Thứ sáu, 29/03/2024 | 01:02

Thứ sáu, 29/03/2024 | 01:02

Kiến thức khoa học

Cập nhật 02:08 ngày 11/04/2023

Nghiên cứu điều chế hydrogel đa chức năng ứng dụng hỗ trợ điều trị vết thương bệnh lý đái tháo đường

Là nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ cấp Thành phố, do Viện Khoa học Vật liệu Ứng dụng chủ trì thực hiện, PGS.TS Trần Ngọc Quyển làm chủ nhiệm, Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM nghiệm thu năm 2021.
Bệnh đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa tăng glucose huyết, đặc trưng bởi mức đường huyết gia tăng ở trạng thái đói hoặc sau khi sử dụng glucose trong thử nghiệm về mức dung nạp glucose qua đường miệng. Tại Việt Nam, số lượng người bị đái tháo đường đang tăng lên nhanh chóng, hiện nay chiếm khoảng 5,4% dân số (với hơn 5 triệu người mắc). Tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP.HCM, tỷ lệ này lên đến 10-12 thậm chí gần 15%.
Bệnh ĐTĐ thường dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng như đột quỵ, loét chân/thân, tim mạch… Trong đó, loét chân là nguyên nhân hàng đầu gây nhập viện và chi phí điều trị là rất cao do các vết loét của bệnh nhân phục hồi chậm, có thể diễn tiến xấu đi nhanh chóng dẫn đến biến chứng nghiêm trọng cần sự chăm sóc điều dưỡng chuyên sâu cũng như các trị liệu phụ trợ, băng bó bảo vệ và điều trị cho người mắc bệnh.
Nhiều phương pháp đã được ứng dụng trên lâm sàng để hỗ trợ điều trị vết thương loét chân, trong đó, điều trị bằng bằng vật liệu sinh học thay thế da tạm thời đã trở thành xu hướng bởi tính đơn giản về công nghệ, giá thành rẻ và có hiệu quả cao.
Trong đề tài nói trên, nhóm tác giả hướng đến mục tiêu nghiên cứu điều chế các hệ hydrogel hoạt tính đa chức năng trên cơ sở pluronic ghép chitosan hoặc alginate, có chứa các hoạt chất gồm: quecertin và resveratrol (kháng oxi hóa - kháng viêm hay kháng khuẩn), L-glutamic (tiền tố tổng hợp collagen), L-arginine (kích thích sự phát triển của mạch máu tại vết thương). Đồng thời, xây dựng quy trình điều chế hệ hydrogel đa tính năng, góp phần hỗ trợ hiệu quả điều trị vết thương loét chân.
Theo đó, các tác giả đã tổng hợp thành công, đánh giá cấu trúc 2 loại copolymer ghép chitosan-pluronic và alginate-pluronic sử dụng trong điều chế 2 loại hydrogel nhạy cảm nhiệt. Trên cơ sở các nền copolymer được tổng hợp với tỉ lệ pluronic khác nhau, nhóm nghiên cứu đã chọn được 2 nền copolymer chitosan-pluronic (1:15) và alginate-pluronic (1:7) có điểm chuyển pha sol-gel (nồng độ dung dịch ≥ 15%wt/wt) ở khoảng 34-35oC để phù hợp cho ứng dụng xử lý vết thương theo mục tiêu đề tài.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, hydrogel hoạt tính alginate-pluronic nhạy cảm nhiệt mang các hoạt chất có tính kết dính mô, kháng khuẩn và độ tương hợp cao với nguyên bào sợi nên giảm đáng kể tính trơ sinh học của pluronic.
Kết quả khảo sát trên mô hình chuột ĐTĐ mang vết thương cũng cho thấy, hệ hydrogel hoạt tính không gây kích ứng da, điều hòa kháng viêm, chống khuẩn xâm nhập, có hiệu quả chữa lành tương đương với sản phẩm thương mại (gel Regranex) sau 14 ngày điều trị về độ co vết thương cũng như hiệu quả tái tạo từ phân tích mô học. Vết thương được xử lý gel cũng làm giảm đáng kể sự xâm nhập của vi khuẩn và tế bào bạch cầu trung tính gây viêm.
Nhóm nghiên cứu cũng xây dựng được quy trình tổng hợp vật liệu hydrogel nhạy nhiệt trên cơ sở Alginate và Pluronic và hoàn thiện quy trình tổng hợp hydrogel chitosan-pluronic. Quy trình phù hợp với điều kiện sản xuất trong nước, sản phẩm hydrogel không chỉ có tính chất kháng khuẩn mà còn có khả năng hỗ trợ cho nguyên bào sợi phát triển. Trong đó hệ Alginate pluronic hydrogel cho hiệu quả tăng sinh nguyên bào sợi khá cao nên được chọn để nghiên cứu mang các hoạt chất và trên mô hình vết thương.
Các kết quả đạt được của đề tài cho thấy, hệ hydrogel alginate-pluronic mang các hoạt chất có tiềm năng lớn để nghiên cứu đánh giá xa hơn trên lâm sàng, nhằm thay thế sản phẩm ngoại nhập Regranex đặc trị hiện nay. Do sử dụng nguyên liệu có sẵn trong nước nên sản phẩm nếu được thương mại sẽ có giá thành thấp, phù hợp cho mục đích sử dụng phổ biến trong hỗ trợ chữa lành vết thương loét trên mô hình bệnh lý ĐTĐ, góp phần tăng cường hiệu quả chăm sóc chữa trị cho bệnh nhân đái tháo đường.
Có thể tìm đọc toàn văn Báo cáo kết quả nghiên cứu đề tài tại Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ (CESTI).
Theo: CESTI
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 1
  • 0
  • 4
  • 2
lên đầu trang