Thứ tư, 17/04/2024 | 02:54

Thứ tư, 17/04/2024 | 02:54

Tin Đề án

Cập nhật 02:06 ngày 21/04/2022

Sản xuất TPCN dành cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt: Thành công nhờ ứng dụng công nghệ sinh học

Thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương quản lý, Viện Công nghệ mới (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự, Bộ Quốc phòng) đã sản xuất thành công một số sản phẩm thực phẩm chức năng (TPCN) giúp tăng cường thể lực, nâng cao khả năng thích nghi và sức chịu đựng cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt.
Tiêu biểu là bộ sản phẩm TPCN KPAP có bổ sung peptit mạch ngắn của đề tài “Nghiên cứu tách chiết peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học để sản xuất thực phẩm chức năng dùng cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt” do Trung tá – Tiến sĩ Phạm Kiên Cường làm chủ nhiệm. Theo đó, bộ sản phẩm thực phẩm chức năng KPAP gồm 3 dạng. Thứ nhất là dạng thanh nén có trọng lượng 50g, được bọc trong lớp bao bì đặc biệt đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, có khả năng chống nước và bảo quản tốt. Thứ hai là dạng tuýp gel nước có nắp xoáy tiện lợi, có thể vừa bơi vừa ăn. Thứ ba là dạng viên nang cứng, nhằm giúp bộ đội nhanh chóng hồi phục sức khỏe sau các chuyến hành quân chiến đấu vất vả. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm theo Quyết định số 46/2007/QĐ-BYT.
Bộ sản phẩm TPCN KPAP
TS. Phạm Kiên Cường cho hay, bộ sản phẩm KPAP có khả năng đảm bảo năng lượng trong một ngày cho các hoạt động huấn luyện, diễn tập, chiến đấu của các lực lượng bộ đội hoạt động trong điều kiện đặc biệt. Ngoài ứng dụng chính là sử dụng cho bộ đội hoạt động trong điều kiện chiến đấu đặc biệt, bộ sản phẩm KPAP còn có thể sử dụng dành cho mục đích cứu hộ, cứu nạn hay dành cho các vận động viên, những người hoạt động cường độ cao. Đáng chú ý, tổng chi phí sản xuất cho một bộ sản phẩm TPCN KPAP trong giai đoạn nghiên cứu là 295.000 đồng. Mức giá này chỉ bằng 1/5 so với giá các bộ khẩu phần ăn chế biến sẵn được nhập khẩu.
Với những ý nghĩa kinh tế - xã hội thiết thực như vậy, công trình “Nghiên cứu tách chiết peptit mạch ngắn có hoạt tính sinh học để sản xuất thực phẩm chức năng dùng cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt” đã vinh dự được nhận Giải Ba Giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam năm 2020 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức. 
Sản phẩm SUTAB SA
Bên cạnh đó, các nhà khoa học của Viện Công nghệ mới còn nghiên cứu và cho ra đời hai sản phẩm SUTAB SOB và SUTAB SA có tác dụng hỗ trợ chống oxy hóa, tăng cường hoạt động của não, giảm hình thành cục máu đông. Đây là sản phẩm của dự án sản xuất thử nghiệm “Sản xuất thực phẩm chức năng phục vụ bộ đội tác chiến trong điều kiện đặc biệt” do Trung tá - ThS. Trần Thị Thu Hường làm chủ nhiệm. Các sản phẩm TPCN được sản xuất đều đảm bảo chất lượng và được kiểm nghiệm, cấp giấy chứng nhận phù hợp an toàn thực phẩm. Đặc biệt, nhằm đánh giá, kiểm nghiệm chất lượng và hiệu quả của hai sản phẩm SUTAB SOB và SUTAB SA, nhóm thực hiện dự án đã tiến hành thử nghiệm với lực lượng bộ đội đặc công tại đảo Bạch Long Vỹ (Hải Phòng) trong 30 ngày. Kết quả cho thấy sản phẩm không gây tác dụng phụ hay các phản ứng dị ứng khi sử dụng.
Sản phẩm TPCN tuýp Gel INUPEC
Cùng với bộ sản phẩm TPCN KPAP và sản phẩm SUTAB SOB và SUTAB SA, một sản phẩm khác giúp bộ đội tăng sức bền, sức chiến đấu do các nhà khoa học Viện Công nghệ mới chế tạo thành công đó chính là bộ thực phẩm bảo vệ sức khỏe INUPEC (dạng thanh nén và tuýp gel). Đây là sản phẩm của đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ enzyme trong sản xuất chất xơ hòa tan (inulin, inulo-oligosaccharide, pectin) để sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ tiêu hóa dùng cho bộ đội làm nhiệm vụ đặc biệt” do Thượng tá - ThS. Bùi Thị Thu Hà làm chủ nhiệm. Trao đổi với Trang TTĐT Công nghiệp sinh học Việt Nam, Thượng tá - ThS. Bùi Thị Thu Hà cho hay, INUPEC hướng đến đối tượng bộ đội sinh sống, làm việc trong điều kiền khắc nghiệt, chế độ dinh dưỡng không cân đối, thường là thiếu rau xanh, tại các khu vực hải đảo, nhà giàn… hay bộ đội tàu ngầm khi thực hiện nhiệm vụ trong môi trường chật hẹp, có bức xạ, hoạt động chức năng và trao đổi chất của cơ thể chịu nhiều ảnh hưởng bất lợi. Sản phẩm có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, cung cấp hàm lượng chất xơ hòa tan phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng, nâng cao sức khỏe bộ đội. 
Viện Công nghệ mới sở hữu những nhà khoa học giàu kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc, trang thiết bị phục vụ nghiên cứu, sản xuất tiên tiến, hiện đại.
Từ các sản phẩm được Viện Công nghệ mới nghiên cứu và sản xuất trong khuôn khổ Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020, có thể thấy tiềm năng ứng dụng của công nghệ sinh học, công nghệ mới trong nhiều lĩnh vực phục vụ công cuộc phát triển – bảo vệ Tổ quốc còn rất lớn. Trung tá – Tiến sĩ Phạm Kiên Cường - Phó Viện trưởng Viện Công nghệ mới cho biết: "Tại Việt Nam, những năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, trực tiếp là của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng, hoạt động khoa học, công nghệ và môi trường quân sự đã có bước phát triển toàn diện, thu được kết quả thiết thực, góp phần nâng cao sức mạnh chiến đấu của Quân đội, củng cố quốc phòng, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Trong đó, ứng dụng công nghệ sinh học vào lĩnh vực hậu cần, y dược quân sự, môi trường... đều có những bước phát triển mới."
Cũng theo Phó Viện trưởng Viện Công nghệ mới, toàn quân đã triển khai và hoàn thành nhiều chương trình, đề án trọng điểm quốc gia, có mức độ phức tạp cao. Qua đó, vươn lên làm chủ thiết kế, chế tạo một số tổ hợp vũ khí, trang bị kỹ thuật có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến; vật tư, nguyên liệu, vật liệu nền đạt tiêu chuẩn công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực, tính chủ động; phát triển, ứng dụng nhiều kỹ thuật mới, hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế trong chăm sóc sức khỏe bộ đội. 
"Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020" do Bộ Công Thương chủ trì được thực hiện từ năm 2007. Trong giai đoạn 2007-2020, công nghệ vi sinh và công nghệ enzyme là hai lĩnh vực chủ chốt được triển khai của Đề án. Trong đó, ứng dụng sản xuất các chế phẩm vi sinh, enzyme phục vụ công nghiệp chế biến hàng tiêu dùng là định hướng trọng tâm.
Trong 13 năm thực hiện, Đề án đã phê duyệt triển khai 148 nhiệm vụ khoa học công nghệ, trong đó có 97 đề tài (chiếm 65,5%) và 51 dự án sản xuất thử nghiệm (chiếm 34,5%). Gần 1.000 nhà khoa học đến từ hơn 50 đơn vị, tổ chức khoa học và công nghệ, các viện nghiên cứu, trường đại học khắp cả nước đã tham gia thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ của Đề án.
Cùng với đó, hơn 200 quy trình công nghệ đã được nghiên cứu, hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi vào sản xuất, kinh doanh.
Gần 100 sản phẩm tiêu biểu thuộc Đề án đã được nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, kinh doanh trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần nâng cao lợi nhuận cho doanh nghiệp tham gia.
Hà Nguyễn
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 5
  • 8
  • 0
  • 1
  • 4
  • 2
lên đầu trang