Thứ năm, 28/03/2024 | 23:37

Thứ năm, 28/03/2024 | 23:37

Tin Đề án

Cập nhật 04:25 ngày 29/08/2019

Khảo sát xây dựng Đề án Phát triển CNSH ngành Công Thương đến năm 2030

Thực hiện Quyết định số 14/2007/QĐ-TTg ngày 25/1/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học (CNSH) trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020”, Bộ Công Thương đã tích cực triển khai hoạt động và đạt được những kết quả quan trọng. Theo báo cáo tham luận của TS. Đặng Tất Thành tại buổi tọa đàm, từ năm 2007 đến nay, gần 150 nhiệm vụ khoa học và công nghệ đã được triển khai góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến tại Việt Nam.
Chỉ tính giai đoạn từ 2016 – 2018, Ban Điều hành Đề án đã phê duyệt, tổ chức triển khai thực hiện tổng số 67 nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN). Trong đó, một số kết quả triển khai ứng dụng công nghệ vào thực tiễn đạt được thành công nổi bật như Dự án "Sản xuất thực phẩm chức năng có arabinoxytan từ cám gạo" do Trường Đại học Khoa học tự nhiên chủ trì thực hiện hay Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thức ăn nuôi cá chình” do Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản 3 thực hiện…
Tiếp nối những thành công đạt được của Đề án phát triển và ứng dụng CNSH trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Bộ Công Thương đang tiến hành triển khai xây dựng Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực Công Thương đến năm 2030. Trong tháng 7 và tháng 8, Bộ Công Thương đã tổ chức các đợt khảo sát các đơn vị KHCN tại 5 tỉnh khu vực miền Tây Nam bộ, 3 tỉnh miền Trung và thành phố Hồ Chí Minh nhằm lấy ý kiến đóng góp để hoàn chỉnh Đề án trình Chính phủ phê duyệt trong thời gian sớm nhất.
Ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ dẫn đầu đoàn khảo sát tại Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.
Tại Hà Nội, chiều ngày 27 tháng 8, đoàn công tác của Bộ Công Thương do ông Trần Việt Hòa – Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội về định hướng nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sinh học trong giai đoạn tiếp theo. 
“Trong giai đoạn vừa qua, Đề án đã triển khai nhiều đề tài, dự án có giá trị khoa học cao. Định hướng đến năm 2030, quan điểm của Bộ Công Thương là tập trung nguồn lực cho các nghiên cứu ứng dụng nhằm thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, đưa sản phẩm ra thị trường” - ông Trần Việt Hòa cho biết. 
Đoàn công tác của Bộ Công Thương
Giải đáp một số vướng mắc của Đại học Bách khoa Hà Nội về cơ chế chính sách, khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp để tìm đối tác sẵn sàng chia sẻ rủi ro khi triển khai các sản phẩm từ qui mô phòng thí nghiệm ra sản xuất đại trà…, Vụ trưởng Trần Việt Hòa cho biết, Bộ Công Thương sẽ triển khai hiệu quả các phướng án để thúc đẩy phát triển công nghiệp sinh học thông qua việc lấy doanh nghiệp là trung tâm với sự tham gia của các nhà khoa học và từng bước đơn giản hóa các thủ tục để đồng hành cùng doanh nghiệp và nhà khoa học, giúp các nhiệm vụ được triển khai có hiệu quả.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đề xuất 6 giải pháp nhằm phát triển ngành Công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030, bao gồm phát triển và ứng dùng công nghệ enzyme và vi sinh vật để sản xuất sản phẩm có hoạt tính sinh học, nâng cao giá trị gia tăng ngành công nghiệp thực phẩm; nghiên cứu thiết kế chế tạo và sản xuất các hệ thống thiết bị, dây chuyền đồng bộ phục vụ sản xuất các sản phẩm sinh học; xây dựng hệ thống quản lý, kiểm soát và phát triển giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực công nghiệp chế biến; xây dựng các trung tâm ươm tạo công nghệ sinh học công nghiệp, trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp.
Đông đảo thầy cô Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội tham dự tọa đàm.
Một giải pháp khác mà Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đề xuất là xây dựng hệ thống quản trị sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp chế biến. Đồng thời, ứng dụng giải pháp công nghệ sinh học công nghiệp xử lý chất thải trong công nghiệp chế biến (phụ phẩm tôm, cá,..) để kiểm soát môi trường và tạo thành các sản phẩm có giá trị gia tăng phục vụ trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt.
Kết thúc buổi tọa đàm, đoàn khảo sát Bộ Công Thương đã đi thăm quan Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm trực thuộc Đại học bách khoa Hà Nội. Viện được trang bị hệ thống phòng thí nghiệm, các công nghệ và thiết bị đầy đủ phục vụ nghiên cứu. Rất nhiều sản phẩm trên thị trường hiện nay được nghiên cứu và phát triển bởi Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm như nước mắm sản xuất từ phụ phẩm tôm, bia lên men trong chai…
Tiếp theo buổi làm việc tại Đại học Bách khoa Hà Nội, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện khảo sát, lấy ý kiên của các Viện nghiên cứu, đơn vị, doanh nghiệp khu vực Miền Bắc, từ đó tổng hợp ý kiến, xây dựng Dự thảo Đề án phát triển công nghiệp sinh học trong lĩnh vực Công Thương đến năm 2030. 
Một số hình ảnh tham quan Viện Công nghệ Sinh học và Công nghệ Thực phẩm:
Đoàn công tác Bộ Công Thương tham quan các phòng thí nghiệm của Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm
Hệ thống thiết bị phục vụ nghiên cứu tại Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm
Vụ Khoa học và Công nghệ


Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 0
  • 6
  • 7
  • 8
lên đầu trang