Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:59

Thứ sáu, 29/03/2024 | 06:59

Tin Đề án

Cập nhật 09:59 ngày 11/06/2020

Viện Công nghệ sinh học đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ KHCN do Bộ Công Thương đặt hàng

Ngày 9/6, tổ công tác của Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã tiến hành kiểm tra định kỳ các nhiệm vụ khoa học thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chủ trì.
Tham gia buổi kiểm tra có đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, đại diện phòng hành chính - kế toán của Bộ Công Thương, các chuyên gia tư vấn độc lập. Về phía Viện Công nghệ sinh học có Phó Viện trưởng, PGS TS. Phí Quyết Tiến, đại diện Viện, thành viên nhóm nghiên cứu và các cán bộ Viện.
Đại diện tổ công tác, Phó trưởng đoàn, Chuyên viên chính Vụ Khoa học và Công nghệ, TS. Đặng Tất Thành phát biểu tại buổi kiểm tra.
Các nhiệm vụ được kiểm tra gồm có: (1) “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học tái tổ hợp sinh tổng hợp bioplastic từ phụ phẩm chế biến thuỷ sản” và  (2) “Nghiên cứu tạo dòng tế bào tái tổ hợp để sản xuất peptid từ da ếch có tính kháng khuẩn thay thế kháng sinh và hỗ trợ điều trị ung thư”.
Với đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học tái tổ hợp sinh tổng hợp bioplastic từ phụ phẩm chế biến thuỷ sản”, TS. Lã Thị Huyền, thành viện nhóm thực hiện đề tài cho biết từ khi được Bộ Công Thương giao nhiệm vụ, nhóm nghiên cứu đã nhanh chóng triển khai các nội dung công việc. Đến nay, về cơ bản nhóm nghiên cứu đã hoàn thành 2/3 các mục tiêu đề ra với đúng tiến độ và chất lượng như trong hợp đồng.
Theo đó, “qua tuyển chọn, đánh giá khả năng sử dụng các nguồn phụ phẩm cá tạo PHA của một số chủng vi khuẩn tuyển chọn, nhóm đã tạo chủng vi sinh vật tái tổ hợp có khả năng tổng hợp PHA cao, là chủng B. megaterium DV01, bằng cách lựa chọn gen đích để can thiệp. Từ đó, nghiên cứu sản xuất thành công chế phẩm sinh học mang chủng vi khuẩn có khả năng tổng hợp PHA trên 50% quy mô 100 lít/mẻ”, TS. Lã Thị Huyền báo cáo. 
Hình ảnh chụp tế bào các chủng vi khuẩn bằng kính hiển vi điện tử truyền qua TEM - 1400. (A,B): Chủng GB300; (C,D): Chủng GB505; (E,F): Chủng GB515.
Hình ảnh PHA tách chiết bằng dung môi của chủng B. megaterium DV01/Cr3 sau 4 ngày nuôi cấy.
Về số bài báo khoa học, đại diện nhóm nghiên cứu cho biết đã có 2 bài báo được phản biện chờ đăng trên các tạp chí khoa học uy tín và 1 sở hữu trí tuệ đã nộp đơn trong giai đoạn xem xét.
Về số lượng đào tạo, đề tài đã giúp đào tạo 2 kỹ sư và 1 thạc sỹ sẽ bảo vệ vào cuối năm nay.
Nhận xét về tiến độ, tổ công tác đánh giá đề tài đạt tiến độ đề ra. Về mặt ý nghĩa, đề tài được đánh giá có tiềm năng phát triển và ứng dụng tốt do sản phẩm nhựa sinh học (bioplastic) được coi là xu thế chung của toàn thế giới, sẽ sớm thay thế nhựa polymer với khả năng phân huỷ hoàn toàn, thân thiện môi trường.
Do thời gian còn lại của đề tài không còn nhiều, nhóm nghiên cứu xác định cần nhanh chóng đẩy tiến độ thực hiện những nội dung còn lại, đảm bảo mục tiêu nghiệm thu vào cuối năm 2020.
TS. Lã Thị Huyền báo cáo về tiến trình và kết quả nghiên cứu.
Với đề tài “Nghiên cứu tạo dòng tế bào tái tổ hợp để sản xuất peptid từ da ếch có tính kháng khuẩn thay thế kháng sinh và hỗ trợ điều trị ung thư”, theo báo cáo của TS. Lã Thị Huyền, đến nay đề tài đã hoàn thành hơn một nửa tổng khối lượng công việc.
“Cụ thể, qua nghiên cứu khảo sát các peptide AMP trên một số loài ếch phổ biến ở Việt Nam, nhóm nghiên cứu đã thiết kế gen mã hóa cho các polypeptid và tạo dòng tế bào vi sinh vật có khả năng biểu hiện polypeptid tái tổ hợp. Từ đó tạo dòng tế bào động vật có khả năng biểu hiện polypeptid tái tổ hợp và tiến hành đánh giá. Kết quả, peptide tái tổ hợp thu được có độ tinh khiết trên 80%, đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định có thể sử dụng thay thế kháng sinh và hỗ trợ điều trị ung thư”, TS. Lã Thị Huyền báo cáo.
Cũng theo đại diện nhóm nghiên cứu, quy trình lên men chủng tế bào có khả năng tái tổ hợp quy mô 100 lít đã được xây dựng thành công.
Quy trình thu hồi sản phẩm chứa peptide.
Một số hình ảnh trong quá trình nghiên cứu.
Giai đoạn tiếp theo, nhóm sẽ tập trung nghiên cứu quá trình tinh sạch peptid tái tổ hợp cũng như nghiên cứu các điều kiện bảo quản, tăng độ bền sản phẩm và hoàn thành xây dựng mô hình thiết bị.
Báo cáo về số lượng bài báo khoa học và công tác đào tạo, TS. Huyền cho biết nghiên cứu đã được đăng lên tạp chí Khoa học hiện hành và tạp chí Công nghệ sinh học. Đồng thời, nghiên cứu hỗ trợ đào tạo thành công 1 kỹ sư và 1 thạc sỹ (sẽ bảo vệ vào tháng 10).
Nhận xét chung về đề tài, chuyên gia TS. Nguyễn Mạnh Dũng, nguyên Trưởng phòng phát triển thị trường nông sản của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), đại diện tổ tư vấn đánh giá đề tài kịp tiến độ, các nội dung đã thực hiện về cơ bản đi đúng hướng hợp đồng đã ký. Về mặt hồ sơ thủ tục, các chuyên gia lưu ý nhóm nghiên cứu cần khẩn trương hoàn thiện, nhằm đảm bảo tiến độ nghiệm thu vào cuối năm 2020. Đại diện tổ công tác cũng yêu cầu Viện Công nghệ sinh học tạo điều kiện hỗ trợ nhóm nghiên cứu sớm hoàn thành các nội dung công việc, cũng như chứng từ cần thiết.
Thay mặt Viện Công nghệ sinh học, Phó Viện trưởng, PGS TS. Phí Quyết Tiến đã cảm ơn Bộ Công Thương và các chuyên gia đã đóng góp ý kiến để các nhóm nghiên cứu hoàn thiện các nội dung công việc. Viện cam kết sẽ hết sức hỗ trợ các nhóm nghiên cứu hoàn thiện công việc còn lại và thủ tục chứng từ kịp tiến độ.
Đại diện tổ công tác tặng Viện Công nghệ sinh học bộ Cẩm nang của Đề án.
Kết thúc buổi kiểm tra, tổ công tác đã tặng Viện Công nghệ sinh học bộ Cẩm nang Công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, sản phẩm tổng hợp các đề tài xuất sắc của Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương ấn hành.

Hương Giang ghi
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 2
  • 7
  • 8
  • 4
lên đầu trang