Thứ năm, 28/03/2024 | 19:49

Thứ năm, 28/03/2024 | 19:49

Tin tổng hợp

Cập nhật 11:35 ngày 28/06/2021

Ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển KT-XH

Những năm qua, công tác quản lý Nhà nước lĩnh vực công nghệ sinh học (CNSH) trên địa bàn tỉnh được đặc biệt quan tâm. Việc quy hoạch vùng nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp được triển khai. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3030/QĐ-UBND, ngày 23/12/2013 về việc phê duyệt dự án quy hoạch tổng thể vùng và khu sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh đến năm 2015, định hướng đến năm 2020. Trong đó xác định rõ 3 vùng và 11 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tỉnh ứng dụng công nghệ nuôi cấy mô trong sản xuất cây giống. 
Đến nay, một số địa phương đã hình thành mô hình liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm có giá trị cao như: Kim Bôi, Yên Thủy, Cao Phong, Lạc Thủy… Việc phân bổ kinh phí cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH trên các lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, y tế, môi trường được quan tâm hơn. Các ngành chức năng chủ động lồng ghép đưa nội dung ứng dụng CNSH vào các nhiệm vụ chuyên môn thông qua các đề án, chương trình, kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý.
Căn cứ tình hình thực tiễn, các sở, ngành, địa phương đã triển khai nghiên cứu, ứng dụng hiệu quả CNSH trong lĩnh vực y dược, xử lý môi trường, phát triển giống cây trồng, vật nuôi có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với đặc điểm sinh thái của từng vùng gắn với bảo tồn, khai thác hiệu quả nguồn gen cây trồng, vật nuôi đặc sản, có giá trị kinh tế cao. Trong 5 năm qua toàn tỉnh đã triển khai 7 đề tài, dự án về CNSH cấp tỉnh trong lĩnh vực nông nghiệp; 3 đề tài lĩnh vực y - dược với kinh phí 15,2 tỷ đồng. Ngoài đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước, các doanh nghiệp khoa học và công nghệ trên địa bàn tỉnh đã quan tâm đầu tư nghiên cứu, ứng dụng CNSH phục vụ cho sản xuất. Hiện nay, tỉnh có 20 tổ chức khoa học và công nghệ, trong đó có 2 tổ chức hoạt động trong lĩnh vực CNSH phục vụ phát triển nông nghiệp.
Việc ứng dụng CNSH trên địa bàn tỉnh bước đầu đạt được kết quả tích cực, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu với sâu bệnh và có khả năng thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu, phòng chống các loại dịch bệnh, tạo các chế phẩm sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững. Tiêu biểu như: Nhiều bộ giống lúa lai có năng suất, chất lượng đưa vào sản xuất đại trà: Nhị ưu 838, TH3-4, TH3-3, TH3-5, GS16, GS55… Giống ngô lai tiếp tục được mở rộng chiếm trên 95%, các giống chủ lực như: Bioseed 9698, NK6401, NK4300, C3Q, CP501, P4199, DK9955, NK7328... Các giống cây cam mới, phù hợp khí hậu địa phương, cho thu hoạch rải vụ từ tháng 8 năm trước đến tháng 5 năm sau như: Cam CS1, cam canh, cam Xã Đoài, cam V2, quýt Ôn Châu, cam Cara ruột đỏ.... Đã xác định được 295 cây đầu dòng chất lượng như bưởi đỏ, bưởi da xanh, cam, quýt, dổi, tai chua, trám đen, ổi ODL1... đảm bảo về số lượng, chất lượng giống cây trồng phục vụ cho sản xuất. Ứng dụng, chuyển giao thành công các giống có chất lượng được sản xuất bằng CNSH như bạch đàn, keo lai, luồng, tre lục trúc, bát độ... góp phần đẩy nhanh việc trồng rừng thâm canh, đưa năng suất và chất lượng gỗ rừng trồng tăng lên. Trồng thử nghiệm một số loại cây dược liệu bằng giống nuôi cấy mô, sản xuất nấm linh chi từ nguyên liệu cây gỗ keo tươi và mùn cưa, thử nghiệm cây thiên ngân với mục đích trồng rừng gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao cho địa phương. Bảo tồn một số giống cây trồng địa phương như mía tím Hòa Bình, ngô nếp Thung Khe, cây dổi ăn hạt, quýt Nam Sơn, lúa nếp cẩm Hòa Bình, tỏi tía Hòa Bình. Xây dựng mô hình nuôi thử nghiệm và khẳng định một số giống vật nuôi mới như: cá tầm, cá hồi vân trên hồ Hòa Bình; nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống cá bỗng, cá trắm đen; sản xuất giống lợn hướng nạc Yorkshie, Landrad, Duroc, giống gà, vịt siêu thịt, siêu trứng, dê Bách Thảo và phát triển mô hình các vật nuôi đặc sản của tỉnh như: gà đồi Lạc Sơn, gà Lạc Thủy, vịt bầu bến...
Các chế phẩm sinh học được sử dụng trong sản xuất nông nghiệp ngày càng được phổ biến. Nhiều loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học thế hệ mới được sản xuất, ứng dụng đã góp phần tích cực trong việc phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường, nâng cao sức khoẻ cho người sản xuất, người tiêu dùng. Trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, ứng dụng CNSH đã giúp xử lý chất thải rắn, xử lý nước thải…
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục thực hiện sâu rộng các nội dung phát triển khoa học công nghệ. Phát huy vai trò, trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp về phát triển, ứng dụng CNSH. Lồng ghép việc ứng dụng và phát triển CNSH vào các chương trình mục tiêu, đề án, dự án phát triển KT-XH của tỉnh. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ, trung tâm giống cây trồng để đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng dụng CNSH, nhằm tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cao, phục vụ tốt nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng hoá nông sản, bảo vệ và khắc phục ô nhiễm môi trường.
Theo Báo Hòa Bình
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 3
  • 7
  • 8
  • 9
  • 2
  • 7
lên đầu trang