Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:13

Thứ sáu, 29/03/2024 | 19:13

Kiến thức khoa học

Cập nhật 02:01 ngày 06/05/2019

Sản xuất dầu và nước uống từ quả gấc bằng công nghệ enzyme

Tại nước ta, gấc được trồng ở khắp nơi, thích hợp với nhiều vùng miền khác nhau. Trong thành phần của quả gấc có rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Trong đó phải kể đến là các chất chống oxy hóa với hàm lượng cao. Tuy nhiên, quả gấc chưa được khai thác tương xứng với tiềm năng. 
Dự án “Sản xuất dầu và nước uống từ gấc bằng công nghệ enzyme” thuộc Đề án Ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến đã ứng dụng enzyme trong chế biến nông sản nhằm tạo sản phẩm theo hướng công nghệ, đảm bảo VSATTP. Dự án góp phần mở ra hướng đi mới nhằm khai thác có hiệu quả giá trị quả gấc Việt Nam.  
Ứng dụng công nghệ enzyme
Tại nước ta, quá trình sản xuất dầu thực vật quy mô công nghiệp thường được thực hiện theo 2 phương pháp: Phương pháp ép và phương pháp trích ly bằng dung môi. Đối với sản xuất dầu gấc, phương pháp được sử dụng duy nhất là ép nhiệt độ cao từ màng gấc khô. Đây là phương pháp đơn giản nhưng do ép nhiệt độ cao nên sản phẩm bị biến đổi, ảnh hưởng đến hiệu suất và chất lượng.
   
Sơ chế, thu hồi màng gấc
Từ năm 2005 Viện công nghiệp thực phẩm đã bắt đầu nghiên cứu thực hiện sản xuất dầu gấc bằng công nghệ enzyme và tách dầu bằng ly tâm. Đây là công nghệ được các nước trong khu vực và trên thế giới sử dụng nhiều trong chế biến thực phẩm  nhưng lại là phương pháp hoàn toàn mới trong công nghiệp khai thác dầu và chất béo. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ dừng lại ở quy mô phòng thí nghiệm. Đầu năm 2017, Viện đã phối hợp với Công ty CP tinh chất thảo dược Việt Nam nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ sản xuất ở quy mô 1000 chai/mẻ. Sản phẩm dầu gấc và nước uống từ gấc ra đời bước đầu được người tiêu dùng ưa chuộng bởi thành phần dinh dưỡng rất tốt cho sức khỏe.
Đối với sản phẩm dầu gấc, dự án đã hoàn thiện các thông số kỹ thuật của quy trình công nghệ và dây chuyền thiết bị đảm bảo hiệu suất thu hồi dầu, chất lượng sản phẩm dầu cao, ổn định.
Màng gấc được tách, sấy khô
Đối với sản phẩm nước uống từ gấc, ThS. Vũ Thị Thuận – chủ nhiệm dự án chia sẻ,  nước gấc là loại nước uống giàu dinh dưỡng, sản phẩm dễ bị biến màu và hỏng trong quá trình bảo quản và vận chuyên. Để sản phẩm có chất lượng ổn định, dự án đã phải nghiên cứu thử nghiệm rất nhiều lần. Đơn giản nhất như lựa chọn bao bì và điều kiện thanh trùng cũng đòi hỏi kỹ thuật  và phương pháp thực hiện theo đúng quy trình. Sản phẩm nước uống từ gấc của dự án luôn có độ ổn định, đảm bảo VSATTP, không biến màu, không phân lớp và không dùng chất bảo quản. 
Khai thác giá trị quả gấc Việt Nam
Gấc là loại quả đặc trưng, là ưu thế của Việt Nam. Gấc được trồng tại nhiều vùng miền khác nhau với sản lượng lớn nhưng chủ yếu còn rải rác. Thời gian gần đây, cây gấc bước đầu được trồng và quy hoạch ở quy mô lớn nhằm khai thác hiệu quả kinh tế. 
Sản phẩm nước gấc đã được thương mại hóa trên thị trường
Bên cạnh khả năng chống oxy hóa, thành phần quả gấc còn có tác dụng phòng chống ung thư, hỗ trợ làm đẹp và tăng cường đề kháng. Chính vì thế, từ xa xưa trong dân gian và y học trái gấc được sử dụng rất nhiều. Trái gấc bắt đầu trở thành đối tượng được các nhà khoa học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu. 
Gấc chủ yếu được khai thác ép dầu phục vụ ngành công nghiệp thực phẩm, dược phẩm và một số ngành công nghiệp khác. Sản xuất nước gấc ở quy mô công nghiệp còn rất hạn chế trước đó. Thành công của dự án mở ra hướng đi mới nhằm khai thác có hiệu quả giá trị quả gấc Việt Nam.  


Sản phẩm dầu gấc nguyên chất
Sản phẩm dầu gấc và nước uống từ gấc cử dụng công nghệ enzyme của dự án đã được thương mại hóa trên thị trường, bước đầu được người tiêu dùng đón nhận. Đại diện Công ty CP tinh chất thảo dược Việt Nam cho biết, thời gian tới công ty tiếp tục mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm bằng cách tiếp tục quảng bá, tiếp thị sản phẩm đến các công ty chế biến thực phẩm, dược phẩm, các đại lý phân phối. Mục tiêu của công ty là hướng đến xuất khẩu. 
ThS. Vũ Thị Thuận  nhấn mạnh, mục tiêu cuối cùng của dự án nhằm đa dạng hóa và nâng cao hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm từ từ quả gấc Việt Nam.
Dự án đã thực hiện xây dựng và công bố tiêu chuẩn chất lượng cơ sở theo quy định. 
Thông tin chung
Tên dự án: “Sản xuất dầu và nước uống từ gấc bằng công nghệ enzyme” thuộc Đề án Ứng dụng và phát triển công nghệ sinh học trong công nghiệp chế biến đến năm 2020.
Cơ quan chủ trì: Viện Công nghiệp thực phẩm
Chủ nhiệm dự án: ThS. Vũ Thị Thuận


Vụ Khoa học và công nghệ



Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 8
  • 7
  • 1
  • 7
  • 7
lên đầu trang