Thứ sáu, 19/04/2024 | 02:34

Thứ sáu, 19/04/2024 | 02:34

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:57 ngày 11/03/2020

Ứng dụng công nghệ vào sản xuất, chế biến chè: Nâng cả chất và lượng

Việc đầu tư thiết bị tiên tiến vào sản xuất, chế biến chè tại huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) thời gian qua không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn hỗ trợ tăng năng suất.    
Với diện tích gần 3.800ha, Đồng Hỷ là địa phương có diện tích trồng chè lớn thứ 2 của tỉnh Thái Nguyên. Cây chè cũng là cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, vì vậy những năm qua, huyện Đồng Hỷ đã thực hiện nhiều giải pháp phát triển loại cây này; trong đó chú trọng hỗ trợ, khuyến khích người dân đưa công nghệ vào sản xuất, chế biến, nhằm giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đầu tư máy móc, thiết bị tiên tiến giúp nâng cao chất lượng sản phẩm
Năm 2019, tận dụng nguồn vốn khuyến công của tỉnh, Đồng Hỷ đã hỗ trợ đầu tư 144 máy sao, 142 máy vò, 4 máy hút chân không cho các cơ sở tại xã Văn Hán và thị trấn Sông Cầu. Nhận thức được lợi ích của việc ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại, tiên tiến vào sản xuất, chế biến, người dân cũng tích cực tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương, nhà nước, mạnh dạn đầu tư. Tại xóm Vân Hán (xã Văn Hán) có khoảng 60ha trong tổng số 82ha được tưới tự động; 100% số hộ trồng chè đều sử dụng máy sao, vò lắp mô tơ quay tự động trong công đoạn sao sấy chè.
Theo ông Vi Ngọc Thi - Chủ tịch UBND xã Văn Hán - nhu cầu đầu tư máy móc vào sản xuất chè của các cơ sở trên địa bàn xã ngày càng cao. Thời gian qua, địa phương đã khuyến khích, hỗ trợ tối đa để bà con mua máy móc, thiết bị, phát triển sản xuất, tranh thủ nguồn đầu tư của tỉnh, huyện. Năm 2020, dựa trên nhu cầu của người dân, xã Văn Hán đăng ký hỗ trợ thêm gần 100 tôn quay, máy vò cấp.
Tại Hợp tác xã (HTX) chè an toàn Nguyên Việt (xã Minh Lập), việc đầu tư đồng bộ từ máy sao, sấy đến ủ hương, dán tự động, hút chân không… đã tạo ra hiệu quả thiết thực trong việc cải thiện năng suất lao động. Mới đây, HTX đầu tư thêm máy sao chè bằng khí gas thay thế cho tôn quay lắp mô tơ tự động, cho thấy sự vượt trội của việc ứng dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động sản xuất. Thiết bị mới có ưu điểm dễ điều chỉnh nhiệt độ, om nhiệt tốt, làm cho búp chè chín đều, giữ được hương thơm tốt, chất lượng ngon hơn. Sản phẩm làm ra có sức cạnh tranh trên thị trường. 
Đại diện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đồng Hỷ cho biết, thời gian qua, tỉnh, huyện đã có nhiều hỗ trợ đối với người trồng chè nhằm đẩy mạnh năng suất, chất lượng sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người lao động; trong đó, địa phương hỗ trợ người dân về giá giống, hỗ trợ chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, đầu tư thiết bị với mức hỗ trợ từ 50 - 100% tổng giá trị. Nhờ đó, người dân mạnh dạn đưa nhiều máy móc, kỹ thuật hiện đại vào hoạt động sản xuất và chế biến. Tính đến nay, toàn huyện Đồng Hỷ có hơn 1.000ha chè được sử dụng dàn phun tưới tự động, 100% số hộ sử dụng tôn quay, máy vò lắp mô tơ tự động… vào sản xuất, chế biến chè. 
Thời gian tới, bên cạnh việc tranh thủ các nguồn hỗ trợ từ khuyến công tỉnh, huyện Đồng Hỷ tiếp tục triển khai nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ cho người trồng chè, nhất là việc ứng dụng máy móc trong sản xuất…
Những năm gần đây, năng suất, sản lượng chè của huyện Đồng Hỷ liên tục tăng. Tính riêng năm 2019, năng suất chè của huyện đạt trên 122 tạ/ha/năm, tăng gần 2 tạ/ha/năm so với năm 2018; sản lượng chè búp tươi đạt trên 40,2 tấn; vượt 5% so với kế hoạch năm đặt ra.

Nguồn Báo Công Thương
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 5
  • 9
  • 8
  • 1
  • 9
  • 8
lên đầu trang