Thứ bảy, 20/04/2024 | 15:54

Thứ bảy, 20/04/2024 | 15:54

Tin tổng hợp

Cập nhật 02:06 ngày 15/04/2020

Bảo vệ môi trường từ 'phép màu' công nghệ sinh học

Xác định công nghệ sinh học tuy không còn là các phương pháp mới nhưng để ứng dụng hiệu quả trong sản xuất ở các lĩnh vực là điều không hề đơn giản vì đòi hỏi phải có sự đầu tư và kiên trì. Tuy nhiên, với sự hỗ trợ của địa phương, người dân, HTX, doanh nghiệp trên địa bàn huyện Khánh Vĩnh đã có cái nhìn khách quan hơn về công nghệ sinh học.
Ứng dụng hiệu quả
Theo ông Nguyễn Xuân Long-Giám đốc HTX Cây ăn quả Khánh Vĩnh, các biện pháp sinh học giúp sản phẩm của HTX đảm bảo các tiêu chuẩn từ an toàn cho đến sản xuất sạch. Đây cũng là điều kiện để các cơ quan đánh giá xem các đơn vị sản xuất có đạt tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ hay không.
Không giống như các loại phân, thuốc hóa học, phân bón và thuốc trừ sâu sinh học không tồn dư lâu trong nông sản cũng như môi trường, không thấm vào hệ thống nước ngầm hay tạo ra các chủng côn trùng kháng thuốc gây hại cho cây trồng. Chính vì vậy, HTX Khánh Vĩnh đã mạnh dạn sử dụng các loại thuốc, phân sinh học để chăm bón cho diện tích cây ăn quả (bưởi da xanh, mít…).
Bưởi da xanh của HTX Khánh Vĩnh xây dựng được thương hiệu nhờ chú trọng ứng dụng các biện pháp sinh học.
Khi mới đưa ra kế hoạch trên, nhiều thành viên trong HTX lo ngại vì sử dụng phân, thuốc sinh học thường đắt hơn các loại thông thường, hiệu quả tiêu diệt dịch hại, côn trùng lại không cao nên sợ mất mùa.
Đứng trước khó khăn trên, ông Nguyễn Xuân Long và một số thành viên đã kiên nhẫn vận động và đi đầu trong ứng dụng các biện pháp sinh học vào sản xuất. Chính vì vậy, các thành viên đã đồng loạt làm theo và thành thạo trong sản xuất.
Thay vì lạm dụng, các thành viên chỉ sử dụng thuốc trừ sâu sinh học khi sâu ở mật độ thấp, ít làm ảnh hưởng đến chất lượng và năng suất cây trồng vì lúc này sâu còn non, ít có khả năng kháng thuốc. HTX cũng không trộn thuốc sinh học với các loại thuốc khác để tránh giảm hiệu quả.
Sự hiện diện của đàn kiến vàng là minh chứng cho việc HTX áp dụng công nghệ sinh học hiệu quả khi vẫn bảo đảm được chất lượng cây trồng, vừa bảo đảm môi trường cho các thiên địch có lợi. Để bưởi cho trái quanh năm, HTX áp dụng biện pháp cắt tỉa cành, thay vì phải phun thuốc xử lý như nhiều nơi khác. Phương pháp này giúp năng suất trái bưởi đạt cao, không làm ảnh hưởng môi trường lại kéo dài tuổi thọ của cây.
Chính vì vậy mà sản phẩm của HTX được cấp chứng nhận sản phẩm an toàn VietGAP, đạt chứng nhận thương hiệu “Bưởi da xanh Khánh Vĩnh” và đã có chỗ đứng trên thị trường. Cây bưởi da xanh Khánh Vĩnh không chỉ là cứu cánh kinh tế của người dân nơi đây, mà còn là sự phát triển lớn mạnh về quan niệm, trình độ canh tác nông nghiệp của người nông dân để dần hình thành một vùng chuyên canh cây bưởi da xanh bền vững.
Không chỉ HTX Cây ăn quả Khánh Vĩnh, trên địa bàn huyện đã có không ít mô hình ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất hiệu quả như: việc áp dụng biện pháp IPM và phân bón sinh học để trồng cây ăn quả của HTX Khánh Đông; ủ rơm làm thức ăn cho gia súc tại một số trang trại ở xã Khánh Nam, Khánh Trung hay mô hình xử lý phân tại trang trại chăn nuôi bò của CTCP Nông nghiệp sạch Khánh Hòa…
Người dân huyện Khánh Vĩnh đã chú trọng sử dụng phân hữu cơ, phân vi sinh để phục vụ sản xuất.
Ngoài ra, được sự hướng dẫn của các địa phương, người dân trên địa bàn huyện đã tích cực đưa vào sử dụng một số loại phân bón mới như: Lân vi sinh, phân hữu cơ vi sinh, chế phẩm EM, Bio Plan, Pro Plan, chế phẩm điều hòa sinh trưởng, chế phẩm xử lý gốc rạ, thuốc diệt chuột sinh học.... Điều này đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, hạn chế sâu bệnh, dịch hại, góp phần bảo vệ môi trường.
Triển vọng bền vững
Để nâng cao hiệu quả, thông qua các lớp tập huấn chuyên môn, cơ quan chức năng huyện cũng tuyên truyền người dân sử dụng các chế phẩm sinh học tổng hợp, thuốc sinh học vào sản xuất từ gia trại, trang trại hay các mô hình sản xuất của các HTX, doanh nghiệp trên địa bàn.
Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, địa phương cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học vào các lĩnh vực khác. Trong chăn nuôi, từ năm 2017- 2019, huyện triển khai chương trình phối giống nhân tạo bò với tổng số lượng 639 con, góp phần cải tạo chất lượng đàn bò, giúp người chăn nuôi nhận thức rõ hơn về hiệu quả của công tác lai tạo giống.
Ngoài ra, các xã, địa phương đã chú trọng dùng chế phẩm sinh học xử lý mùi tại các chợ như: chợ Sông Cầu, Khánh Đông, Khánh Bình, Liên Sang, thị trấn Khánh Vĩnh; hay xử lý mùi hôi tại các bãi rác thuộc các xã: Khánh Đông, Khánh Bình, Khánh Trung, Sông Cầu...
Có thể thấy, công nghệ sinh học góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, rõ nét nhất là nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của mặt hàng nông, lâm sản; giúp người dân, HTX, doanh nghiệp chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững kinh tế nông nghiệp theo hướng bền vững, cung cấp ra thị trường những sản phẩm đảm bảo sức khỏe cộng đồng, đảm bảo môi trường sống...
Theo Thời báo Kinh doanh
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 1
  • 2
  • 3
  • 6
  • 6
lên đầu trang