Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:55

Thứ sáu, 29/03/2024 | 16:55

Tin tổng hợp

Cập nhật 01:24 ngày 13/04/2023

Quy trình sơ chế đảm bảo tính chất dược lý của Giảo cổ lam

Quy trình sơ chế Giảo cổ lam sau thu hoạch của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM giúp tăng hàm lượng saponin từ 10 - 15% so với phương pháp thông thường.
Cây Giảo cổ lam là một trong những loại thảo dược quý trong đông y. Theo nhiều nghiên cứu, Giảo cổ lam có hoạt tính kháng viêm, chống oxy hóa, điều hòa chuyển hóa lipid, ức chế khối u, bảo vệ thần kinh, chống căng thẳng. Thành phần chính của Giảo cổ lam là saponin và flavonoid. Trong đó, saponin là hợp chất có hoạt tính sinh học có khả năng ứng dụng rất nhiều trong y học bao gồm hoạt tính làm giảm cholesterol, chống ung thư, kháng viêm, chống oxy hóa,… Giảo cổ lam chứa hơn 189 loại saponin, trong đó có 4 saponin có cấu trúc giống hệt và 11 saponin gần giống với nhân sâm và tam thất. Số lượng loại saponin của Giảo cổ lam nhiều gấp 3 - 4 lần so với nhân sâm. Ngoài ra, Giảo cổ lam có chứa nhiều vitamin, chất khoáng (sắt, kẽm, selen, phốt pho, mangan).

Cây Giảo cổ lam. Ảnh: Internet
Hiện nay, nhu cầu Giảo cổ lam cho dược phẩm ngày càng tăng cao. Đa phần các sản phẩm từ Giảo cổ lam được sử dụng dưới dạng trà uống trực tiếp hoặc trà túi lọc. Tuy nhiên, quy trình chế biến sản phẩm từ khâu sơ chế đến khâu sử dụng rất ngắn. Người dân thu hái Giảo cổ lam sau đó chủ yếu sơ chế bằng cách rửa qua nước hoặc thậm chí không rửa, rồi phơi hoặc sấy khô thủ công. Phương pháp này không đảm bảo vệ sinh, an toàn và chất lượng dược liệu.
Theo quy trình của Trung tâm của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao TPHCM, Giảo cổ lam được thu hái phần thân và lá sau 5 tháng trồng, rồi ngâm 30 phút trong nước vôi sống (CaO) với nước tạo dung dịch nước vôi trong có nồng độ 1,5%, pH 8. Rửa sạch lại nguyên liệu bằng nước có sục khí ozon để loại bỏ một phần vi sinh vật trên bề mặt nguyên liệu.

Giảo cổ lam sau sấy lạnh (A) và sản phẩm khô bán trên thị trường (B) Ảnh: NNC
Giảo cổ lam tươi sau làm sạch đem cắt khúc khoảng 5cm và sấy khô bằng sấy bơm nhiệt (sấy lạnh ở nhiệt độ 30°C). Khi nguyên liệu đạt độ ẩm 9,5% thì hoàn tất quá trình sấy. Giảo cổ lam sau sấy có lá màu xanh đậm, xoăn nhẹ. Mùi thơm hăng, vị đắng ngát, hậu vị ngọt đặc trưng. Tỷ lệ thu hồi Giảo cổ lam (so với nguyên liệu tươi ban đầu) là 18-20%.
Quy trình trên giúp đảm bảo tính chất dược lý của Giảo cổ lam, giữ được màu xanh đặc trưng của nguyên liệu tươi và có mùi thơm. Đồng thời, an toàn cho người sử dụng, Trong khi đó, Giảo cổ lam khô bán ngoài thị trường đã bị biến đổi màu sắc không có mùi thơm đặc trưng. Ngoài ra, phân tích hàm lượng dược chất saponin có trong Giảo cổ lam cũng cho thấy, sản phẩm được sơ chế và sấy khô bằng phương pháp sấy lạnh có hàm lượng saponin (> 37mg/g) cao hơn so với sản phẩm Giảo cổ lam khô bán ngoài thị trường (6mg/g).
Với điều kiện bảo quản thường (nhiệt độ 28°C), hạn sử dụng 3 tháng, nguyên liệu vẫn đảm bảo chất lượng (độ ẩm ≤ 12%, hàm lượng saponin > 37mg/g), lá màu xanh đậm, xoăn nhẹ, mùi thơm, vị đắng ngát, vị ngọt đặc trưng.
Quy trình bảo quản sau thu hoạch cây Giảo cổ lam dùng làm dược liệu đã được Sở KH&CN TPHCM nghiệm thu trong năm qua. Hiện nay, Trung tâm có thể chuyển giao quy trình nói trên cho các đơn vị có nhu cầu.
Theo Báo Khoa học phát triển
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 6
  • 2
  • 8
  • 8
lên đầu trang