Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:00

Thứ bảy, 20/04/2024 | 11:00

Tin Đề án

Cập nhật 02:12 ngày 13/06/2019

Kiểm tra, thẩm định sản phẩm nhiệm vụ KHCN tại Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội

Mắc ca là một loại quả giàu giá trị dinh dưỡng. Nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ quả mắc ca ngày càng cao. Nhằm khai thác triệt để tiềm năng và giá trị của quả mắc ca, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã thực hiện “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học để sản xuất một số loại thực phẩm và thức ăn chăn nuôi từ quả mắc ca”. Đây là nhiệm vụ khoa học công nghệ cấp quốc gia thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương triển khai.
Chiều ngày 12 tháng 6, đoàn công tác gồm Tổ chuyên gia và đại diện Vụ Khoa học và công nghệ - Bộ Công Thương đã thực hiện kiểm tra, thẩm định sản phẩm của nhiệm vụ trước khi tổ chức nghiệm thu cấp quốc gia theo quy định.

Tổ thẩm định thực hiện kiểm tra kết quả thực hiện nhiệm vụ tại Trường Đại học Công nghiệp HN
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã thực hiện kiểm tra các sản phẩm dạng I, II, III bám sát các nội dung trong Hợp đồng, Thuyết minh của nhiệm vụ. Trong đó, các sản phẩm dạng I (sữa chua mắc ca, dầu mắc ca, thức ăn chăn nuôi cho lợn từ vỏ quả mắc ca) đã được nghiên cứu hoàn thiện về công nghệ và đã được ứng dụng vào sản xuất ở quy mô lớn tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Macadamia Quốc tế (Địa chỉ: Trung tâm kho xưởng số 5, Phường Mỹ Đình, Quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) với quy mô 200kg nguyên liệu/mẻ. Kết quả vận hành thử nghiệm cho thấy hệ thống thiết bị hoạt động ổn định, sản phẩm có chất lượng đáp ứng các tiêu chuẩn quy định.
PGS.TS Nguyễn Văn Lợi cho biết, sữa chua mắc ca được sản xuất với công thức gồm sữa tươi Ba Vì (94%), nhân mắc ca (4%), đường (2%) và sử dụng chế phẩm sinh học (2%). Nguyên liệu sữa tươi Ba Vì được kiểm tra, tách chất béo và được phối trộn đều với đường kính trắng với hàm lượng 2% và chế phẩm sinh học 2% trước khi lên men lần 1 ở nhiệt độ 37oC trong 2 giờ. Khi sản phẩm chuyển sang dạng sệt thì bổ sung nhân mắc ca, thái kích thước 0,5mm với hàm lượng 4% và khuấy trộn đều nhân mắc ca được phân tán đều trong sữa chua. Sữa chua được chiết vào hộp đậy nắp kín trước khi lên men lần 2 ở nhiệt độ 37oC trong 16 giờ.

Sữa chua mắc ca – một trong những sản phẩm được sản xuất nhờ ứng dụng công nghệ sinh học
Trong công nghệ sản xuất Dầu mắc ca, nhóm thực hiện sử dụng “công nghệ sạch” bằng cách sử dụng enzyme để thủy phân vỏ nhân trước khi ép dầu. Dầu mắc ca được sản xuất có màu vàng rơm, sánh và có mùi thơm đặc trưng.
Với những phế phẩm trong quá trình nghiên cứu như vỏ, bã hạt mắc ca, nhóm nghiên cứu đã xây dựng công thức sản xuất thức ăn cho lợn. Bao gồm thức ăn chăn nuôi cho lợn con (giai đoạn từ 40 đến 60 ngày tuổi), lợn choai (giai đoạn từ 60 đến 90 ngày tuổi), lợn vỗ béo (giai đoạn từ 90 đến 180 ngày tuổi).

Một số sản phẩm của đề tài
Đặc biệt, nhằm ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội xây dựng được mô hình chăn nuôi lợn thử nghiệm sử dụng thức ăn chăn nuôi lợn là sản phẩm của đề tài tại 2 hộ chăn nuôi ở xã Đại Cường, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Quy mô mỗi hộ chăn nuôi 20 con, trong đó 10 con lợn chăn nuôi bằng thức ăn thông thường và 10 con được chăn nuôi bằng thức ăn là sản phẩm của nhiệm vụ. Thời gian thực hiện từ ngày 03/10/2016 đến ngày 3/3/2017. Kết quả cho thấy lợn sử dụng thức ăn từ phụ phẩm mắc ca có khả năng sinh trưởng và phát triển tốt hơn so với sử dụng thức ăn công nghiệp có trên thị trường.
Theo đánh giá ban đầu của Tổ chuyên gia, Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã nghiêm túc, có nhiều sự đầu tư trong thực hiện nhiệm vụ. Các sản phẩm của nhiệm vụ đã được thực hiện đầy đủ theo đặt hàng của Bộ Công Thương.
Vụ Khoa học và Công nghệ
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 1
  • 0
  • 4
  • 4
  • 6
lên đầu trang