Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:33

Thứ sáu, 29/03/2024 | 20:33

Tin Đề án

Cập nhật 11:09 ngày 06/12/2021

Thẩm định sản phẩm nhiệm vụ KHCN tại Viện Công nghệ sinh học

Sáng ngày 17 tháng 11, đoàn công tác Bộ Công Thương đã tiến hành thẩm định sản phẩm nhiệm vụ khoa học và công nghệ (KH&CN) “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học tái tổ hợp sinh tổng hợp bioplastic từ phụ phẩm chế biến thủy sản” do Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) chủ trì thực hiện. Đề tài thuộc Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020 do Bộ Công Thương quản lý.
Tham dự buổi thẩm định có đại diện Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương), các chuyên gia trong Tổ thẩm định sản phẩm nhiệm vụ KH&CN, đại diện lãnh đạo Viện Công nghệ sinh học, chủ nhiệm và các cán bộ thực hiện đề tài.
Hiện nay, Việt Nam có 620 cơ sở chế biến thủy sản quy mô công nghiệp, trong đó có 415 nhà máy, cơ sở đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật, Mỹ, EU và các thị trường khó tính khác. Cùng với đó, có 3.000 cơ sở chế biến quy mô nhỏ tại các làng nghề truyền thống. Việc tận dụng phụ phẩm chế biến thủy sản để tạo ra nhiều sản phẩm thu lợi nhuận đang và sẽ là hướng đi để gia tăng giá trị cho chế biến thủy sản.
Theo số liệu thống kê, tổng sản lượng thủy sản của Việt Nam đạt khoảng 7 triệu tấn/năm. Trong đó phụ phẩm chiếm khoảng 15 - 20% (khoảng hơn 1 triệu tấn). Đây là nguồn nguyên liệu quý để sử dụng và chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng, đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Đây cũng là lý do thôi thúc nhóm nghiên cứu của Viện Công nghệ sinh học do TS. Nguyễn Thị Đà dẫn đầu thực hiện đề tài “Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học tái tổ hợp sinh tổng hợp bioplastic từ phụ phẩm chế biến thủy sản”.
TS. Nguyễn Thị Đà – Chủ nhiệm đề tài báo cáo tại buổi thẩm định.
Tại buổi thẩm định, TS. Nguyễn Thị Đà – Chủ nhiệm đề tài đã trình bày báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ. TS. Nguyễn Thị Đà cho biết, nhóm đã tuyển chọn được các chủng vi khuẩn có khả năng tổng hợp PHA. Sau khi tuyển chọn, nhóm thực hiện đã đánh giá sơ bộ khả năng tạo PHA của các chủng tuyển chọn được, định danh lại các chủng này và đánh giá tính an toàn sinh học của các chủng vi khuẩn đã tuyển chọn được. Đặc biệt, nhóm đã sàng lọc được hàng chục chủng có khả năng tích lũy PHA từ bộ sưu tập 198 chủng vi khuẩn phân lập từ biển.
Sau khi nghe TS. Nguyễn Thị Đà – Chủ nhiệm đề tài trình bày báo cáo về các kết quả thực hiện đề tài, Tổ thẩm định đã tiến hành kiểm tra hồ sơ, tài liệu liên quan đến các sản phẩm của nhiệm vụ. Cụ thể, với sản phẩm dạng I, kết quả kiểm tra cho thấy nhóm thực hiện đã nghiên cứu được 02 chủng vi sinh vật tái tổ hợp có khả năng tổng hợp PHA đạt >70% và 01 chủng có khả năng tổng hợp >50%. Cùng với đó, nhóm đã sản xuất thành công chế phẩm dạng lỏng có mật độ tế bào vi sinh vật đạt 108 - 109 CFU/ml, chế phẩm dạng rắn có mật độ tế bào vi sinh vật đạt 109 – 1010 CFU/g và sản phẩm PHA có hàm lượng >99,4%.
Với sản phẩm dạng II, nhóm đã xây dựng được quy trình công nghệ và mô hình thiết bị tạo chế phẩm sinh học công suất 100 lít/mẻ, quy trình ứng dụng chế phẩm sử dụng phụ phẩm cá thu hồi PHA được Hội đồng khoa học thông qua. Ngoài ra, nhóm cũng hoàn thành được đầy đủ số bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí khoa học uy, đào tạo được 2 kỹ sư và 1 thạc sĩ theo yêu cầu đặt hàng của Bộ Công Thương. 
Với sản phẩm dạng III, nhóm đã hoàn thành 01 báo cáo hiệu quả kinh tế xã hội. Các hồ sơ nghiệm thu chuyên đề khoa học và hồ sơ nghiệm thu cơ sở cũng được nhóm thực hiện hoàn thành đầy đủ.
Sản phẩm chế phẩm dạng bột CPBHA 1 và CPBHA 2 do nhóm thực hiện đề tài sản xuất.
Nhận xét chung về đề tài, PGS.TS. Trương Quốc Phong – thành viên Tổ thẩm định đánh giá, đây là đề tài có tiềm năng phát triển và ứng dụng tốt do sản phẩm nhựa sinh học (bioplastic) được coi là xu thế chung của toàn thế giới, sẽ sớm thay thế nhựa polymer với khả năng phân huỷ hoàn toàn, thân thiện môi trường. Về mặt tiến độ và chất lượng, đề tài đạt tiến độ đề ra, đảm bảo hoàn thành cả về số lượng và chất lượng.
“Nhóm thực hiện cần nhanh chóng chỉnh sửa, bổ sung và hoàn thiện các báo cáo, hồ sơ sản phẩm theo góp ý của Tổ thẩm định trước khi tiến hành nghiệm thu chính thức theo đúng quy định” – PGS. TS. Trương Quốc Phong nhấn mạnh tại buổi làm việc.
Thông tin chung
Tên nhiệm vụ: Nghiên cứu tạo chế phẩm sinh học tái tổ hợp sinh tổng hợp bioplastic từ phụ phẩm chế biến thủy sản
Thời gian thực hiện: 2018 - 2020
Cơ quan chủ trì: Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
Chủ nhiệm nhiệm vụ: TS. Nguyễn Thị Đà
Hà Nguyễn

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 7
  • 7
  • 6
  • 5
lên đầu trang