Thứ năm, 25/04/2024 | 00:47

Thứ năm, 25/04/2024 | 00:47

Tin Đề án

Cập nhật 09:24 ngày 22/10/2019

Kiểm tra định kỳ các nhiệm vụ KHCN tại Viện Công nghệ sinh học

Nhóm ếch nhái trên thế giới có đến hơn 2.000 loài. Trong đó, Việt Nam có nguồn lợi ếch hết sức phong phú như: ếch xanh, ếch gai, ếch vạch, ếch cốm, ếch giun, ếch bám đá, ếch leo cây,..
Ếch sống trong môi trường nóng ẩm, có lợi cho sự sinh sôi nảy nở của các vi khuẩn và nấm nguy hiểm. Vì vậy, chúng phát triển hệ phòng ngự để bảo vệ da trước sự xâm nhập của các vi sinh vật gây bệnh. Cụ thể, tuyến bài tiết trong da ếch liên tục tiết chất nhờn làm ướt bề mặt da. Những chất này thường chứa các peptid với hàm lượng rất cao, có khả năng xâm nhập tế bào và có hoạt tính ức chế tăng trưởng chống lại vi khuẩn cũng như nấm gây bệnh.
Đặc biệt, các peptid chống vi khuẩn này cũng có hoạt tính chống các vi sinh vật gây bệnh ở con người.
TS. Đặng Tất Thành đại diện đoàn kiểm tra phát biểu tại buổi kiểm tra tại Viện Công nghệ sinh học.
Nhận thấy tiềm năng ứng dụng của peptid có trong da ếch trong hỗ trợ, điều trị bệnh, nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học do TS. Lã Thị Huyền làm chủ nhiệm đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu tạo dòng tế bào tái tổ hợp để sản xuất peptid từ da ếch có tính kháng khuẩn thay thế kháng sinh và hỗ trợ điều trị ung thư”. Đây là đề tài thuộc Đề án Phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì.
Đề tài được thực hiện từ tháng 1/2019 đến 12/2020. Mục tiêu nghiên cứu nhằm xây dựng quy trình công nghệ, mô hình thiết bị tạo dòng tế bào tái tổ hợp và sản xuất được peptid có hoạt tính kháng khuẩn và kháng ung thư từ da ếch; sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định, được sử dụng thay thế kháng sinh và hỗ trợ điều trị ung thư.
Sáng ngày 16 tháng 10, đoàn công tác của Bộ Công Thương gồm Tổ chuyên gia và đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ đã kiểm tra tiến độ thực hiện đề tài do Viện Công nghệ sinh học chủ trì.
Tại buổi báo cáo trước đoàn kiểm tra định kỳ của Bộ Công Thương, chủ nhiệm đề tài TS Lã Thị Huyền cho biết, mục tiêu cụ thể của đề tài nhằm lựa chọn được ít nhất một peptid có nguồn gốc từ da ếch có khả năng diệt vi sinh vật gây bệnh đặc biệt, vi sinh vật kháng thuốc, kháng tế bào ung thư. Bên cạnh đó, tạo được dòng tế bào tái tổ hợp có khả năng sản xuất peptid đã lựa chọn được với hàm lượng peptid đạt 120mg/g tế bào khô, đồng thời xây dựng được quy trình lên men và mô hình thiết bị tạo dòng tế bào tái tổ hợp sản xuất peptid quy mô 100 lít/mẻ, tinh sạch và thu nhận peptid có hoạt tính.
Nhóm thực hiện đã nghiên cứu khảo sát các peptid AMP trên một số loài ếch phổ biến ở Việt Nam thông qua việc thu thập 3 – 5 loài ếch và phân loại bằng phương pháp truyền thống. Nhóm cũng đã thiết kế gen mã hóa cho các polypetid và tạo dòng tế bào vi sinh vật có khả năng biểu hiện polypeptide tái tổ hợp, đồng thời tạo dòng tế bào động vật có khả năng biểu hiện polypeptide tái tổ hợp. Ngoài ra, nhóm thực hiện đề tài đã đánh giá được hoạt tính của các peptid tái tổ hợp thu được và hiện đang nghiên cứu xây dựng quy trình lên men chủng tế bào có khả năng sản xuất peptid tái tổ hợp quy mô 100 lít. 
“Sau khi thu thập được một số loài ếch phổ biến ở Việt Nam, nhóm thực hiện đã chế tạo một thiết bị có hiệu điện thế 5mV và cường độ dòng điện 30mA để cứ 30 giây kích thích 1 lần vào da lưng ếch, nhằm mục đích làm cho ếch tiết ra peptid”, TS. Lã Thị Huyền – Chủ nhiệm đề tài cho biết.
TS. Lã Thị Huyền - Chủ nhiệm đề tài báo cáo kết quả thực hiện đề tài trước đoàn công tác
Đặc biệt, nhóm thực hiện đã tạo được 2 dòng tế bào tái tổ hợp có khả năng tổng hợp peptid có tính kháng khuẩn và kháng ung thư với 100% tế bào mang gen mã hóa cho peptid đích cùng 2g peptid tái tổ hợp có độ tinh khiết >80% đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định. Bên cạnh đó, nhóm cũng thực hiện được 5 trình tự peptid sản xuất từ da ếch đạt 120mg/g tế bào khô có khả năng kháng vi sinh vật gây bệnh, kháng tế bào ung thư.
Kết luận tại buổi kiểm tra, TS. Đặng Tất Thành – Đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ thay mặt đoàn công tác Bộ Công Thương đánh giá tổ chức chủ trì và nhóm thực hiện đề tài đã và đang thực hiện nhiệm vụ theo đúng tiến độ. Bên cạnh các chuyên đề đã thực hiện và được Tổ chuyên gia đánh giá khá tốt, TS. Đặng Tất Thành đề nghị tổ chức chủ trì và nhóm thực hiện nghiêm túc tiếp thu các ý kiến đóng góp của Tổ chuyên gia, chỉnh sửa nội dung các báo cáo chuyên đề còn lại, bổ sung các hồ sơ tài chính  cho đầy đủ và đúng quy định.
Cũng trong sáng ngày 16 tháng 10, đoàn công tác Bộ Công Thương đã kiểm tra định kỳ đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học tái tổ hợp bioplastic từ phụ phẩm chế biến thủy sản” do Viện Công nghệ sinh học chủ trì, TS. Nguyễn Thị Đà làm chủ nhiệm. Tại thời điểm kiểm tra, nhóm thực hiện đã tuyển chọn được các chủng vi khuẩn có khả năng tổng hợp PHA. Sau khi tuyển chọn, nhóm thực hiện đã đánh giá sơ bộ khả năng tạo PHA của các chủng tuyển chọn được, định danh lại các chủng này và đánh giá tính an toàn sinh học của các chủng vi khuẩn đã tuyển chọn được. Đặc biệt, tại thời điểm báo cáo, đề tài đã sàng lọc được 42 chủng có khả năng tích lũy PHA từ bộ sưu tập 198 chủng vi khuẩn phân lập từ biển, trong đó tuyển chọn được 6 chủng cho nghiên cứu tiếp theo.
Vụ Khoa học và Công nghệ

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 5
  • 1
  • 6
  • 0
  • 0
lên đầu trang