Thứ sáu, 19/04/2024 | 18:50

Thứ sáu, 19/04/2024 | 18:50

Bài báo khoa học

Cập nhật 03:53 ngày 13/03/2023

Nghiên cứu khảo sát điều kiện chiết và hoạt tính sinh học của trà Thạch Châu Pyrenaria jonqueriana P.

TÓM TẮT:
Nghiên cứu thực hiện trên lá trà Thạch Châu Pyrenaria jonqueriana P. được thu hái tại Lâm Đồng, Việt Nam. Điều kiện chiết cao tổng trên 3 yếu tố độ ẩm nguyên liệu, nồng độ dung môi, và nhiệt độ chiết được khảo sát. Thông số thành phần các nhóm chất polyphenol, flavonoid, saponin, polysaccharide cũng như hoạt tính sinh học (kháng oxy hóa và kháng khuẩn MRSA) được lựa chọn làm tiêu chí đánh giá. Kết quả cho thấy, cao tổng trong điều kiện sử dụng lá phơi, ngâm dầm bằng cồn 70 % được lựa chọn trong nghiên cứu này. Tương tự, nghiên cứu trên cao phân đoạn cho thấy cao ethyl acetate cho hoạt tính kháng oxy hóa cao nhất, trong khi hoạt tính kháng khuẩn thể hiện tốt nhất trên cao butanol.
Từ khóa: điều kiện chiết, trà hoa vàng, trà Thạch Châu, MRSA, Pyrenaria jonqueriana P.
1. Đặt vấn đề
Trà hoa vàng là tên gọi của một nhóm thực đặc biệt thuộc họ Theaceae, có tên thường gọi là Golden Camellia hay Yellow Camellia, đa số các loài thuộc chi Camellia. Cây trưởng thành có hoa màu vàng đặc trưng [1]. Hiện nay có hơn 50 loài trà hoa vàng đã được tìm thấy, trong đó, có gần 40 loài phân bố tự nhiên ở Việt Nam [2].
Trong số những loài trà hoa vàng được tìm thấy ở Việt Nam, có cây trà Thạch Châu Pyrenaria jonqueriana P. mọc nhiều ở vùng Tây Nguyên nước ta. Loài này thuộc chi Pyrenaria, có nhiều loài thuộc chi này được ứng dụng trong y học với tác dụng làm thức uống để giải nhiệt, giải cảm phong hàn, mát gan, dùng chữa tê thấp, đau gân, sốt, viêm sưng, xuất huyết và rửa vết thương  [3, 4]. Loại cây này được công bố đầu tiên vào năm 1887 bởi Pierre, một nhà thực vật học người Pháp, trên cơ sở mẫu vật do Harmand thu thập vào năm 1877 [5].
Trà hoa vàng Thạch Châu được liệt trong sách đỏ IUCN [6] và phân bố đặc hữu ở một số vùng. Do đó, trên thế giới nói chung và ở Việt Nam nói riêng, các nhà nghiên cứu về thành phần hóa học, hoạt tính sinh học và các vấn đề xung quanh các loài thực vật này còn hạn chế. Kết quả phân tích và kiểm nghiệm của Viện Dược liệu năm 2016 cho thấy, sự hiện diện hàm lượng đáng kể các hợp chất nhóm flavonoid (khoảng 18,4-24,9 g catechin/100g), phenolic (6,3-9,5 g galic acid/100g). Trong một phân tích khác năm 2012 của Viện Dược liệu, các nhà nghiên cứu đã định lượng được thành phần saponin toàn phần và flavonoid toàn phần cho mẫu trà hoa vàng Thạch Châu, với kết quả lần lượt là 3,61%; 13,84%.
Năm 2016,  nhóm nghiên cứu của tác giả Dương Thị Hảo đã công bố kết quả cho thấy, dịch chiết ethanol từ lá của loài Pyrenaria jonqueriana P. có các thành phần: polyphenol, tannin, polysaccharide, acid amin, steroid, carotenoid, saponin, flavonoid và chất béo [7]. Bùi Hồng Cường và các cộng sự đã nghiên cứu và chứng minh lá trà Thạch Châu có tác dụng kháng oxy hóa mạnh bằng phương pháp bắt gốc tự do DPPH và superoxide anion, ngoài ra còn làm giảm quá trình oxy hóa tế bào gan chuột gây ra bởi CCl4. Nghiên cứu chỉ ra tác dụng kháng oxy hóa của trà Thạch Châu là do chứa hàm lượng lớn polyphenol toàn phần và flavonoid toàn phần, lần lượt là 21,2% và 7,7%. Kết quả đã cho gợi ý lá Thạch Châu có thể được sử dụng trong việc phòng chống các bệnh có liên quan đến quá trình oxy hóa trong cơ thể [5].
Từ các nghiên cứu đã được thực hiện, có thể nhận thấy cây trà hoa vàng Thạch Châu có sự tương đồng về thành phần hóa với các loài trà hoa vàng khác. Sự đa dạng thành phần với sự hiện diện của nhiều hợp chất thuộc các nhóm flavonoid, saponin, polyphenol, acid amine, vitamine và các nguyên tố khoáng, có thể mang lại cho trà hoa vàng nhiều hoạt tính có giá trị. Trong bài báo này, nghiên cứu khảo sát về điều kiện chiết cao tổng từ lá Thạch Châu kết hợp khảo sát hàm lượng các nhóm chất và hoạt tính sinh học của cao tổng và cao phân đoạn để xác định điều kiện chiết thích hợp được thực hiện.
2. Thực nghiệm
2.1. Nguyên liệu:
Lá trà Thạch Châu được thu hái tại xã Mê Linh, huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng, sau đó được rửa sạch và diệt enzyme bằng phương pháp nhiệt ẩm. Một phần được phơi râm đến độ ẩm thích hợp và bảo quản ở nhiệt độ phòng (Lá phơi), một phần được bảo quản lạnh để giữ độ tươi của lá (Lá tươi).
2.2. Khảo sát điều kiện chiết:
Nhằm khảo sát sự ảnh hưởng của các yếu tố như độ ẩm nguyên liệu, nhiệt độ chiết và nồng độ dung môi đến khả năng trích ly các hợp chất và hoạt tính sinh học của cao tổng, tiến hành khảo sát dựa trên tổ hợp các điều kiện: Nguyên liệu (lá tươi và lá phơi) x Phương pháp chiết (Soxhlet và ngâm dầm) x Nồng độ dung môi (EtOH 70% và EtOH 96%). Đánh giá thông qua hàm lượng các nhóm chất (polyphenol, flavonoid, saponin và polysaccharide) và hoạt tính sinh học (kháng DPPH, kháng khuẩn - Staphylococcus aureus).
2.3. Phương pháp phân tích
Định tính: sử dụng phương pháp hóa học để định tính sự hiện diện của các nhóm chất (flavonoid, polyphenol, saponin, tannin) có trong cao tổng và cao phân đoạn trà hoa vàng.
Định lượng các nhóm chất:
Polyphenol: Định lượng hàm lượng polyphenol trong các mẫu cao chiết bằng phương pháp Folin - Ciocalteau ở bước sóng 765nm dựa trên chất chuẩn sử dụng là galic acid. Cao chiết được pha loãng trong cồn tuyệt đối đến nồng độ thích hợp, sau đó được cho tác dụng với tác nhân Folin với tỷ lệ 2ml Folin 10% (v/v) - 0,4 ml mẫu, tiến hành siêu âm 5 phút ở nhiệt độ phòng, sau đó cho thêm 1,6 ml Na2CO3 7,5 % tiếp tục siêu âm 30 phút rồi để yên 30 phút. Dung dịch thu được được đo độ hấp thu ở bước sóng λ = 765nm.
Flavonoid: Định lượng flavonoid dựa trên phản ứng tạo phức với AlCl3 có sử dụng NaNO2 5%, chất chuẩn sử dụng là quercetin. 1 ml dịch chiết thu được khi pha loãng cao chiết trong cồn 80% ở nồng độ thích hợp, được thêm vào 0,3 ml NaNO2 5%, ủ 5 phút rồi cho thêm 0,5 ml AlCl3 2%, ủ tiếp 6 phút rồi thêm 0,5 ml NaOH 1M, hỗn hợp được ủ 10 phút rồi đo độ hấp thu ở bước sóng 510 nm.
Saponin: Định lượng hàm lượng của saponin triterpene bằng phương pháp so màu của Hiai và các cộng sự (1975) với những thay đổi dựa trên phương pháp được thực hiện trong nghiên cứu của Ahmed và Hadeil Omer Abdelgadir (2015)[8, 9]. Thuốc thử được sử dụng là vanilin - sulfuric acid, dựa trên chất chuẩn là oleanolic acid. 0,5 ml dung dịch mẫu thu được khi hòa tan cao chiết với cồn tuyệt đối được làm lạnh 5 phút trong bể đá ở 0oC, sau đó cho phản ứng với 0,5 ml vanilin 8% và 5 ml HSO4 77% trong 20 phút ở trong bể điều nhiệt 60oC. Hỗn hợp được đo mật độ quang ở bước sóng 535nm sau khi được làm lạnh 10 phút trong bể đá.
Polysaccharide: Định lượng polysaccharide theo phương pháp phenol-acid sulfuric, đo độ hấp thu dung dịch tại bước sóng 490nm so với chất chuẩn glucose. Cho 0,5mL phenol 5% và 2,5mL H2SO4 98% vào 0,5mL dung dịch mẫu sau khi được hòa tan bằng cồn tuyệt đối. Để hỗn hợp trong nhiệt độ phòng 30 phút rồi tiến hành đo độ hấp thu ở 490 nm.
2.4. Hoạt tính sinh học
Kháng oxy hóa: Đánh giá khả năng kháng oxy hóa dựa trên khả năng gốc tự do DPPH. Các chất có khả năng kháng oxy hóa sẽ trung hóa gốc tự do DPPH bằng cách cho hydrogen, làm giảm độ hấp thu tại bước sóng 517nm, màu của dung dịch phản ứng nhạt dần và chuyển từ màu tím sang vàng nhạt. Tiến hành xác định độ hấp thu của hỗn hợp mẫu thử ở các nồng độ khác nhau với lượng DPPH cố định, từ đó tính toán được phần trăm ức chế và xác định được giá trị IC50 của mẫu thử.
Kháng khuẩn: xác định khả năng ức chế của dung dịch mẫu đối với chủng vi khuẩn thử nghiệm là Staphylococcus aureus nhạy methicillin (MSSA) và Staphylococcus aureus kháng methicillin (MRSA). Sử dụng phương pháp khuếch tán đĩa (Agar diffusion method) để khảo sát khả năng kháng khuẩn của dung mẫu. Đối với các mẫu cho vòng kháng khuẩn trong khảo sát trên được tiến hành xác định nồng độ ức chế tối thiểu (MIC) bằng phương pháp vi pha loãng (Broth microdilution method).
3. Kết quả và bàn luận
Các yếu tố khảo sát trong điều kiện chiết bao gồm: nguyên liệu (tươi, phơi khô), dung môi, và điều kiện trích ly, tổ hợp của 8 điều kiện chiết cao tổng được tiến hành tương ứng 8 mẫu cao tổng, các mẫu cao tổng được đánh giá định tính, định lượng các nhóm chất polyphenol, flavonoid, saponin, polysaccharide (Hình 1 & 2). Kết quả thu được cho thấy, có sự hiện diện của  polyphenol, flavonoid, saponin, và polysaccharide trong tất cả 8 mẫu cao tổng thu được từ 8 điều kiện trên với hàm lượng có sự khác biệt. Dung môi cồn 70% và chiết Soxhlet cho ưu thế khi trích ly các nhóm chất polyphenol, flavonoid và polysaccharide, không có sự khác biệt đáng kể giữa lá tươi và lá phơi. Hợp chất saponin lại cho thấy một quy luật khác, khi chiết Soxhlet thì cồn 96% chiếm ưu thế, chiết ngâm dầm cồn 70% lại cho hiệu suất trích ly saponin hiệu quả hơn; xét về nguồn nguyên liệu, lá tươi cho thấy hiệu quả chiết cao hơn so với lá phơi. Tuy nhiên, từ kết quả khảo sát hàm lượng 4 nhóm chất chính chưa thể chọn được điều kiện thích hợp cho những nghiên cứu tiếp theo.
Hàm lượng polyphenol do Lin và các cộng sự (2013) xác định được ở dịch chiết lá của một số loài trà hoa vàng như C. murauchii là 10,30mgGAE/g, C. tunghinensis là 5,87mgGAE/g, C. nitidissima là 8,36mgGAE/g [10], thấp hơn nhiều so với hàm lượng polyphenol ở cao lá trà Thạch Châu (TS70: 79,91mgGAE/g nlk), đồng thời, hàm lượng flavonoid ở lá trà Thạch Châu cũng cao hơn đáng kể (TN70: 326,00mgQUE/g), cụ thể: hàm lượng flavonoid trong dịch chiết EtOH 95% (v/v) từ lá của trà hoa vàng Camellia nitidissima là 139,40mgQUE/g [11], của dịch chiết EtOH từ lá trà xanh ở Chennai là 7,50mgQUE/g [12], trong khi ở dịch chiết nước của C. oleifera là 140,06mgQUE/g [13] chứng tỏ lá trà Thạch Châu có tiềm năng rất lớn ở các hoạt tính kháng khuẩn và kháng oxy hóa.
So sánh với loài nhân sâm Panax ginseng (5,78-15,63mgOAE/g) [14], cao lá trà Thạch Châu ở điều kiện chiết TN70 có hàm lượng saponin cao hơn (115,85mgOAE/g), nhưng khi so sánh với một số loài trà hoa vàng khác như: Camellia chrysanthoides (300,8mgOAE/g), C. impressinervis (362,9mgOAE/g), C. perpetua (359,0mgOAE/g) [15] thì lại thấp hơn. Hàm lượng polysaccharide trong cao lá trà hoa vàng Thạch Châu (TS70: 121,59mgGLE/g) vượt trội so với hàm lượng polysaccharide chiết từ lá của các loài thuộc chi Camellia như: Camellia oleifera (37,70mgGLE/g), C. sinensis (36,40mgGLE/g) và C. nitidissima (32,88mgGLE/g) [16, 17].
Nghiên cứu đánh giá hoạt tính sinh học của 8 cao chiết cũng được thực hiện (Bảng 1). Có thể thấy trà hoa vàng Thạch Châu có khả năng kháng oxi hóa khá tốt, giá trị IC50 dao động từ 34,76 - 83,25 mg/mL, mẫu cao thể hiện khả năng kháng oxi hóa tốt nhất thu được khi chiết ngâm dầm lá phơi với cồn 70% (PN70). So sánh với nghiên cứu trên cây Camellia sinesis L. vào năm 2007 của Chan và các cộng sự đã cho thấy dịch chiết từ trà xanh có hoạt tính oxy hóa với giá trị IC50 trong khoảng 30-37mg/mL và AEAC (Ascorbic acid Equivalent Antioxidant Capacity - khả năng kháng oxy hóa tương đương với acid ascorbic) trong khoảng 10-13gAA/100g ứng với IC50 của Vitamin C là 3,87 mg/mL  [18]. Trong khi đó, giá trị AEAC của dịch chiết lá trà Thạch Châu trong nghiên cứu nằm trong khoảng 24 - 58gAA/100g cao hơn gấp 2 - 4 lần trà xanh, do đó có thể dự đoán hoạt tính bắt gốc tự do của loài Pyrenaria jonquieriana P. cao hơn rất nhiều so với Camellia sinesis L.. Ngoài ra, lá trà Thạch Châu có khả năng kháng khuẩn tốt hơn phân đoạn ethyl acetate từ dịch chiết ethanol trà hoa vàng Camellia nitidissima Chi với IC50 là 78,80 mg/mL [19], xấp xỉ giá trị IC50 của phân đoạn butanol thu được từ dịch chiết lá [20]. Đồng thời, từ kết quả kháng oxy hóa của 8 mẫu cao tổng cho thấy, việc sử dụng nhiệt trong quá trình chiết có ảnh hưởng đến hoạt tính kháng oxy hóa, các mẫu cao chiết bằng phương pháp ngâm dầm có IC50 thấp hơn các mẫu chiết bằng phương pháp Soxhlet tương ứng. Giải thích cho kết quả này có thể bởi nhiệt độ cao sẽ phá hủy một số nhóm chất chống oxy hóa không bền với nhiệt độ [21].
Bảng 1. Kết quả khảo sát hoạt tính sinh học ở 8 điều kiện chiết
Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện
Đối với hoạt tính kháng khuẩn, cả 8 mẫu cao tổng đều cho vòng kháng khuẩn trong thí nghiệm khuếch tán đĩa đối với chủng S. aureus nhạy với methcilin, đường kính dao động từ 9 - 16mm, trong khi đường kính vòng kháng khuẩn của vancomycin là 15mm. Tuy nhiên, chỉ có 4 mẫu cao chiết bằng dung môi ethanol 70% cho cho giá trị MIC trong khoảng 2,5 -5 mg/mL, không đáng kể so với đối chứng Vancomycin (64 mg/mL). So sánh với một loài trà hoa vàng khác là Camellia nitidissima, dịch chiết ethanol lá của loài này cho kết quả khả quan hơn trên chủng vi khuẩn Gram dương S. aureus với giá trị MIC lần lượt là 0,625 mg/mL [11]. Kết quả thử nghiệm hoạt tính sinh học của chiết cao ở các điều kiện khảo sát cho thấy, các mẫu cao ở dung môi 70% có sự vượt trội về khả năng kháng oxy hóa và kháng khuẩn MRSA. Một điều đáng ngạc nhiên là hoạt tính kháng khuẩn MRSA chỉ thể hiện trên cao chiết sử dụng cồn 70%. Kết hợp với đánh giá hiệu suất chiết, nhận thấy mẫu cao tổng chiết ngâm dầm lá phơi bằng cồn 70% (PN70) thích hợp để lựa chọn làm điều kiện chiết cao tổng cho các nghiên cứu tiếp theo.
Kết quả định tính và định lượng cao phân đoạn cho thấy, các hoạt chất đều tập trung ở 3 phân đoạn: hexane, ethyl acetate và buthanol; trong khi phân đoạn nước không chứa polyphenol và saponin mà có hàm lượng flavonoid thấp và polysaccharide cao đáng kể. Yang và các cộng sự (2018) cũng có kết luận tương tự khi nghiên cứu trên các phân đoạn dichloromethane, ethyl acetate, buthanol và nước từ dịch chiết ethanol 95% (v/v) của trà hoa vàng Camellia nitidissima Chi: phân đoạn ethyl acetate có hàm lượng phenolic nhiều nhất trong các phân đoạn, trong khi phân đoạn buthanol có hàm lượng xấp xỉ với cao tổng [19].
Khả năng quét gốc tự do DPPH và kháng khuẩn của các mẫu cao phân đoạn được nghiên cứu tiếp theo (Bảng 2). Kết quả cho thấy khả năng kháng oxy hóa có trong mẫu cao tổng PN70 có độ phân cực trải rộng, đồng thời tập trung nhiều nhất trong cao ethyl acetate (IC50 thấp nhất, 33.69±0.04 mg/mL), thấp hơn so với cao tổng (IC50 37,82 ± 0,73 mg/ml ). Trong khi đó, các hoạt chất có khả năng kháng khuẩn lại tập trung trong phân đoạn butanol (MIC = 1.25 mg/mL) và vượt trội so với các phân đoạn khác, thậm chí cao hơn cao tổng (MIC = 2,5 mg/mL). Tuy nhiên, xét cả 2 hoạt tính được đánh giá, cao tổng chiếm ưu thế hơn, do đều thể hiện tốt trên cả 2 hoạt tính và chênh lệch không nhiều với phân đoạn có hoạt tính tốt nhất.
Bảng 2. Kết quả khảo sát hoạt tính sinh học của cao phân đoạn
Nguồn: Nhóm tác giả thực hiện
4. Kết luận
Kết quả khảo sát chiết cao tổng trên 3 yếu tố độ ẩm nguyên liệu, nồng độ dung môi và nhiệt độ chiết cho thấy cao tổng sử dụng lá phơi, ngâm dầm bằng cồn 70 % là phù hợp. Thông số thành phần các nhóm chất polyphenol, flavonoid, saponin, polysaccharide cũng như hoạt tính sinh học (kháng oxi hoá và kháng khuẩn MRSA) được khảo sát. Kết quả cho thấy hàm lượng polysaccaride cao vượt trội và hoạt tính kháng oxy hóa của lá trà Thạch Châu là rất cao, cao hơn trà xanh và các trà hoa vàng khác đã công bố. Khảo sát trên cao phân đoạn cho thấy, cao ethyl acetate và cao butanol lần lượt cho hoạt tính kháng oxy hóa và hoạt tính kháng khuẩn cao nhất. Các nghiên cứu sâu hơn về thành phần và các hoạt tính sinh học khác đang được tiến hành nhằm làm rõ hơn các kết quả trên.
Lời cảm ơn:
Công trình được thực hiện dưới sự tài trợ của Quỹ Phát triển Khoa học Kỹ thuật Quốc gia (NAFOSTED) thông qua đề tài số 104.01-2018.44. Nhóm chân thành cảm ơn chị Lê Na đã ủng hộ nguồn nguyên liệu thực hiện đề tài.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Ge, B. Lin, J. Mo, et al. (2019). Composition and antioxidant and antibacterial activities of essential oils from three yellow Camellia species. Trees, 1, 205-212
2. T. T. Tran Duc Manh, Hoang Thanh Son, Dang Van Thuyet, N. V. T. Phung Dinh Trung, Dao Trung Duc, Mai Thi Linh, N. H. T. Vu Tien Lam, Nguyen Thi Thu Phuong and Tran Van Do (2019). Golden Camellias: a review. Archives of current research international.
3. Galappathie, E. A. Palombo, T. C. Yeo, et al. (2014). Comparative antimicrobial activity of South East Asian plants used in Bornean folkloric medicine. Journal of Herbal Medicine, 2, 96-105.
4. N. Thìn (1997). Cẩm nang nghiên cứu đa dạng sinh vật. NXB Nông nghiệp, Hà Nội.
5. H. Cường, D. T. Hảo, P. T. Thương (2018). Nghiên cứu tác dụng chống oxy hóa của lá thạch châu Trung Bộ (Pyrenaria jonqueriana Pierre). Tạp chí Dược học, 10, 23-26.
6. E. Beech, M. Barsto & M. Rivers (2017). The Red List of Theaceae. UK: Botanic Gardens Conservation International.
7. T. Hảo (2016). Nghiên cứu về thực vật, thành phần hóa học và tác dụng chống oxy hóa của cây Thạch Châu. Trường Đại học Dược Hà Nội.
8. O. A. Ahmed (2015). Determination of tea saponin in Camellia seed oil with UV and HPLC analysis. World Journal of Engineering and Technology, 4, 30.
9. Hiai, H. Oura, H. Hamanaka, et al. (1975). A color reaction of panaxadiol with vanillin and sulfuric acid. Planta medica, 06, 131-138.
10.-N. Lin, H.-Y. Lin, N.-S. Yang, et al. (2013). Chemical constituents and anticancer activity of yellow camellias against MDA-MB-231 human breast cancer cells. Journal of agricultural and food chemistry, 40, 9638-9644.
11. Wang, L. Ge, J. Mo, et al. (2018). Essential oils and ethanol extract from Camellia nitidissima and evaluation of their biological activity. Journal of food science and technology, 12, 5075-5081.
12. Anita, S. Sivasamy, P. M. Kumar, et al. (2014). In vitro antibacterial activity of Camellia sinensis extract against cariogenic microorganisms. Journal of basic and clinical pharmacy, 1, 35.
13. Zhang, Y. Wang, D. Wu, et al. (2011). Microwave-assisted extraction of polyphenols from Camellia oleifera fruit hull. Molecules, 6, 4428-4437.
14. Zhu, K. Zou, H. Fushimi, et al. (2004). Comparative study on triterpene saponins of Ginseng drugs. Planta medica, 07, 666-677.
15. Su, J. G. Mo, Y. L. Wei, et al. (2012). Chemical constituents of saponins from leaves of Camellia euphlebia. Chinese Traditional and Herbal Drugs, 877-879.
16. Wang, Z. Yang & X. Wei (2010). Sugar compositions, alpha-glucosidase inhibitory and amylase inhibitory activities of polysaccharides from leaves and flowers of Camellia sinensis obtained by different extraction methods. Int J Biol Macromol, 4, 534-9.
17. Feng, H. Cheng, L. Fu, et al. (2014). Ultrasonic-assisted extraction and antioxidant activities of polysaccharides from Camellia oleifera leaves. International Journal of Biological Macromolecules, 7-12.
18. W. C. Chan, Y. Y. Lim & Y. L. Chew (2007). Antioxidant activity of Camellia sinensis leaves and tea from a lowland plantation in Malaysia. Food Chemistry, 4, 1214-1222.
19. Yang, Y. Guan, W. Wang, et al. (2018). Antioxidant capacity of phenolics in Camellia nitidissima Chi flowers and their identification by HPLC Triple TOF MS/MS. PloS one, 4, e0195508.
20. -p. Wan, Y.-Y. Yu, S.-r. Zhou, et al. (2011). Antioxidant and free radical scavenging activity of Camellia nitidissima Chi. Asian Journal of Chemistry, 7, 2893.
21. Liyana-Pathirana & F. Shahidi (2005). Optimization of extraction of phenolic compounds from wheat using response surface methodology. Food chemistry, 1, 47-56.

A study on the extraction conditions and bioactivity of Pyrenaria jonqueriana P.

Vo Thien Nhi1
Assoc. Prof. PhD. Truong Vu Thanh1
1Faculty of Chemical Engineering, Ho Chi Minh City University of Technology, Vietnam National University - Ho Chi Minh City
ABSTRACT:
This study examines leaves of Pyrenaria jonqueriana P. grown in Lam Dong province, Vietnam and analyzes the impacts of moisture, alcohol concentration and extraction temperature on the extraction process. The polyphenol, flavonoid, saponin, polysaccharide contents as well as bioactiviy (antioxidant and anti-MRSA) are used as evaluation criteria. Extraction conditions of natural dried material when it is soaked  in 70 % alcohol are chosen in this study. Similarly, highest antioxidant activity (DPPH) are observed on ethyl acetate fractions while butanol fractions have optimal activity towards anti-MRSA.
Keywords: Pyrenaria jonqueriana P., extraction, Yellow Camellia, MRSA, antioxidant.
VÕ THIEN NHI1 - PGS.TS. TRƯƠNG VŨ THANH1
1Khoa Kỹ thuật Hóa học, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh)
(Nguồn: Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 25 tháng 11  năm 2022)
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 0
  • 4
  • 0
  • 1
  • 3
lên đầu trang