Thứ năm, 25/04/2024 | 15:11

Thứ năm, 25/04/2024 | 15:11

Tin tổng hợp

Cập nhật 01:58 ngày 21/10/2021

Ứng dụng công nghệ “xanh” chế biến thực phẩm giàu chất xơ

Mới đây, các nhà khoa học Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã phối hợp với Viện Công nghiệp thực phẩm, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội (thuộc Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam), Công ty CP Công nghệ thực phẩm VIFON, Công ty TNHH Dinh dưỡng Nutricare và một số đơn vị khác đã sản xuất thành công sản phẩm maltodextrin kháng tiêu hóa từ tinh bột gạo. Đây là kết quả nghiên cứu của đề tài cấp nhà nước ‘Ứng dụng công nghệ chiếu xạ để sản xuất maltodextrin kháng tiêu hóa từ tinh bột gạo dùng làm chất xơ thực phẩm” thuộc Chương trình Nghiên cứu và phát triển công nghệ năng lượng; KC.05/16-20 do PGS. TS. Nguyễn Duy Lâm làm chủ nhiệm.
Maltodextrin kháng tiêu hóa – chất xơ đa tác dụng
Maltodextrin kháng tiêu hóa là một chất xơ hòa tan dạng bột thường dùng làm phụ gia trong nhiều loại thực phẩm. Nó có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giảm thiểu hấp thụ đường và cholesterol trong cơ thể, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các lợi khuẩn trong đường ruột. Maltodextrin kháng tiêu hóa còn rất phù hợp với  những người ăn kiêng, bị tiểu đường hoặc béo phì do không chứa nhiều calo.
Do đặc tính dễ hấp thu nên maltodextrin kháng tiêu hóa được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực chế biến thực phẩm và dược phẩm. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải đang nhâp khẩu maltodextrin do trong nước chưa có đơn vị nào triển khai sản xuất thử nghiệm và đặt vấn đề thương mại loại chất xơ hòa tan này.
Maltodextrin kháng tiêu hóa là một chất xơ hòa tan dạng bột thường dùng làm phụ gia trong nhiều loại thực phẩm. (Ảnh: Blogspot)
Xuất phát từ thực trạng đó, cùng với suy nghĩ phải tìm cách bổ sung maltodextrin kháng tiêu hóa vào trong các sản phẩm ăn liền để nâng cao giá trị dinh dưỡng của các sản phẩm này, nhóm nghiên cứu của Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch do PGS. TS. Nguyễn Duy Lâm dẫn đầu đã thực hiện đề tài “Ứng dụng công nghệ chiếu xạ trong sản xuất maltodextrin kháng tiêu hóa từ tinh bột gạo dùng làm chất xơ thực phẩm”.
Mục tiêu của đề tài là xây dựng được quy trình công nghệ ứng dụng kỹ thuật chiếu xạ để sản xuất maltodextrin kháng tiêu hóa làm chất xơ thực phẩm từ tinh bột gạo. Đồng thời, chế tạo được hệ thiết bị sản xuất maltodextrin kháng tiêu hóa, quy mô 30-50 kg nguyên liệu/mẻ và ứng dụng maltodextrin kháng tiêu hóa để sản xuất 8 loại thực phẩm chế biến.
Công nghệ “xanh” hữu dụng
Theo PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm, công nghệ cốt lõi được nghiên cứu áp dụng trong đề tài là công nghệ chiếu xạ gamma liều cao (5-10 kGy) kết hợp với xử lý nhiệt phân tinh bột gạo có hoặc không bổ sung xúc tác axit.
Một trong những phát hiện mới có ý nghĩa khoa học là hiệu ứng tác dụng cộng hưởng của chiếu xạ và nhiệt phân tới sự hình thành chất kháng tiêu hóa và chất xơ. Nhờ đó, xử lý chiếu xạ gamma có thể thay thế hoàn toàn axit làm xúc tác trong phản ứng nhiệt phân để tạo ra pyrodextrin có hàm lượng chất kháng đạt tới 50%. “Đây là công nghệ xanh có nhiều ưu điểm như không dùng xúc tác axit, không đòi hỏi tinh chế phức tạp, tốn kém và tốn thời gian”, PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm nói.
Hệ thiết bị sản xuất Maltodextrin kháng tiêu hoá. (Ảnh: https://vinatom.gov.vn/)
Dựa trên quy trình công nghệ sản xuất maltodextrin kháng tiêu hóa từ gạo bằng công nghệ chiếu xạ xây dựng được, nhóm nghiên cứu tiến hành thiết kế, chế tạo và lắp đặt một hệ thiết bị đồng bộ, bán tự động quy mô pilot, năng suất 50 kg nguyên liệu/mẻ để sản xuất thử nghiệm maltodextrin kháng tiêu hóa. Sau đó, nhóm bắt tay hợp tác với Công ty Diamond Food Việt Nam, Công ty Nutricare và Công ty VIFON để tiếp tục thử nghiệm bổ sung maltodextrin sản xuất được vào một loạt các sản phẩm như trà gừng mật ong, trà chanh mật ong, bột đậu xanh, bột nước cam, bánh bích quy, nước yến, snack giàu chất xơ, mỳ spaghetti, bánh đa cua, cháo ăn liền, phở ăn liền.
“Chúng tôi lựa chọn các sản phẩm tiêu thụ nhiều trên thị trường, như thế mới có ý nghĩa bổ sung dinh dưỡng cho người dân. Ngoài việc đáp ứng tiêu chí về mặt dinh dưỡng, chúng tôi còn phải điều chỉnh lượng maltodextrin sao cho không làm ảnh hưởng đến tính chất thực phẩm”, PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm cho biết.
Các sản phẩm bổ sung maltodextrin do đề tài sản xuất. (Ảnh: https://vinatom.gov.vn/)
Theo đánh giá của các chuyên gia, sản phẩm maltodextrin kháng tiêu hóa là sản phẩm mới có hàm lượng công nghệ cao, tiềm năng ứng dụng trong thực tiễn lớn và có tính khả thi. Tuy nhiên, đây là sản phẩm nghiên cứu và thử nghiệm ở quy mô pilot nên giá thành thiết bị và sản phẩm còn cao. Theo tính toán, chi phí sản xuất đang ở mức 13 đô la/1 kg sản phẩm, cao hơn giá bán ra của sản phẩm nước ngoài (10 đô la/kg). Mặc dù vậy, giá thành sản phẩm sẽ giảm nhiều khi sản xuất ở quy mô công nghiệp.
Bên cạnh đó, nếu công nghệ của đề tài được chuyển giao và sản phẩm được ứng dụng trong thực tiễn sẽ giúp nâng cao giá trị một số loại gạo chất lượng thấp như giống IR50404, OM576, tạo ra được những thực phẩm có hàm lượng chất xơ cao có lợi cho sức khỏe người tiêu dùng.
"Sau khi kết thúc đề tài, chúng tôi cũng sẽ có kế hoạch xây dựng dự án sản xuất thử nghiệm và hợp tác với doanh nghiệp nào đó để sản xuất lớn. Chúng tôi đã đăng ký các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, nên sản phẩm hoàn toàn đủ điều kiện đưa ra thị trường”, PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm – Chủ nhiệm đề tài nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ đề tài, PGS.TS. Nguyễn Duy Lâm cùng các cộng sự tại Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đã đăng ký bảo hộ sáng chế cho phương pháp sản xuất maltodextrin kháng tiêu hóa từ tinh bột gạo bằng công nghệ chiếu xạ tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) và đã được chấp nhận đơn hợp lệ.
Bích Phương

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 5
  • 7
  • 0
  • 5
  • 2
lên đầu trang