Thứ năm, 25/04/2024 | 12:53

Thứ năm, 25/04/2024 | 12:53

An toàn thực phẩm

Cập nhật 03:19 ngày 16/01/2023

Vĩnh Long triển khai các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác đảm bảo ATTP năm 2023

Để tăng cường công tác bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) trong năm 2023, Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh Vĩnh Long đã đề ra 07 nhóm nhiệm vụ trọng tâm. 
Thứ nhất là đối với công tác quản lý, chỉ đạo, cần tăng cường công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 08-CT/TW ngày 21/10/2011 của Ban Bí thư về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với vấn đề ATTP trong tình hình mới; Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới và Chỉ thị số 17/CT-TTg ngày 13/4/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP trong tình hình mới. Tăng cường trách nhiệm của các ngành, chính quyền địa phương cấp.
Bên cạnh đó, tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách nhằm đáp ứng kịp thời các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm. Định kỳ tổ chức kiểm tra công tác bảo đảm ATTP tại các địa phương. 
Thứ hai là về công tác tổ chức bộ máy, nhân lực, tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm các cấp. Sắp xếp, bố trí, kiện toàn bộ máy tổ chức và biên chế của các cơ quan quản lý về ATTP từ tỉnh tới tuyến cơ sở, để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. 
Thực hiện phân công, phân cấp các ngành, địa phương trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; tăng cường quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Nâng cao năng lực hệ thống Labo kiểm nghiệm ATTP; nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm ATTP.
Đoàn đến kiểm tra thực tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. (Ảnh: vnanet.vn)
Thứ ba là về công tác truyền thông, trong năm 2023, toàn tỉnh tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về ATTP, ý thức chấp hành pháp luật trong đó chú ý các đợt cao điểm như: Tết Nguyên đán, Tháng hành động vì ATTP, Tết Trung Thu. Đẩy mạnh công tác thông tin, phổ biến kiến thức pháp luật về an toàn thực phẩm, để phổ biến kịp thời các chủ trương, đường lối, chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về ATTP; biểu dương các điển hình tiên tiến, mô hình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn; công khai tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm bị xử lý theo quy định. 
Huy động sự hưởng ứng tham gia của các tổ chức, cá nhân doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm và các tổ chức, đoàn thể bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cùng tham gia vào các hoạt động truyền thông, tuyên truyền đảm bảo ATTP. Tiếp tục phối hợp và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ và đoàn thể các cấp trong vận động, tuyên truyền, giám sát thực hiện ATTP...
Thứ tư là về công tác thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giám sát. Theo Ban Chỉ đạo liên ngành về an toàn thực phẩm tỉnh, trong năm 2023, toàn tỉnh tăng cường xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm đảm bảo ATTP trong dịp Tết Nguyên đán 2023, Tháng hành động năm 2023, Tết trung thu năm 2023, chuyên đề năm 2023 và thanh tra, kiểm tra đột xuất, theo chỉ đạo của cấp trên.
Bên cạnh đó, tiến hành thanh tra, kiểm tra toàn diện trên tất cả các lĩnh vực quản lý của các ngành, địa phương, tập trung vào những nội dung, vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong đời sống xã hội như: chất lượng vật tư nông nghiệp, dư lượng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật, quảng cáo, kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe … xử lý nghiêm kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật và chấn chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành. 
Phía Sở Công Thương là Thường trực Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, chỉ đạo Ban Chỉ đạo 389 các huyện, thị xã, thành phố, các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực an toàn thực phẩm trong năm 2023, nhằm góp phần bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
Thứ năm là về công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm, cần tăng cường kiểm tra, giám sát và lấy mẫu thực phẩm phục vụ Lễ hội, hội nghị,… Đẩy mạnh công tác tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn về phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm cho cán bộ làm công tác ATTP tuyến cơ sở. 
Điều tra giám sát ngộ độc thực phẩm, duy trì hoạt động giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm và phân tích nguy cơ an toàn thực phẩm. Cảnh báo và xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm; kiểm soát an toàn thực phẩm các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể và thức ăn đường phố; lấy mẫu giám sát mối nguy ô nhiễm thực phẩm.
Thử sáu là về xây dựng, kết nối sản phẩm và chuỗi sản phẩm an toàn với người tiêu dùng, cần thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất nông sản thực phẩm an toàn, sản xuất kinh doanh thực phẩm theo chuỗi ngành hàng có kiểm soát về ATTP và hỗ trợ phát triển làng nghề thực phẩm. Triển khai thực hiện các đề án, dự án có liên quan trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp và PTNT, Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Đồng thời, tiếp tục triển khai đến các huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch nhân rộng xây dựng các điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn và hướng dẫn các địa phương xây dựng mô hình chợ an toàn thực phẩm trong năm 2022 theo Quyết định số 2569/QĐ-UBND ngày 10 tháng 10 năm 2019 của UBND tỉnh.
Để nhân rộng mô hình chợ an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, Sở Công Thương Vĩnh Long đề nghị Bộ Công Thương xem xét, hỗ trợ từ nguồn vốn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số, cho tỉnh Vĩnh Long xây dựng nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm tại Chợ Vĩnh Long (chợ hạng 1) trong năm 2023 - 2024.
Thứ bảy là về công tác giám sát chất lượng vật tư nông nghiệp, ATTP sản phẩm nông lâm thủy sản. Trong năm 2023, tiếp tục thực hiện Chương trình giám sát dư lượng các chất độc hại trong động vật và sản phẩm động vật thủy sản nuôi; thực hiện giám sát an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản theo quy định của Thông tư số 08/2016/TT-BNNPTNT ngày 01/06/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & PTNT; tổ chức thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi và xử lý thực phẩm nông lâm thủy sản bị cảnh báo mất an toàn thực phẩm khi có thông tin cảnh báo của cơ quan chức năng theo quy định.
Ngoài ra, tiến hành lấy mẫu kiểm tra vi sinh và hướng dẫn khắc phục tình trạng vấy nhiễm vi sinh tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh, định kỳ và đột xuất thu mẫu thủy sản nuôi và thức ăn thủy sản để kiểm tra hóa chất cấm, dư lượng hóa chất, kháng sinh trong nuôi trồng thủy sản.
An Nhiên

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 5
  • 6
  • 1
  • 6
  • 5
lên đầu trang