Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:15

Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:15

Tin Đề án

Cập nhật 02:03 ngày 10/06/2020

Ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất giấy thân thiện môi trường

Trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Bộ Công Thương đã giao cho Viện Công nghệ sinh học nghiên cứu đề tài “Nghiên cứu chế tạo chế phẩm sinh học để phân huỷ nhựa cây trong dăm mảnh gỗ keo, bạch đàn làm nguyên liệu sản xuất giấy thân thiện môi trường” nhằm thúc đẩy nguồn nguyên liệu sản xuất giấy bền vững trên.
Chiều ngày 9/6 vừa qua, tổ công tác của Vụ Khoa học và Công nghệ đã tiến hành kiểm tra định kỳ đề tài trên. Tham gia tổ công tác có các đại diện của Vụ và các chuyên gia kiểm định độc lập.

Hình ảnh tại buổi kiểm tra.
Tại buổi kiểm tra, TS. Phan Thị Hồng Thảo, chủ nhiệm đề tài, đã báo cáo tiến độ thực hiện các nội dung công việc mà nhóm đã hoàn thành. Tính đến thời điểm hiện tại nhóm nghiên cứu về cơ bản đã thực hiện xong 8 nội dung công việc chính.
Cụ thể, theo TS. Thảo báo cáo "nhóm nghiên cứu đã tuyển chọn được chủng nấm có khả năng phân huỷ nhựa cây trên nguyên liệu gỗ keo và bạch đàn. Chủng được tuyển chọn là chủng nấm mục trắng PHANEROCHAETE SP. B68. Sản phẩm này đã được gửi đơn đăng ký sáng chế và đang chờ xét duyệt".
"Đồng thời dựa trên đánh giá tổng quan công nghệ, thiết bị và khả năng phát triển chế phẩm các chủng nấm, nhóm cũng xây dựng thành công quy trình công nghệ và sản xuất được chế phẩm sinh học phân huỷ nhựa cây trong gỗ nguyên liệu quy mô phòng thí nghiệm", chủ nhiệm đề tài cho biết thêm.

Quy trình công nghệ tạo chế phẩm sinh học nấm

Quá trình sản xuất chế phẩm nấm
Theo chủ nhiệm đề tài, chế phẩm có khả năng phân huỷ trên 50% nhựa so với nguyên liệu ban đầu, tương đương giảm trên 30% lượng nhựa so với thành phẩm thông thường và giảm 5% lượng kiềm. "Đây là kết quả rất tích cực bởi theo kế hoạch, nhóm nghiên cứu chỉ đặt mục tiêu giảm từ 10-15% lượng nhựa trong thành phẩm", chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh.
Trên cơ sở đó, quy trình công nghệ và mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học để phân huỷ nhựa trong dăm gỗ keo và gỗ bạch đàn làm nguyên liệu giấy thân thiện môi trường cũng đã được xây dựng với quy mô thử nghiệm (1 tấn) và quy mô công nghiệp.

Mô hình ứng dụng chế phẩm quy mô 1 tấn/mẻ.
Về số lượng bài báo khoa học, theo báo cáo, đề tài đã được đăng trên các tạp chí và hội nghị khoa học uy tín trong nước, bao gồm Tạp chí Sinh học và Hội nghị Công nghệ sinh học toàn quốc 2018 và 2019.
Về nội dung đào tạo, đề tài giúp đào tạo 02 thạc sỹ, vượt số lượng đề ra là 01 thạc sỹ.
Qua kiểm tra các báo cáo chuyên đề và nghe báo cáo thuyết minh, tổ kiểm tra nhận xét đề tài đã hoàn thành đúng tiến độ được giao với 8/8 nội dung công việc và 38 tiểu nội dung. Chất lượng các báo cáo được đánh giá chung là chi tiết, số liệu và minh chứng tương đối đầy đủ.
Nhận xét về tính ứng dụng của đề tài, tổ kiểm tra cho rằng có tiềm năng tốt và phù hợp với định hướng phát triển sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện môi trường của Việt Nam và thế giới. Ngoài ra còn giúp tận dụng tốt nguồn nguyên liệu phong phú, sẵn có là cây keo và bạch đàn. Do đó, tổ thẩm định yêu cầu nhóm nghiên cứu và Viện Công nghệ sinh học tìm phương án để sớm chuyển giao công nghệ, thương mại hoá các sản phẩm, khai thác tối đa các giá trị của nghiên cứu.  
Vụ Khoa học và Công nghệ
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 7
  • 5
  • 6
  • 3
lên đầu trang