Thứ sáu, 29/03/2024 | 22:35

Thứ sáu, 29/03/2024 | 22:35

Tin tổng hợp

Cập nhật 07:48 ngày 03/06/2020

Trà Vinh: Kết quả từ phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp

Ngày 04/3/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW “Về việc đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” (Chỉ thị số 50). Với tầm quan trọng của Chỉ thị, 15 năm qua (2005-2020), Trà Vinh là tỉnh có thế mạnh và tiềm năng về nông nghiệp, cùng với sự quyết tâm chính trị cao nhất và sự nỗ lực đồng bộ, nên đạt được nhiều kết quả quan trọng ở các lĩnh vực mà Chỉ thị số 50 đề ra, trong đó có lĩnh vực phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp.
Trong ảnh: Các sản phẩm được xem là thành tựu của công nghệ sinh học được các hợp tác xã trưng bày nhân Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM.
Quán triệt Chỉ thị số 50, Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo các ngành, các cấp tổ chức học tập đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên quần chúng nhân dân bằng nhiều hình thức. Trên cơ sở đó, nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp trong tỉnh được đề cập và xem phát triển ứng dụng công nghệ sinh học là yếu tố quan trọng, góp phần phát triển bền vững nông nghiệp, bảo vệ môi trường, cung cấp những sản phẩm cơ bản và thiết yếu cho cộng đồng.
Qua 15 năm phấn đấu, tập trung đầu tư hạ tầng, cơ sở vật chất để nâng cao khả năng nghiên cứu… hiện nay, Trung tâm Thông tin ứng dụng khoa học - công nghệ đã đầu tư xây dựng phòng cấy mô, diện tích 150m2. Trong đó, đầu tư cơ bản về hạ tầng và các máy móc chuyên dùng, có khả năng sản xuất và cung cấp 25.000 cây giống cấy mô/năm. Dự kiến, Trung tâm sẽ sản xuất những chế phẩm sinh học, phân vi sinh và lên men truyền thống từ các vòng vi sinh vật có lợi đã được phân lập và khảo nghiệm về hoạt tính sinh học.  
Có thể nói, 15 năm qua, kết quả phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực nông nghiệp đạt hiệu quả cao nhất. Tỉnh chỉ đạo, khuyến khích các thành phần kinh tế mở rộng đầu tư xây dựng trang trại sản xuất giống thủy sản chất lượng cao, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; chọn và nhân rộng các loại giống, cây con phù hợp với đặc thù sinh thái địa phương, tổ chức hơn 100 lớp tập huấn, hội thảo về ứng dụng công nghệ sinh học: sử dụng phân bón vi sinh trong sản xuất lúa, bắp, đậu phộng; sử dụng men BaLasa N01 làm nệm lót nuôi heo, gà, bổ sung các chế phẩm sinh học trong khẩu phần ăn của vật nuôi; sử dụng gieo tinh nhân tạo cải tạo chất lượng đàn bò, sử dụng các chế phẩm sinh học xử lý môi trường nuôi thủy sản, bổ sung khẩu phần ăn bằng các chế phẩm sinh học; áp dụng kỹ thuật sản xuất một số giống cây trồng, vật nuôi thủy sản có năng suất, chất lượng cao, phù hợp với địa phương.
Nổi bật của giai đoạn này là triển khai ứng dụng có hiệu quả công nghệ sinh học trên ruộng lúa gắn với Chương trình “Cùng nông dân bảo vệ môi trường”, nhằm làm giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trong sản xuất. Đến nay, toàn tỉnh có gần 1.200ha sản xuất lúa ứng dụng công nghệ mới, sử dụng các loại giống mới, lúa lai có năng suất, chất lượng cao kết hợp với các biện pháp kỹ thuật canh tác mới; sử dụng phân hữu cơ vi sinh, hạn chế tối đa sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón hóa học. Qua đó, giảm ô nhiễm môi trường, không gây thiệt hại đối với nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là mô hình kết hợp lúa - tôm; lúa - cá; sử dụng phân vi sinh trên lúa, góp phần đảm bảo môi trường an toàn, vệ sinh thực phẩm và sản xuất nông nghiệp bền vững; chi phí đầu tư thấp, năng suất cao hơn so với sản xuất đại trà từ 0,5 - 1,5 tấn/ha, lợi nhuận tăng thêm so với sản xuất đại trà từ 05 - 20 triệu đồng/ha. Trong giai đoạn này, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần RYNAN Smart Fertizers (Khu Công nghiệp Long Đức, thành phố Trà Vinh) đã ứng dụng những công nghệ 4.0 để làm cánh đồng xanh hơn, nông dân giàu hơn, thực phẩm an toàn hơn. Đó là năm 2016, ông đã ứng dụng công nghệ 4.0 trong nông nghiệp để giúp thực phẩm an toàn, giúp nông dân có thu nhập cao, giảm hiệu ứng khí thải nhà kính.  
Ứng dụng biện pháp phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa bằng biện pháp sinh học, không cần thuốc bảo vệ thực vật cũng được xem là thành tựu quan trọng. Từ năm 2006 đến nay, đã nhân nuôi và thả ra tự nhiên trên 1,2 tỷ ong ký sinh và 130.000 bọ đuôi kim, có trên 4.800 điểm phóng ong ký sinh và bọ đuôi kim. Phần lớn vườn dừa đã phục hồi, hiện tại ong ký sinh và bọ đuôi kim tạo được quần thể ngoài tự nhiên, góp phần tăng thu nhập cho nhiều hộ nông dân, tạo nguồn nguyên liệu từ cây dừa để sản xuất nhiều loại sản phẩm xuất khẩu mang giá trị kinh tế cao.
Đáng mừng, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 60% diện tích trồng rau, màu các loại đã sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón lót và cải tạo đất, giảm lượng phân hóa học, hạn chế sâu bệnh, giảm công tưới, góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh tế, ít ảnh hưởng đến môi trường, phù hợp với sản xuất nông nghiệp hiện đại. Ngoài ra, tỉnh còn có nhà máy sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ bã bùn mía khoảng 7.000 tấn/năm, thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Ứng dụng công nghệ mới trong nuôi heo, kết hợp với hầm ủ biogas, hiện nay trên địa bàn tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, hiện có khoảng 8.000 công trình, chiếm hơn 20% so với tổng số hộ nuôi heo, cung cấp chất đốt, thắp sáng, tiết kiệm cho hộ sử dụng từ 150.000 - 200.000 đồng/tháng, bảo vệ môi trường, làm giảm lượng thức ăn, chi phí nhân công, điện, nước... việc sử dụng đệm lót sinh học được nông dân đồng tình hưởng ứng do hạn chế sự phát triển của vi sinh vật có hại, không mùi hôi, không gây ô nhiễm môi trường và đảm bảo sức khỏe cho người nuôi. Đồng thời, ứng dụng công nghệ sinh học ngày càng nhiều với các mô hình nuôi quảng canh cải tiến, bán thâm canh, thâm canh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo hướng VietGAP… sử dụng vi sinh để xử lý ao, cải tạo môi trường, hỗ trợ tiêu hóa và sức kháng bệnh cho thủy sản, hạn chế sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi. Hiệu quả kinh tế tăng từ 20 - 70% so với nuôi đại trà, sản phẩm đạt tiêu chuẩn vệ sinh, an toàn thực phẩm, đáp ứng điều kiện xuất khẩu.
Giai đoạn 2006-2019, toàn tỉnh đã có 127 nhiệm vụ khoa học và công nghệ dưới các hình thức đề tài, dự án được tổ chức thực hiện và được ứng dụng cao; có 164 đề tài, dự án đã được đánh giá, nghiệm thu (lĩnh vực khoa học nông nghiệp có 69 đề tài, dự án, chiếm 42,07%. Các lĩnh vực còn lại gồm khoa học tự nhiên, khoa học kỹ thuật công nghệ, khoa học dược, khoa học xã hội và nhân văn 95 đề tài, dự án, chiếm 57,93%). 
Trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2006-2019 có 58 đề tài, dự án đã được triển khai thực hiện (chiếm 33,27%). Hầu hết các đề tài nghiên cứu khoa học có liên quan đến công nghệ sinh học đều được thực hiện bởi các viện, trung tâm, trường ngoài tỉnh: Viện Lúa đồng bằng sông Cửu Long, Viện Nuôi trồng thủy sản III, Viện Cây ăn quả miền Nam. Viện Sinh học nhiệt đới, Viện Khoa học-Kỹ thuật miền Nam; Trung tâm Công nghệ sinh học Thành phố Hồ Chí Minh…
Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Trà Vinh
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 8
  • 4
  • 7
  • 3
lên đầu trang