Thứ sáu, 19/04/2024 | 05:26

Thứ sáu, 19/04/2024 | 05:26

An toàn thực phẩm

Cập nhật 04:06 ngày 17/05/2020

Hòa Bình: Nhân rộng mô hình sản xuất kinh doanh nông sản, thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt từ chính quyền các cấp đến các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh và người dân, công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã có những chuyển biến tích cực trong thời gian qua. 
Đó là ghi nhận của Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP (Đoàn số 3), do ông Nguyễn Việt Tấn, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) làm trưởng đoàn vừa làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình về thực hiện công tác quản lý Nhà nước về ATTP và triển khai công tác trong Tháng hành động vì ATTP năm 2020 trên địa bàn.
Nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa
Báo cáo với Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về kết quả công tác đảm bảo an toàn thực phẩm trong “Tháng hành động vì an toàn thực phẩm” năm 2020, ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, công tác bảo đảm ATTP đã được tỉnh triển khai sâu rộng đến các cấp các ngành, đặc biệt, các thành viên Ban chỉ đạo ATTP tỉnh được phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể. UBND tỉnh cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện công tác quản lý Nhà nước về ATTP.

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương về ATTP làm việc với UBND tỉnh Hòa Bình
Ngoài ra, Ban chỉ đạo ATTP tỉnh luôn ưu tiên làm tốt công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp trong đảm bảo ATTP, trở thành việc thường xuyên để đảm bảo chất lượng sản phẩm hàng hóa. Bởi Hòa Bình cũng là địa bàn cung cấp thực phẩm cho đồng bằng châu thổ sông Hồng, đặc biệt là khu vực Hà Nội nên việc bảo đảm ATTP càng phải được đề cao.
Đến nay, tỉnh đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung các sản phẩm lợi thế như cam, quýt, bưởi, mía tím, rau hữu cơ, gà đồi, lợn bản, dê núi đá, cá sông Đà, mật ong… Nhiều diện tích sản xuất nông nghiệp thực hiện quy trình VietGap, GlobalGap, được cấp nhãn hiệu tập thể và chỉ dẫn địa lý. Trong đó, nổi bật là cam Cao Phong với khoảng 1.018,34 ha được cấp chứng nhận VietGAP, được người tiêu dùng cả nước biết đến, trở thành thương hiệu nông sản mang tầm vóc quốc gia có sức vươn bền bỉ ra thị trường trong nước và quốc tế.

Thương hiệu cam Cao Phong lấy chất lượng làm gốc
Hoà Bình cũng đã hình thành hàng chục chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, cung ứng hơn 10 triệu tem truy suất nguồn gốc. Nhằm đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tỉnh còn tổ chức thường xuyên Lễ hội cây ăn quả có múi, Tuần lễ giới thiệu sản phẩm cây ăn quả có múi và nông thủy sản an toàn, chất lượng của tỉnh Hòa Bình… nhằm quảng bá các sản phẩm của địa phương, đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hướng đến nâng cao giá trị gia tăng, an toàn thực phẩm.
“Đối với Hòa Bình, chúng tôi đã ý thức được việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… cũng như việc tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu là cơ hội đưa các sản phẩm của tỉnh vươn xa. Vì vậy, các sản phẩm xuất khẩu của địa phương cần phải đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, trong đó có tiêu chuẩn về ATTP” - ông Nguyễn Văn Chương nhấn mạnh!

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương ATTP kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH PACIFIC
Cùng với đó, các doanh nghiệp của tỉnh Hòa Bình đã chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cũng như các điều kiện về ATTP. Ông Phạm Duy Khoa - Phó Giám đốc Công ty TNHH PACIFIC - một DN trồng, thu mua, chế biến nông sản - cho biết, hiện nay, công ty chúng tôi 100% xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Đây là một thị trường khó tính, yêu cầu khắt khe về vấn đề ATTP buộc doanh nghiệp phải có sự đầu tư cơ sở vật chất, nhà xưởng, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chí về ATTP của thị trường này.
Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn IBB - đơn vị sản xuất kinh doanh về thực phẩm đồ uống, ông Nguyễn Ngọc Quân - Phó Giám đốc Công ty bày tỏ, để bảo đảm ATTP, công ty thường xuyên tổ chức tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho người lao động trực tiếp sản xuất kinh doanh, giữ gìn vệ sinh sạch sẽ các trang thiết bị dụng cụ, nhà xưởng. Bên cạnh đó, công ty đã chú trọng đầu tư dây chuyền công nghệ với trên 70% là tự động hóa.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác ATTP
Tại buổi làm việc, Ban chỉ đạo ATTP tỉnh Hòa Bình đã nêu ra những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện quản lý Nhà nước về ATTP. Qua đó kiến nghị, đề xuất Quốc hội, Chính phủ sớm sửa đổi Luật ATTP để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy định về ATTP, nâng cao mức xử phạt đối với các hành vi vi phạm quy định về ATTP để đảm bảo tính răn đe.

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương ATTP kiểm tra thực tế tại Công ty TNHH PACIFIC
Các bộ, ngành liên quan tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm cho cán bộ làm công tác ATTP; cung cấp các trang thiết bị phục vụ công tác phát hiện, đấu tranh, xử lý tội phạm, vi phạm pháp luật về ATTP; cấp kinh phí, hỗ trợ kỹ thuật để xây dựng phòng kiểm nghiệm của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đạt ISO 17025 và được chỉ định là đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý Nhà nước về ATTP trên địa bàn tỉnh…
Phát biểu kết luận buổi làm việc, ông Nguyễn Việt Tấn, phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) đã đánh giá cao những nỗ lực, kết quả tỉnh Hòa Bình đạt được trong thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về công tác đảm bảo ATTP, triển khai thực hiện Tháng hành động vì ATTP năm 2020. Đồng thời đề nghị, BCĐ ATTP tỉnh Hòa Bình cùng với các đơn vị của tỉnh giám sát và khắc phục những vấn đề còn hạn chế, tồn tại ở các điểm cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác hậu kiểm, xử lý các đơn vị không chấp hành đúng quy định về thực hiện đảm bảo vệ sinh ATTP.

Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương ATTP kiểm tra thực tế tại Công ty Cổ phần Tập đoàn IBB
Ngoài ra, cần tiếp tục tăng cường phổ biến các quy định của Nhà nước về ATTP đến mọi đối tượng trên địa bàn. Trong đó, chú ý đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đến các cơ sở sản xuất có tính chất nhỏ lẻ, thủ công, thời vụ nhằm nâng cao ý thức của người dân trong thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh ATTP. Đoàn sẽ tổng hợp đầy đủ đề xuất, kiến nghị của Ban chỉ đạo tỉnh báo cáo Ban chỉ đạo quốc gia trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình: Ban chỉ đạo ATTP tỉnh sẽ tiếp thu ý kiến của các thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành Trung ương số 3, để đưa vào chương trình chỉ đạo thực hiện ATTP cho năm 2020 và những năm tiếp theo, nhằm thực hiện tốt hơn nữa việc đảm bảo ATTP, an toàn sức khỏe cho mọi người dân.
Theo Báo Công Thương
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 5
  • 9
  • 9
  • 3
  • 6
  • 5
lên đầu trang