Thứ sáu, 19/04/2024 | 18:12

Thứ sáu, 19/04/2024 | 18:12

An toàn thực phẩm

Cập nhật 03:50 ngày 25/02/2022

Nghệ An: Hơn 500 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm dịp Tết Nhâm Dần 2022

Thực hiện Kế hoạch số 806 ngày 24/12/2021 của UBND tỉnh Nghệ An về bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2022, toàn tỉnh đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 5.775 cơ sở, trong đó có 501 cơ sở vi phạm, xử phạt 92 cơ sở với tổng số tiền hơn 231 triệu đồng.
Đoàn kiểm tra tại cơ sở sản xuất giò me ở xã Nam Thái, huyện Nam Đàn. Ảnh: Hoài Sang
Ông Phạm Ngọc Quy - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nghệ An cho biết: Thực hiện Kế hoạch số 2078/KH-BCĐTƯATTP ngày 15/12/2021 của Ban Chỉ đạo liên ngành An toàn thực phẩm Trung ương về việc triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Nhâm Dần và mùa lễ hội Xuân 2022, UBND tỉnh Nghệ An, các sở, ngành và UBND cấp huyện, xã đã triển khai đồng bộ các hoạt động thanh tra kiểm tra các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống trên địa bàn toàn tỉnh.
Công tác thanh tra, kiểm tra được tăng cường từ tuyến tỉnh đến huyện, xã, phường, thị trấn. Toàn tỉnh đã thành lập 450 đoàn thanh tra, kiểm tra gồm: 5 đoàn thanh tra, kiểm tra tuyến tỉnh, 24 đoàn kiểm tra tuyến huyện và 421 đoàn kiểm tra tuyến xã.
Kết quả, tính đến 14/2/2022 đã thanh tra, kiểm tra 5.775 cơ sở, trong đó 5.274 cơ sở đạt (chiếm tỷ lệ 91,32%), 501 cơ sở vi phạm (chiếm tỷ lệ 8,68%), phạt tiền 92 cơ sở (chiếm tỷ lệ 1,59%) với tổng số tiền phạt 231.550.000 đồng, tiêu hủy 2.000 kg sản phẩm động vật hôi thối và các loại bánh kẹo. Xét nghiệm nhanh 414 mẫu, trong đó đạt 379 mẫu (chiếm tỷ lệ 91,55%) và không đạt 35 mẫu (chiếm tỷ lệ 8,45%).

Đoàn kiểm tra theo kế hoạch UBND tỉnh làm việc với Ban Chỉ đạo An toàn vệ sinh thực phẩm các huyện. Ảnh: HS
Các hành vi vi phạm chủ yếu như: Không thực hiện và thực hiện không đúng chế độ kiểm thực ba bước, lưu mẫu thức ăn theo quy định; sử dụng nơi bảo quản, phương tiện bảo quản thực phẩm không bảo đảm vệ sinh; có côn trùng, động vật xâm nhập; kinh doanh thực phẩm, sử dụng nguyên liệu, thực phẩm đã quá thời hạn, không rõ nguồn gốc xuất xứ; dụng cụ thu gom chất thải rắn không có nắp đậy; chứa đựng thực phẩm trên dụng cụ không đảm bảo vệ sinh; không niêm yết giá, không có giấy phép kinh doanh bán lẻ rượu.
Trong quá trình thanh tra, kiểm tra các đoàn đã phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về đảm bảo an toàn thực phẩm, đảm bảo đúng pháp luật, công khai, minh bạch. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, các đoàn cũng đã chú trọng kết hợp công tác tuyên truyền, hướng dẫn các quy định pháp luật về bảo đảm ATTP đối với cơ quan quản lý Nhà nước các cấp cũng như đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Ông Phạm Ngọc Quy cho biết thêm: Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp và kéo dài, để đảm bảo an toàn thực phẩm dịp Tết Nguyên đán, các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng cần thực hiện đầy đủ và song song hai nhiệm vụ là chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm đồng thời tuân thủ các nguyên tắc, hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan chức năng trong phòng, chống Covid-19. Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống phải thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định về điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định.
Theo https://thanhtra.com.vn/
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 0
  • 3
  • 8
  • 9
  • 2
lên đầu trang