Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:59

Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:59

Tin Đề án

Cập nhật 09:44 ngày 03/04/2023

"Xanh" hóa ngành công nghiệp sản xuất giấy

Việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ, trong đó có công nghệ sinh học giúp giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, bảo vệ môi trường,… góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất ngành giấy nói chung.
Ngành công nghiệp sản xuất giấy và bột giấy là một trong những ngành quan trọng của nền kinh tế. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích tích cực thì sản xuất giấy cũng gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường như ô nhiễm không khí, nước thải,…
Theo TS. Dương Xuân Diêu – Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), các quy trình sản xuất bột giấy và làm giấy truyền thống thường sử dụng một lượng lớn nước, năng lượng và hóa chất. Ngày nay, do những quy định bắt buộc về bảo vệ môi trường, các nhà sản xuất giấy phải thực hiện các quy trình công nghệ nhằm giảm tiêu thụ năng lượng và hóa chất độc hại. Do đó, ứng dụng vi sinh vật và enzym đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học và doanh nghiệp sản xuất giấy và bột giấy.
Là đơn vị hàng đầu nghiên cứu phát triển công nghệ trong ngành giấy, trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương chủ trì, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô đã thực hiện thành công nhiều nhiệm vụ có ý nghĩa khoa học và thực tiễn cao. Các đề tài, dự án sản xuất thử nghiệm do Viện chủ trì thực hiện đã giúp doanh nghiệp ngành giấy giảm chi phí sản xuất, tiết kiệm năng lượng, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường,… từ đó góp phần phát triển bền vững ngành giấy Việt Nam.
Chế phẩm enzyme trợ nghiền do các nhà khoa học Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô nghiên cứu
Tiêu biểu là đề tài “Nghiên cứu công nghệ tạo chế phẩm enzyme trợ nghiền từ vi khuẩn - xạ khuẩn chịu nhiệt và ứng dụng trên dây chuyền sản xuất giấy tissue” do KS. Trần Hoài Nam làm chủ nhiệm. Việc sử dụng enzyme trợ nghiền đã giúp giảm tới 10,8% lượng điện năng tiêu thụ trong công đoạn nghiền, tăng 5,09% hiệu quả vận hành máy và 30SR độ nghiền bột giấy. Đồng thời, công nghệ này cũng giúp tăng tới 24% hiệu quả thoát nước của bột giấy, từ đó tăng hiệu suất máy và nâng cao hiệu quả dây chuyền nói chung.
Đáng chú ý, ngoài giá trị công nghệ, đề tài của các nhà khoa học Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô thực hiện còn giải quyết được vấn đề về ô nhiễm môi trường và tiêu thụ năng lượng của ngành giấy, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của ngành giấy trong bối cảnh Việt Nam tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, các doanh nghiệp cần làm chủ những công nghệ tiên tiến nhằm đảm bảo các giá trị bền vững toàn cầu.
Hay đề tài “Nghiên cứu ứng dụng enzyme để tẩy mực trong xử lý giấy tái chế” do TS. Cao Văn Sơn làm chủ nhiệm đã nghiên cứu, ứng dụng thành công tổ hợp enzyme xylanase/cellulase/lipase để khử mực cho giấy báo loại và xylanase/cellulase/lipase/α-amylase để khử mực cho giấy loại văn phòng. Việc ứng dụng enzyme không chỉ giúp thay thế hóa chất trong giai đoạn xử lý nguyên liệu ban đầu mà còn nâng cao hiệu suất thu hồi bột giấy và chất lượng bột DIP, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Sản xuất giấy là ngành có nhiều tác động động đến môi trường.
Trong khi đó, đề tài “Hoàn thiện công nghệ ứng dụng enzyme để nâng cao năng suất và chất lượng giấy bao bì công nghiệp” do ThS. Hy Tuấn Anh làm chủ nhiệm đã ứng dụng enzyme esterase và một số loại enzyme khác vào quá trình sản xuất giấy bao bì. Ngoài việc tăng năng suất chạy máy, nâng cao chất lượng sản phẩm, kết quả của đề tài còn góp phần giải quyết vấn đề môi trường đối với nhà máy sản xuất giấy bao bì công nghiệp.
Trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylô còn thực hiện đề tài “Nghiên cứu sử dụng nấm mục trắng để sản xuất bột giấy sinh học từ rơm rạ và bã mía”. Thông qua việc thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu của Viện đã xây dựng quy trình công nghệ và mô hình thiết bị sản xuất bột giấy sinh học từ rơm rạ, bã mía sử dụng hệ nấm mục trắng quy mô 500 kg giấy/ngày. Kết quả của đề tài góp phần cung ứng cho ngành công nghiệp giấy một sản phẩm mới, hạn chế lượng bột giấy nguyên thủy, giấy nhập khẩu. Đồng thời, giúp doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm cho ngành sản xuất giấy hiện nay.
Tại Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất giấy có quy định ngày càng cao về tiêu chuẩn bảo vệ môi trường. Do đó, các doanh nghiệp ngành giấy cần phải có kế hoạch phát triển hài hòa giữa sản xuất, kinh doanh và bảo vệ môi trường một cách nghiêm túc và hiệu quả. Ứng dụng công nghệ sinh học, trong đó có công nghệ enzyme và vi sinh vật, sẽ giúp giải “bài toán” môi trường trong sản xuất giấy, hướng tới một nền sản xuất công nghiệp xanh và bền vững.
Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam, năm 2021, tổng sản lượng giấy các loại đạt 5,45 triệu tấn, tăng trưởng 8,0%, tương ứng với lượng tăng 0,47 triệu tấn so với năm 2020 (đạt sản lượng 4,98 triệu tấn). Trong đó, giấy bao bì (testliner và medium) đạt sản lượng 4,728 triệu tấn, giấy in và giấy viết đạt sản lượng 256,5 nghìn tấn. Đối với giấy tissue, sản lượng năm 2021 đạt 274,6 nghìn tấn và đối với giấy vàng mã và 148,8 nghìn tấn.
Hà Nguyễn
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 7
  • 3
  • 6
  • 0
lên đầu trang