Thứ năm, 28/03/2024 | 16:30

Thứ năm, 28/03/2024 | 16:30

Tin tổng hợp

Cập nhật 08:17 ngày 18/04/2023

Nâng cao giá trị sản phẩm quả mắc ca

Từ năm 2018, Công ty TNHH MTV Đạt Thủy, tiểu khu 19, xã Cò Nòi, huyện Mai Sơn, bắt đầu nghiên cứu và phát triển các sản phẩm về mắc ca. Bên cạnh việc hỗ trợ nông dân áp dụng quy trình trồng, chăm sóc theo hướng dẫn của Hiệp hội mắc ca Việt Nam, Công ty còn thực hiện chế biến nhiều sản phẩm từ quả mắc ca để đáp ứng nhu cầu thị trường.
Công nhân Công ty TNHH MTV Đạt Thủy chế biến sản phẩm từ quả mắc ca.
Khởi đầu trồng gần 63 ha cây mắc ca tại xã Mường Chiên, huyện Quỳnh Nhai, quá trình sản xuất, Công ty TNHH MTV Đạt Thủy đã điều chỉnh, hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng địa phương. Hiện nay, quy trình này được Công ty áp dụng hướng dẫn, tư vấn cho các hộ nông dân, HTX liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong toàn tỉnh.
Tại huyện Mai Sơn, Công ty đã ký hợp đồng tư vấn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho HTX mắc ca Nà Ban. Ông Tạ Tiến Thường, Chủ tịch HĐQT, kiêm Giám đốc HTX mắc ca Nà Ban, xã Hát Lót, chia sẻ: HTX có 31 thành viên, trồng và chăm sóc 32,5 ha cây mắc ca. Từ tháng 5/2021, HTX đã ký hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với Công ty TNHH MTV Đạt Thủy, được Công ty cung ứng cây giống, tư vấn, hỗ trợ miễn phí về kỹ thuật trồng, chăm sóc, tỉa cành tạo tán và cam kết tiêu thụ 100% sản lượng mắc ca của các hộ thành viên. Dự kiến năm nay, HTX sẽ kết nạp thêm thành viên và phấn đấu trồng thêm 20 ha, nâng tổng diện tích cây mắc ca lên 50 ha vào năm 2023.
Qua trao đổi được biết, quả mắc ca tươi khi thu mua về được phân loại. Trong đó, những quả không đồng đều sẽ chế biến tách dầu hoặc làm rượu mắc ca; những quả đủ kích thước được sấy khô, bảo quản lạnh, khi nào có đơn đặt hàng mới đem ra sấy khô lại và cắt nứt. Năm 2021, Công ty TNHH MTV Đạt Thủy đã thu mua khoảng 60 tấn quả mắc ca tươi, chế biến được 30 tấn hạt mắc ca nguyên vỏ tách nứt, nhân mắc ca, rượu mắc ca... tổng doanh thu đạt hơn 5 tỷ đồng. Các sản phẩm của Công ty được kiểm nghiệm từ các cơ quan có thẩm quyền và được khách hàng tin dùng. Từ năm 2019 đến nay, sản phẩm mắc ca sấy của Công ty liên tục được bình chọn là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, cấp vùng miền và cấp Trung ương.
Ông Nguyễn Khắc Hào, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Sơn, thông tin: Năm 2022, huyện Mai Sơn đã tiến hành rà soát, đánh giá đất lâm nghiệp và vận động các chủ rừng trồng rừng bằng cây mắc ca, được áp dụng các chính sách hỗ trợ trồng rừng. Đồng thời, kết nối doanh nghiệp với nông dân triển khai kế hoạch trồng rừng bằng cây mắc ca. Đặc biệt, Phòng đã tham mưu đề xuất đưa sản phẩm quả mắc ca sấy của Công ty TNHH MTV Đạt Thủy vào kế hoạch xây dựng sản phẩm OCOP 4 sao cấp tỉnh; tạo điều kiện cho các sản phẩm của Công ty tham gia các chương trình kết nối, quảng bá tiêu thụ nông sản trong tỉnh.
Ông Dương Văn Đạt, Giám đốc Công ty TNHH MTV Đạt Thủy, cho biết: Công ty đã đầu tư 5 tỷ đồng lắp đặt dây chuyền sấy khép kín, sử dụng nhiệt sạch để chế biến quả mắc ca; xây dựng các chuỗi sản xuất và chế biến nông sản, nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm mắc ca trên thị trường trong nước và dần tiếp cận với thị trường nước ngoài.
Theo kế hoạch sản xuất năm 2022, Công ty TNHH MTV Đạt Thủy liên kết sản xuất trồng mới khoảng 200 ha cây mắc ca; thu mua, chế biến 100 tấn quả mắc ca tươi. Hiện, Công ty đang tiếp tục ký kết hợp đồng sản xuất, bao tiêu sản phẩm với các hộ dân tại một số huyện trong tỉnh; tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và cam kết cung ứng cây giống đảm bảo chất lượng cho các hộ liên kết sản xuất. Đồng thời, chuẩn bị các hồ sơ thủ tục, đánh giá chất lượng sản phẩm để được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh năm 2022.
Theo Báo Sơn La
Tag:
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 7
  • 7
  • 9
  • 4
  • 9
lên đầu trang