Thứ sáu, 29/03/2024 | 22:51

Thứ sáu, 29/03/2024 | 22:51

Tin Đề án

Cập nhật 09:26 ngày 13/12/2019

Kiểm tra định kỳ nhiệm vụ KHCN tại Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng

Xu hướng vật liệu “xanh” thân thiện với môi trường đang trở thành trào lưu của các nhà sản xuất vật liệu xây dựng. Nhằm tận dụng hàng chục triệu tấn rơm rạ mỗi năm và lượng phế liệu trong sản xuất, chế biến gỗ  tạo ra loại vật liệu mới, nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng do TS. Bùi Thị Thủy làm chủ nhiệm đã thực hiện để tài “Nghiên cứu sử dụng nấm mục để sản xuất bio-composite từ dăm gỗ, rơm và rạ”.
Nhóm nghiên cứu đã thực hiện đề tài trong 3 năm, từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2019. Đề tài thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì.  
Sáng ngày 9 tháng 12, đoàn công tác Bộ Công Thương gồm đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ, Phòng Kế toán – Tài chính và Tổ chuyên gia đã kiểm tra, thẩm định sản phẩm đề tài.
Báo cáo trước đoàn công tác, TS. Bùi Thị Thủy cho biết, đề tài nhằm mục tiêu tuyển chọn được các chủng nấm mục phù hợp có khả năng phân hủy dăm gỗ, rơm rạ và ứng dụng để sản xuất vật liệu mới (bio-composite) thân thiện môi trường sử dụng trong lĩnh vực nội thất và xây dựng.
Đoàn công tác Bộ Công Thương kiểm tra tại Viện Nghiên cứu Công nghiệp rừng
Đề tài đã thực hiện nghiên cứu tuyển chọn và nhân giống nấm đảm có khả năng chuyển hóa dăm gỗ, rơm rạ thành nguyên liệu để tạo bio-composite. Bên cạnh đó, nhóm thực hiện cũng nghiên cứu công nghệ sản xuất sinh khối nấm mục trên dăm gỗ, rơm rạ quy mô phòng thí nghiệm và công nghệ tạo vật liệu bio-composite cách âm, cách nhiệt từ dăm gỗ, rơm rạ quy mô phòng thí nghiệm.
Sau quá trình nghiên cứu, nhóm thực hiện tiến hành xây dựng quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất sinh khối nấm mục có khả năng chuyển hóa dăm gỗ, rơm rạ thành dạng phù hợp cho tạo bio-composite (quy mô 150kg - 200kg nguyên liệu/mẻ). Công nghệ của đề tài sử dụng nguồn phế liệu có sẵn dồi dào trong nước với giá thành rẻ.
Sản phẩm ván bio-composite từ dăm gỗ của đề tài
“Chúng tôi đã phối hợp với Chi nhánh Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Thành Phát  (Quốc Oai - Hà Nội) để sản xuất hàng ngàn tấm ván cách âm cách nhiệt, kích thước 60x60x3 (cm). Sản phẩm đáp ứng yêu cầu theo TCXDVN 175:2005, hệ số cách nhiệt R=2,5 (m2.K/w). Đặc biệt, sản phẩm ván tạo ra đã được một số cơ sở sản xuất nội thất ứng dụng trải nghiệm làm vách ngăn tường, mặt bàn và đã có phản hổi khả quan về khả năng cách âm, cách nhiệt cũng như mức độ thân thiện với môi trường của sản phẩm”, TS. Bùi Thị Thủy cho biết.
Quá trình sản xuất ván bio-composite không sử dụng keo phenol formaldehyde, ure formaldehyde và nhựa melamin để kết dính (có giá thành rất cao, chiếm 50% giá nguyên liệu đầu vào, gây ô nhiễm môi trường), do đó có ý nghĩa rất lớn về kinh tế và môi trường.
Một số hình ảnh sản xuất ván bio-composite của đề tài
Sau khi tính toán chi phí, giá thành cho 1m2 ván bio-composite, dày 3cm tương đương ván cách âm, cách nhiệt từ ván gỗ nhân tạo có sử dụng keo dán khoảng 170.000 đồng/m2. Giá thành sản phẩm rẻ hơn so với vật liệu cách âm từ thạch cao (220.000 đồng/m2) hoặc tấm xốp XPS (260.000 đồng/m2).
“Với giá cả phải chăng, cộng với tình hình ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng sản phẩm ván bio-composite thân thiện với môi trường của đề tài khi được ứng dụng trong thực tiễn sẽ được thị trường đón nhận, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và môi trường sinh thái, đồng thời mở rộng đa dạng hoá sản phẩm trong công nghệ chế biến gỗ”, TS. Bùi Thị Thủy nhấn mạnh.  
Kết luận tại buổi kiểm tra, thay mặt đoàn công tác Bộ Công Thương, TS. Dương Xuân Diêu đánh giá nhóm nghiên cứu đề tài đã thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ về khối lượng và chất lượng công việc, đồng thời nhận định đề tài có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, góp phần sử dụng nguồn phế liệu, thứ liệu trong nông, lâm nghiệp, tạo ra sản phẩm ván Bio-composite thân thiện môi trường. TS. Dương Xuân Diêu cũng đề nghị nhóm thực hiện đề tài chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện các báo cáo theo góp ý, nhận xét của Tổ chuyên gia trước khi tiến hành nghiệm thu theo đúng quy định.
Vụ Khoa học và Công nghệ

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 8
  • 6
  • 2
  • 5
lên đầu trang