương. 
Cũng nhân dịp này, đoàn công tác đã thực hiện nghiệm thu thực hiện dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn công nghiệp nuôi cá chình” cũng do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 3 chủ trì thực hiện. 
Vụ Khoa học và công nghệ
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 0
  • 5
  • 8
  • 5
  • 7
lên đầu trang