Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:06

Thứ sáu, 19/04/2024 | 20:06

Tin tổng hợp

Cập nhật 03:54 ngày 19/04/2023

Chế tạo dịch chiết diệt ấu trùng sâu tơ từ lá ngũ trảo và lá huyền tinh

Mới đây, nhóm sinh viên Đại học Bách khoa TP. HCM đã nghiên cứu, chế tạo ra dịch chiết dạng dung dịch từ lá ngũ trảo và lá huyền tinh giúp diệt trừ ấu trùng sâu tơ trên cây cải bẹ. Nhóm hi vọng rằng, trong thời gian tới sẽ tạo ra một chế phẩm sinh học vừa diệt trừ được ấu trùng sâu tơ, vừa không gây ô nhiễm môi trường, không ảnh hưởng tới sức khỏe con người.
Cụ thể, nghiên cứu được thực hiện bởi 3 sinh viên Quách Phong Đạt, Lê Thị Tuyết Nhi, Phan Thị Tường Vy - Khoa Kỹ thuật khóa học. Nhen nhóm đề tài từ năm thứ ba đại học, nhóm đã mất một năm rưỡi để nghiên cứu, đưa ra quy trình chế tạo dung dịch diệt ấu trùng sâu tơ. Nguồn nguyên liệu được nhóm thu thập tại hai tỉnh Long An và An Giang. Lá ngũ trảo được nhóm thu hoạch ở khu vực huyện Cần Giuộc, Long An và lá huyền tinh thu thập ở núi Cấm, tỉnh An Giang. Hai loại lá này sau khi được thu gom sẽ trải qua quá trình chiết thành cao tổng, rồi tiếp tục phân đoạn để tách các hợp chất phục vụ nghiên cứu.
Lá ngũ trảo và lá huyền tinh có thể được sử dụng để chế tạo chế phẩm sinh học diệt trừ ấu trùng sâu tơ. (Nguồn ảnh: https://vnexpress.net)
Đại diện nhóm nghiên cứu chia sẻ, hai loại cây này đều là những loại thực vật dễ kiếm, có sẵn trong tự nhiên. Với cây huyền tinh, nông dân chủ yếu thu hoạch lấy củ, còn lá bỏ đi rất lãng phí. Đặc biệt, cả hai loại lá này đều có chứa hoạt chất chống côn trùng là flavonoid và saponin.
Khảo sát hàm lượng flavonoid và saponin từ các cao phân đoạn, nhóm đưa ra kết quả, hàm lượng saponin và flavonoid cao nhất đối với lá ngũ trảo lần lượt là 69% và 47%. Trong khi đó, với lá huyền tinh, saponin và flavonoid đều đạt hàm lượng cao nhất là 33%. Từ kết quả này, nhóm tiếp tục cho các dịch chiết tiếp xúc với ấu trùng sâu tơ trên cây cải bẹ ở một khu vườn thí nghiệm. Kết quả, với dịch chiết lá ngũ trảo nồng độ 0,6 mg trên mỗi ấu trùng sâu tơ tuổi 4 (dài 2-3 cm) cho 100% khả năng gây chết ấu trùng. Với lá huyền tinh cũng cho kết quả tương tự với nồng độ như lá ngũ trảo.
Nhận định về những kết quả đạt được, sinh viên Lê Thị Tuyết Nhi hy vọng, đây sẽ là cơ sở để tiếp tục phát triển, nghiên cứu chế tạo thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Đồng thời, nhóm sẽ tiếp tục đánh giá hoạt chất của dịch chiết trên nhiều loại sinh vật gây hại khác. 
"Dịch chiết có dung môi dễ bay hơi giúp tiêu diệt ấu trùng sâu tơ nhưng không làm ảnh hưởng đến lá. Tuy nhiên, nhóm mới chỉ dừng lại ở thử nghiệm dịch chiết ở quy mô nhỏ, chưa phát triển thành dạng chế phẩm sinh học, vì vậy cần có những thử nghiệm quy mô lớn hơn để đánh giá vấn đề này" - sinh viên Lê Thị Tuyết Nhi nói.
"Nhóm cần có những nghiên cứu quy mô hơn, đi sâu vào nghiên cứu tách chiết những hợp chất để có đánh giá những phân đoạn hiệu quả nhất, khi đó giá trị nghiên cứu tăng lên rất nhiều. Ngoài ra, cần xác định liều lượng, độc tính của dịch chiết để làm cơ sở hoàn thiện công nghệ, giúp sản phẩm có thể ứng dụng" - PGS. Phạm Văn Hùng - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Đại học Quốc tế TP. HCM cho biết.
Nhật Quang
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 0
  • 4
  • 7
  • 5
  • 0
lên đầu trang