Thứ sáu, 19/04/2024 | 15:47

Thứ sáu, 19/04/2024 | 15:47

An toàn thực phẩm

Cập nhật 09:06 ngày 05/09/2022

Đắk Lắk: Chú trọng bảo đảm an toàn thực phẩm dịp Tết Trung thu năm 2022

Dịp Tết Trung thu, thị trường bánh kẹo trở nên sôi động do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao. Để làm tốt công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, hạn chế xảy ra ngộ độc trong dịp Tết Trung thu, bên cạnh sự vào cuộc kiểm tra của các đoàn chuyên ngành, người dân cần nâng cao hơn nữa ý thức trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, lựa chọn những sản phẩm chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
Hiện nay, do bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố nên giá cả một số loại hàng hóa, thực phẩm, trong đó có bánh trung thu tăng cao. Tuy nhiên, không vì thế mà người tiêu dùng “hạ tiêu chuẩn”, dễ dãi trong việc chọn lựa, mua hàng hóa, thực phẩm. Anh Bùi Minh Chánh (trú tại phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột), chia sẻ: Hàng năm cứ tới dịp Tết Trung thu là anh lại tìm mua bánh trung thu để làm quà tặng và để mọi người trong gia đình sử dụng. So với các năm trước, năm nay giá bánh trung thu tăng hơn, nhưng tôi vẫn chỉ tìm mua các loại bánh có chất lượng của các thương hiệu uy tín, tốt để đảm bảo an toàn thực phẩm cho mọi người, qua đó có một cái Tết Trung thu vui vẻ, đầm ấm.
Lực lượng chức năng kiểm tra gian hàng bán bánh trung thu tại đường Lê Thánh Tông
Có thể thấy, trên thị trường hiện nay xuất hiện nhiều sản phẩm bánh trung thu đa dạng về hình dáng và phong phú về nhãn hiệu, thu hút người tiêu dùng. Bên cạnh sản phẩm của các doanh nghiệp có thương hiệu nổi tiếng như: Kinh Đô, Bibica, Yến sào Khánh hòa…, còn có thêm sự góp mặt của nhiều loại bánh do các cơ sở tư nhân sản xuất, với giá cả phải chăng, đáp ứng nhu cầu của đông đảo người tiêu dùng. Chị Phạm Thị Tuyết Nga (Chủ cơ sở kinh doanh bánh kẹo Phú Loan, 42 Y Jút, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết: Cơ sở của chúng tôi kinh doanh bánh kẹo đã hơn 10 năm và đều đặn năm nào tới dịp Tết Trung thu cửa hàng đều nhập các loại bánh trung thu về để phục vụ nhu cầu của người dân trên địa bàn. Với tiêu chí an toàn, chất lượng, cơ sở chú trọng nhập các loại bánh của các thương hiệu uy tín với nhiều mức giá phù hợp với sự lựa chọn của khách hàng.
Để đáp ứng nhu cầu của người dân, hiện nay bánh trung thu được sản xuất đa dạng, phong phú từ bao bì, mẫu mã đến hương vị. Không chỉ có bánh dẻo, bánh nướng nhân thập cẩm truyền thống, bánh trung thu còn đa dạng từ nhân gà quay, lạp xưởng, bào ngư, trứng… đến khoai môn, đậu đỏ, đậu xanh, hạt sen, dừa, hạt điều, mè… ngoài ra còn có cả một số loại bánh đặc biệt sản xuất cho những người bị bệnh đái tháo đường, béo phì, ăn kiêng... Thực tế, bên cạnh các nhãn hàng bánh kẹo uy tín, chất lượng, thì dịp Tết Trung thu cũng là cơ hội để các loại bánh kẹo giả, không đảm bảo chất lượng tung ra thị trường. Hiện nay, tình trạng sản xuất bánh kẹo, nhất là bánh trung thu giả vẫn đang tồn tại: giả cả về nhãn mác và giả cả về chất lượng, về nguồn gốc xuất xứ, kiểu dáng công nghiệp... Bánh trung thu chủ yếu được sản xuất từ 3 nguồn: của các công ty, các nhà sản xuất tư nhân và của gia đình tự sản xuất. Và hiện nay, rất nhiều người dân chuộng các loại bánh do gia đình tự sản xuất vì cho rằng bánh nhà làm sẽ không dùng chất bảo quản, đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, có không ít loại bánh trung thu không nguồn gốc xuất xứ, không được kiểm định chất lượng, không nhãn mác, không có hạn sử dụng và những chiếc bánh này đang tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe người tiêu dùng.
Bác sĩ CKI Trần Văn Tiết, Phó Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm tỉnh Đắk Lắk, cho biết: Những năm gần đây trên thị trường người dân giới thiệu và truyền nhau tìm mua loại bánh nhà làm với tiêu chí không chất bảo quản, không phẩm màu, không chất phụ gia, chống mốc… Đối với các hộ sản xuất bánh nhà làm nếu theo quy định của pháp luật thì không đủ điều kiện. Tuy nhiên, tới dịp Tết Trung thu vẫn xuất hiện các điểm bán này vì nhu cầu tiêu thụ của người dân. Khi người dân sử dụng các loại bánh này cần hết sức thận trọng vì thực tế, loại bánh này không đủ điều kiện để lưu thông, phân phối theo quy định của pháp luật.
Cũng theo bác sĩ Tiết, để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Trung thu, ngay từ những tuần trước Tết Trung thu, đơn vị đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền để toàn bộ người dân cũng như các cơ sở sản xuất kinh doanh biết, thực hiện các quy định về an toàn vệ sinh thực phẩm. Đối với đơn vị sản xuất phải đảm bảo về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, các sản phẩm làm ra phải đảm bảo chất lượng, an toàn, quá trình chế biến sản phẩm không dùng các loại chất bảo quản, chống mốc cũng như các phụ gia độc hại. Đối với người tiêu dùng cần biết cách lựa chọn sản phẩm, trở thành người tiêu dùng thông thái bằng cách mua bánh trung thu ở các cơ sở có địa chỉ rõ ràng, nơi bày bán bánh đảm bảo điều kiện vệ sinh, kiểm tra kỹ nhãn hiệu, ngày sản xuất và hạn sử dụng, không sử dụng bánh đã mốc, hỏng. Khi mua sản phẩm về mở ra sử dụng cũng cần quan sát màu sắc bên trong, mùi vị đặc trưng của bánh. Nếu phát hiện các dấu hiệu bất thường, ngưng sử dụng sản phẩm để đề phòng nguy cơ ngộ độc thực phẩm xảy ra. Bên cạnh đó, đơn vị còn thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành để trực tiếp thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở có sản xuất các sản phẩm có liên quan trong dịp Tết Trung thu như các sản phẩm bánh, mứt, kẹo, bia, rượu, nước giải khát.
Người mua hàng cần cẩn trọng kiểm tra chất lượng, quy cách và hạn sử dụng của bánh trung thu
Nhằm thực hiện tốt công tác đảm bảo ATTP vì sức khỏe cộng đồng, thực hiện kế hoạch bảo đảm ATTP dịp Tết Trung thu năm 2022 của UBND tỉnh, ngày 21/8, Sở Y tế đã ban hành Công văn số 2907 về việc triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP dịp Tết Trung thu. Trong đó yêu cầu các đơn vị triển khai các biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm Tết Trung thu năm 2022; Phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức, triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về đảm bảo an toàn thực phẩm, phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, nâng cao ý thức bảo đảm ATTP của toàn cộng đồng; Thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về bảo đảm ATTP của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Tập trung kiểm tra những cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu như bánh, mứt, kẹo, bia rượu, nước giải khát,... Thông qua hoạt động thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm về bảo đảm ATTP, hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm, góp phần làm tốt công tác chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân; Tổ chức triển khai các hoạt động giám sát ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua thực phẩm, giám sát các mối nguy ô nhiễm thực phẩm để phát hiện sớm, chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư kỹ thuật để xử lý khi có sự cố an toàn thực phẩm xảy ra, đồng thời giao Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tiếp tục tham mưu chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện Kế hoạch bảo đảm ATTP dịp Tết Trung thu năm 2022.
Với sự nỗ lực vào cuộc của các cấp, các ngành cùng việc nâng cao ý thức, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh cũng như nhận thức của người tiêu dùng trong việc mua, sử dụng các loại thực phẩm, chúng ta có thể yên tâm đón Tết Trung thu đầm ấm, ý nghĩa và an toàn về thực phẩm.
Theo http://yte.daklak.gov.vn/
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 0
  • 3
  • 0
  • 1
  • 7
lên đầu trang