Thứ sáu, 19/04/2024 | 09:08

Thứ sáu, 19/04/2024 | 09:08

Tin tổng hợp

Cập nhật 05:21 ngày 21/06/2021

Sản xuất TPCN giúp giảm đường huyết từ bèo tấm

Bèo tấm (tên khoa học Lemnoideae) là thực vật thủy sinh có tốc độ sinh trưởng nhanh và phổ biến ở các ao hồ của Việt Nam. Nếu được sinh trưởng trong điều kiện tối ưu về dinh dưỡng và các điều kiện nuôi cấy thì hàm lượng protein trong bèo tấm đạt đến 45% trọng lượng chất khô. Với hàm lượng protein rất cao so với các loài thực vật khác và tương đương với hàm lượng protein có trong đậu nành thì bèo tấm đang là một trong những hướng nghiên cứu đầy triển vọng trong cuộc chiến lương thực sạch ngày nay.
Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu để tạo ra chế phẩm protein và peptide từ bèo tấm hay đánh giá hoạt tính sinh học từ bèo tấm trong và ngoài nước còn hạn chế. 
Xuất phát thực tế đó, Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP. Hồ Chí Minh đã đề xuất và được Bộ Công Thương giao thực hiện đề tài “Nghiên cứu công nghệ sản xuất bột protein và peptide có hoạt tính chống oxi hóa, hỗ trợ giảm đường huyết từ bèo Lemnoideae”. Đề tài do ThS. Trần Chí Hải làm chủ nhiệm. Đây là nền tảng bước đầu cho các nghiên cứu để phát triển và hoàn thiện quy trình sản xuất protein, peptide từ bèo tấm ở quy mô công nghiệp.
 Trong điều kiện tối ưu về dinh dưỡng hàm lượng protein trong bèo tấm có thể đạt đến 45% trọng lượng chất khô. (Ảnh: Internet)
ThS. Trần Chí Hải cho biết, Bèo tấm có tốc độ sinh sản rất nhanh với hàm lượng các chất dinh dưỡng cao, rất dễ nuôi trồng mà không cần các điều kiện đặc biệt như: bảo quản lạnh, chế độ vô trùng... Nếu được đưa vào khai thác sẽ trở thành một loại cây trồng mới, tạo ra nguồn protein lớn từ nguyên liệu rẻ tiền và giải quyết được vấn đề việc làm cho người dân nông thôn.
Triển khai đề tài nghiên cứu, nhóm thực hiện đã tiến hành phân tích thành phần hóa học của bèo tấm nuôi ở phòng thí nghiệm và bèo tấm tự nhiên. Kết quả, so với điều kiện được nuôi trồng, bèo tự nhiên cho hàm lượng protein thấp hơn xấp xỉ 30% (bèo tấm tự nhiên: 24,23%, tấm nuôi ở phòng thì nghiệm: 35,24%); trong khi đó, hàm lượng carbohydrate lại cao hơn 13% (bèo tấm tự nhiên: 47,57%, tấm nuôi ở phòng thì nghiệm: 42,20%). Ngoài ra, kết quả phân tích cũng cho thấy cả hai mẫu bèo đều không phát hiện các kim loại nặng như: chì, arsen và cadimi. 
“Với hàm lượng protein >20%, hai nguồn nguyên liệu bèo tấm nuôi ở phòng thì nghiệm và bèo tấm tự nhiên đều có thể được sử dụng để trích ly protein tạo các sản phẩm ứng dụng vào ngành công nghiệp thực phẩm và dược phẩm.” - ThS. Trần Chí Hải thông tin thêm.
Từ kết quả nghiên cứu đạt được, nhóm thực hiện đã tiến hành xây dựng thành công quy trình nuôi trồng bèo tấm có hàm lượng protein trên 35%, quy trình công nghệ trích ly và tinh sạch protein, quy trình công nghệ thủy phân protein và phân đoạn peptide, quy trình công nghệ sấy phun tạo bột protein và bột peptide.
Với chế phẩm bột protein và bột peptide thu được, nhóm đã phân tích, đánh giá tính chất chức năng và hoạt tính chống oxi hóa. Theo đó, chế phẩm bột protein cho các tính chất chức năng tốt như khả năng tạo bọt, tạo nhũ và độ bền nhũ. Do đó, khi tiến hành bổ sung thử nghiệm vào sản phẩm kem, kết quả tỉ lệ protein từ bèo có thể thay thế cho sữa bột gầy đạt đến 50%.
“Chế phẩm bột protein của để tài nghiên cứu có thể thay thế đến 50% sữa bột gầy mà sản phẩm kem tạo thành vẫn được đánh giá ưa thích tương đương với sản phẩm kem 100% sữa bột gầy” - ThS. Trần Chí Hải cho biết
Sản phẩm viên nang giúp giảm đường huyết của đề tài nghiên cứu. (Ảnh: HUFI cung cấp)
Bên cạnh đó, kết quả phân tích chế phẩm bột peptide có khả năng kháng oxy hóa cao, sản phẩm được tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên chuột đái tháo đường type 2 nhận thấy có khả năng giảm đường huyết tốt tương đương với thuốc đối chứng glibenclamid liều 5mg/kg/lần, 1lần/ngày. Vì vậy, nhóm nghiên cứu đã tiến hành tạo cốm rót nang số 0 với tỉ lệ peptide/mannitol là 1:1 để tạo thành sản phẩm thực phẩm chức năng dạng viên nang đạt yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Theo ThS. Trần Chí Hải, các công trình nghiên cứu và công nghệ nghiên cứu về sản phẩm bổ sung protein/peptide từ bèo tấm vào sản xuất thực phẩm còn rất hạn chế. Do đó, thời gian tới nhóm thực hiện đề tài sẽ tiếp tục nghiên cứu ứng dụng chế phẩm protein từ bèo vào các sản phẩm thực phẩm khác nhằm đa dạng hóa sản phẩm. Đồng thời, thử nghiệm các hoạt tính sinh học khác trên peptide và nghiên cứu khai thác các thành phần có giá trị trong sinh khối bèo tấm.
Mai Anh
Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 0
  • 0
  • 6
  • 2
  • 7
lên đầu trang