Thứ tư, 24/04/2024 | 12:47

Thứ tư, 24/04/2024 | 12:47

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:20 ngày 02/06/2020

Tiền Giang đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học

Công nghệ sinh học là một lĩnh vực công nghệ cao dựa trên nền tảng khoa học về sự sống, kết hợp với quy trình và thiết bị kỹ thuật nhằm tạo ra các công nghệ khai thác các hoạt động sống của vi sinh vật, tế bào thực vật và động vật để sản xuất ở quy mô công nghiệp các sản phẩm sinh học có chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và bảo vệ môi trường.
Tiền Giang là một tỉnh nông nghiệp, đất đai phần lớn là nhóm đất phù sa trung tính, thuận lợi cho việc trồng trọt, hình thành vùng lúa năng suất cao và vườn cây ăn trái chuyên canh của tỉnh. Ngoài ra, với bờ biển dài 32km và có hệ thống sông ngòi, kênh rạch với nguồn nước ngọt do sông Tiền cung cấp nên thuận lợi cho nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Tiền Giang còn là cửa ngõ miền Tây, nên trong những năm gần đây công nghiệp phát triển mạnh. Chính vì thế, việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, y dược,... tạo ra những cây trồng, vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, những loại thực phẩm, dược phẩm phục vụ cho việc chữa bệnh cho con người.
Ảnh minh họa
Nhận thức được điều đó, cấp ủy, chính quyền đã thực hiện nghiêm Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 04/3/2005 của Ban Bí thư về đẩy mạnh phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Thông tri số 28-TT/TU để lãnh đạo triển khai thực hiện, Nghị quyết số 06-NQ/TU về phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, Nghị quyết số 09-NQ/TU về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ nay đến năm 2015, định hướng đến năm 2020; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch số 1258/KH-UBND về việc phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh đến năm 2010 và tính đến năm 2020.
Qua 15 năm thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, dưới sự lãnh đạo Tỉnh ủy, sự nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp, nhất là sự ủng hộ của doanh nghiệp và nhân dân, Tiền Giang đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:
Các cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể quan tâm sâu sát, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW và các văn bản chỉ đạo của tỉnh, góp phần nâng cao nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp chế biến thực phẩm, vệ sinh an toàn thực phẩm, y dược, bảo vệ sức khỏe nhân dân và bảo vệ môi trường được tập trung thực hiện, góp phần thúc đẩy sự hình thành và phát triển các doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, các dịch vụ ứng dụng công nghệ sinh học trên địa bàn tỉnh.
Việc xây dựng cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ nghiên cứu công nghệ sinh học được quan tâm, đến nay đã có 01 khu phục vụ bảo tồn và sản xuất giống, phôi nuôi trồng các loại nấm ăn và nấm dược liệu với 01 văn phòng, 01 nhà kho chứa vật tư và 01 nhà kho chứa thành phẩm, 01 phòng thí nghiệm và 3 phòng giống, 4 trại thực nghiệm; 01 khu sản xuất; các hoạt động hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ được thực hiện trên các lĩnh vực như: Cây ăn trái, cây lúa, y tế, trao đổi sinh viên thực tập, cử giảng viên học hỏi kinh nghiệm với nước ngoài,… Công tác phát huy, bồi dưỡng nguồn nhân lực trí thức về công nghệ sinh học được các trường cao đẳng, đại học, các đơn vị chuyên môn trên địa bàn tỉnh đầu tư và tạo điều kiện. Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh trong đào tạo nguồn nhân lực, tỉnh tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, kinh phí nghiên cứu các đề tài cấp cơ sở, cấp tỉnh nên những năm gần đây, số lượng đề tài về lĩnh vực công nghệ sinh học tăng lên, nhất là tại các cơ quan, đơn vị như trường đại học, trung tâm nghiên cứu, viện nghiên cứu, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh,…
Công tác nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học cũng được các ngành quan tâm chỉ đạo và thực hiện. Sự phối hợp hoạt động của các ngành với các địa phương, doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng công nghệ sinh học ngày càng nhiều và hiệu quả hơn. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động đầu tư đổi mới công nghệ tạo ra sản phẩm chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu, nhất là việc ứng dụng các thành tựu công nghệ sinh học sản xuất sạch, bảo quản và nâng cao chất lượng sản phẩm. Chính sự phối hợp giữa đội ngũ trí thức cùng với sự sáng tạo của nhân dân tạo ra những sản phẩm mới, an toàn cho môi trường phục vụ tốt đời sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Việc ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học đã góp phần tăng cao năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tạo ra nhiều giống mới (nâng tổng đàn heo lai trên địa bàn tỉnh lên 95% là các giống heo từ tổ hợp giống heo lai có từ 03 - 04 máu ngoại có năng suất cao; tỷ lệ bò lai tăng lên 85,16% tổng đàn, tỷ lệ xẻ thịt tăng từ 35 - 40% lên 45 - 47%; trên gia cầm, bên cạnh các giống gia cầm công nghiệp có năng suất cao, chiếm tỷ lệ đàn vật nuôi lớn, chiếm 60 - 70% tổng đàn) đáp ứng yêu cầu thị trường, đa dạng hóa các sản phẩm chế biến, bảo vệ môi trường (xử lý nước thải công nghiệp, nước thải chăn nuôi bằng công nghệ vi sinh; sử dụng chế phẩm EM trong xử lý chất thải chăn nuôi, xử lý môi trường bãi rác, môi trường nước nuôi trồng thủy sản, xử lý nước thải y tế, thuỷ sản, nông nghiệp, chất thải công nghiệp tư các cơ sở kinh doanh, dịch vụ), bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Nhiều đề tài, dự án, mô hình đạt hiệu quả được ứng dụng nhân rộng như sản xuất, chăn nuôi đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP, SQF, nông nghiệp (an toàn dịch bệnh vùng nuôi, các chương trình hỗ trợ toàn diện cây ăn trái đặc sản của tỉnh, sản xuất giống cây trồng bằng phương pháp cấy mô, toàn tỉnh có 215,53 ha lúa, 1.557,13 ha diện tích sản xuất cây ăn trái được chứng nhận VietGAP/GlobalGAP, triển khai 05 chương trình phát triển toàn diện trái cây chủ lực, sử dụng vi sinh vật đối kháng trong quản lý dịch bệnh hại cây trồng), ứng dụng kỹ thuật trong thủy sản nâng cao hiệu quả kinh tế người nuôi, giảm chi phí đầu tư khai thác cho ngư dân (sản xuất giống nghêu, giống tôm), phát triển mạnh các loại nấm ăn, nấm dược liệu; y tế (ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực nghiên cứu vắc xin mới ngừa sốt xuất huyết, sản xuất thuốc, chẩn đoán, phòng trị bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân),...
Tập quán canh tác của nông dân được thay đổi nhờ ứng dụng công nghệ sinh học, từ lạc hậu, thủ công sang canh tác hiện đại, áp dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất; sử dụng các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường và đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.
Công nghệ sinh học được ứng dụng vào sản xuất và đời sống ngày càng mang lại hiệu quả thiết thực, bước đầu tạo ra phong trào nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân. Một bộ phận người dân từng bước tiếp thu, làm chủ, sáng tạo công nghệ tiên tiến và hiện đại, tạo điều kiện các tiến bộ kỹ thuật đến với sản xuất nhanh hơn, mạnh dạn ứng dụng các sản phẩm công nghệ sinh học vào thực tiễn, nhất là các giống cây, giống con và các chế phẩm sinh học. Nhiều giải pháp, mô hình sáng tạo, sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các cá nhân và tổ chức trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh mẽ.
Mai Ngọc t/h
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 4
  • 6
  • 9
  • 1
  • 3
lên đầu trang