Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:37

Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:37

An toàn thực phẩm

Cập nhật 04:17 ngày 01/11/2019

Đưa thực phẩm sạch tới người tiêu dùng

Nhằm bảo đảm nguồn cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn cho người dân, thời gian qua, Hà Nội đã đẩy mạnh phát triển các chuỗi liên kết sản phẩm với nhiều vùng miền trên cả nước và đạt hiệu quả cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, tỷ lệ nông sản hàng hóa được tiêu thụ thông qua hợp đồng còn thấp, công tác dự báo thị trường nông sản chưa tốt...
Hình thành nhiều chuỗi liên kết
Với hơn 10 triệu người đang sinh sống, làm việc tại Thủ đô, trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 300.000 tấn lương thực, thực phẩm, nông, lâm, thủy sản các loại. Trong khi đó, lượng thịt lợn, thịt gà sản xuất cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu; còn lại phần lớn phải thu mua từ các địa phương. Trước thực trạng đó, Hà Nội đẩy mạnh liên kết chuỗi nông sản an toàn với các tỉnh, thành phố nhằm cung cấp nguồn thực phẩm sạch cho người tiêu dùng Thủ đô.
Theo ông Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Lâm sản và Dịch vụ Long Giang (tỉnh Tuyên Quang), mỗi năm công ty sản xuất 70-80 tấn cá lăng sống và 20-30 tấn cá chế biến tiêu thụ tại Hà Nội. Khi tham gia chuỗi cung ứng, cá sản xuất ra tới đâu bán hết tới đó, giá bán cũng cao hơn.
Còn theo ông Nguyễn Văn Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản tỉnh Tuyên Quang, tỉnh này có 12 chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn cho Hà Nội. Từ khi tham gia chuỗi cung ứng đã tạo được chuỗi khép kín từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ, người sản xuất ổn định đầu ra...
Cũng về vấn đề này, ông Vũ Nam Tiến, Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Ninh Bình cho biết, địa phương này có nhiều sản phẩm cung cấp cho thị trường Hà Nội và các tỉnh, thành phố khác như: Lúa chất lượng cao, sản lượng đạt 20 nghìn tấn/năm; gia cầm hiện có hơn 5 triệu con, hơn 40 nghìn con bò và hơn 23 nghìn con dê; sản lượng thủy sản nước ngọt đạt 45 nghìn tấn/năm, thủy sản nước mặn - lợ 20 nghìn tấn/năm. Thông qua chuỗi giá trị, các mặt hàng nông sản bán được với giá cao hơn.
Đánh giá về hiệu quả của liên kết chuỗi nông sản an toàn với các tỉnh, thành phố, Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Hà Nội Nguyễn Thị Thu Hằng cho biết, đến nay, Hà Nội phối hợp với các tỉnh, thành phố xây dựng và phát triển được 727 chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản, qua đó, các doanh nghiệp, siêu thị chủ động được sản lượng sản xuất và thị trường tiêu thụ ổn định. Đặc biệt, sản phẩm hàng hóa đã được truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn
Mặc dù chuỗi liên kết cung ứng - tiêu thụ nông, lâm, thủy sản cung cấp thực phẩm cho người tiêu dùng Hà Nội đạt kết quả đáng ghi nhận, song thực tế còn khó khăn rất cần sự quan tâm tháo gỡ của các ngành chức năng.
Theo ông Nguyễn Đông Hải - Giám đốc Công ty TNHH Việt Farm (tỉnh Lâm Đồng), hiện nay công ty có 100 cửa hàng phân phối sản phẩm tại Hà Nội với mặt hàng là nông sản tươi nên chi phí vận chuyển từ Lâm Đồng ra Hà Nội tương đối cao. Hơn nữa, là mặt hàng rau, củ, quả nên dễ hỏng, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình bảo quản sản phẩm...
Còn Phó Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường cho rằng, việc kết nối tiêu thụ nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh còn khó khăn do công tác dự báo thị trường tiêu thụ nông sản, tổng hợp cung cấp thông tin thị trường, sản lượng hàng hóa nông sản vào - ra giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố và ngược lại chưa theo kịp với tình hình sản xuất nông nghiệp.
Công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, sản phẩm chưa thường xuyên dẫn đến nhiều sản phẩm tốt, có giá trị cao, bảo đảm an toàn thực phẩm mà vẫn chưa được các doanh nghiệp phân phối và người tiêu dùng biết đến.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Tiệp nhận định: Để chuỗi cung ứng, chuỗi liên kết nông sản giữa Hà Nội với các tỉnh phát triển hơn nữa thì các địa phương cần thiết lập kênh thông tin nắm bắt tình hình tiêu thụ, qua đó, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, hình thành chuỗi tiêu thụ khép kín, bền vững. Các đơn vị, doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa với cơ quan chức năng thành phố Hà Nội trong kiểm soát, quản lý chất lượng từ khâu sản xuất đến chế biến, lưu thông, tiêu thụ...
Về vấn đề này, theo ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội, thời gian tới, Sở phối hợp chặt chẽ với các địa phương thực hiện một số chương trình liên kết vùng nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác, phát triển kinh tế - xã hội để hỗ trợ doanh nghiệp các tỉnh, thành phố kết nối cung - cầu, tiêu thụ sản phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô.
Sở NN&PTNT Hà Nội tiếp tục tăng cường quản lý chợ đầu mối và tập trung đẩy mạnh các chuỗi liên kết. Sở đề nghị các tỉnh, thành phố có chuỗi liên kết với Hà Nội cần sớm có cơ chế chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng chuỗi; đồng thời, động viên, khuyến khích các chủ thể tham gia phát triển chuỗi; tăng cường quản lý truy xuất nguồn gốc nông sản, ứng dụng mã QRcode nhằm minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, các chuỗi sản xuất cung ứng nông sản an toàn trên thị trường Hà Nội.
Nguồn: Hà Nội mới 
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 0
  • 4
  • 8
  • 8
  • 2
lên đầu trang