Sau khi nhận được báo cáo, Cục ATTP đã ban hành Công văn số 174/ATTP-NĐTT ngày 01/02/2023 đề nghị Sở Y tế Hà Nội chỉ đạo các đơn vị chức năng triển khai gấp một số nội dung sau:
Sở Y tế Hà Nội phối hợp với cơ quan chức năng ngành Công Thương trên địa bàn tiến hành truy xuất tận cùng nguồn gốc sản phẩm rượu gây ngộ độc trong vụ việc trên, xác định rõ nguyên nhân, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về ATTP theo quy định (nếu có).
Đoàn kiểm tra liên ngành số 1 của TP Hà Nội kiểm tra ATTP tại nhà hàng Chân Mây, quận Long Biên. Cùng với đó, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng của ngành Công Thương tăng cường thanh kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công. Ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.
Bên cạnh đó, đơn vị tăng cường thông tin, truyền thông và hướng dẫn người dân nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh rượu, không lạm dụng rượu và bảo đảm an toàn khi lựa chọn, sử dụng rượu. Tuyệt đối không sử dụng các loại động, thực vật lạ, không rõ chủng loại, nguồn gốc để ngâm rượu uống, không uống rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ hoặc không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường.
Liên quan đến vấn đề ngộ độc rượu, từ đầu năm 2023 đến nay theo báo cáo của Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, Khoa hồi sức cấp cứu của Bệnh viện đa khoa một số tỉnh, TP đã ghi nhận nhiều trường hợp phải cấp cứu có liên quan đến việc sử dụng rượu không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc xuất xứ, rượu có hàm lượng methanol cao, trong đó đã có ca tử vong.
Trước tình hình trên, Cục ATTP, Bộ Y tế đã ban hành Công văn số 172/ATTP-NĐTT ngày 1/2/2023 đề nghị Vụ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công Thương chỉ đạo các đơn vị tăng cường quản lý, công tác thanh kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu.
Chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công. Ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường. Xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất, kinh doanh rượu không đảm bảo an toàn và công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định. Đơn vị chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng ngành Y tế trong việc truy tìm, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm rượu gây ngộ độc trên địa bàn được phân cấp quản lý.
Một trường hợp bị ngộ độc rượu được điều trị tại Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. Bên cạnh đó, Cục ATTP cũng đã ban hành Công văn số 173/ATTP-NĐTT ngày 1/2/2023 đề nghị Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, Ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Bắc Ninh chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ngộ độc rượu, ngộ độc methanol, đặc biệt là với các đối tượng có tiền sử nghiện rượu. Cấp cứu, điều trị kịp thời để tránh các diễn biến xấu đối với sức khỏe bệnh nhân.
Ngoài ra, Cục ATTP cũng đề nghị các địa phương phối hợp với đơn vị chức năng của ngành Công Thương tăng cường thanh kiểm tra, giám ATTP đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu, chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh rượu nhỏ lẻ, đặc biệt là các cơ sở nấu rượu thủ công. Ngăn chặn kịp thời các loại rượu sản xuất, pha chế không đảm bảo an toàn, rượu không rõ nguồn gốc, không có nhãn mác gây ra nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng đưa ra lưu thông trên thị trường.
Theo Báo Kinh tế đô thị