Thứ tư, 24/04/2024 | 07:11

Thứ tư, 24/04/2024 | 07:11

Tin Đề án

Cập nhật 10:54 ngày 01/06/2021

Ý tưởng xây dựng Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp: Khả thi và mang tính ứng dụng cao

Căn cứ vào các kết quả triển khai “Đề án phát triển và ứng dụng công nghệ sinh học trong lĩnh vực công nghiệp chế biến đến năm 2020”, xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, Bộ Công Thương đã xây dựng “Đề án phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030”. Đây là giai đoạn giữ vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy công nghệ, sản phẩm vào thực tiễn sản xuất và thị trường tiêu thụ nhằm gia tăng GDP từ chính các công nghệ tiềm năng đã được nghiên cứu triển khai trong giai đoạn trước.

Viện Công nghiệp Thực phẩm đề xuất xây dựng Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp – Nơi hội tụ 3 nhà và được các nhà quản lý rất ủng hộ
Có thể thấy, từ năm 2008 đến năm 2020, doanh nghiệp đã tham gia tích cực vào sự phát triển bền vững và có hiệu quả các nghiên cứu. Trong đó, từ năm 2016 đến nay, 100% các nhiệm vụ đều có sự tham gia phối hợp của doanh nghiệp trong việc chủ trì nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vào sản xuất hoặc tham gia phối hợp, tiếp nhận triển khai công nghệ từ các đơn vị nghiên cứu KH&CN.

Đóng góp vào khung “Đề án Phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương đến năm 2030”, Viện Công nghiệp Thực phẩm đề xuất 1 ý tưởng tuy không mới nhưng nhận được nhiều sự ủng hộ của các nhà quản lý : Xây dựng Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp – nơi hội tụ cả 3 nhà: Nhà quản lý, Nhà khoa học, Nhà sản xuất (doanh nghiệp).

PGS. TS. Vũ Nguyên Thành – Viện trưởng Viện Công nghiệp thực phẩm cho biết, sau một thời gian làm việc với các đối tác doanh nghiệp, Viện nhận thấy nhu cầu kết nối giữa người có công nghệ và người cần công nghệ rất lớn. Theo ý tưởng này, Trung tâm được thành lập sẽ đặt tại Viện Công nghiệp Thực phẩm. 


Theo đó, Trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp sẽ được cấu trúc bởi hai phần, phần mềm và phần cứng. Phần mềm bao gồm cơ sở thông tin, là đội ngũ mạng lưới chuyên gia, nơi tập trung các nhà cung cấp trang thiết bị cũng như kết nối nhu cầu của doanh nghiệp. Còn phần cứng gồm phòng thí nghiệm, các xưởng trình diễn công nghệ, các showrooms trang thiết bị.

Theo phân tích của Viện Công nghiệp Thực phẩm, vai trò của Nhà nước trong Trung tâm này thể hiện ở chỗ quyết định xem công nghệ nào cần hỗ trợ, mảng nào cần ưu tiên thì Nhà nước sẽ hỗ trợ tối đa. Còn phần nào thuần túy lợi nhuận thì Nhà nước có thể giảm vai trò của mình,tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia đầu tư. Tuy nhiên, hiện nay một số chính sách về quản lý tài sản công có thể sẽ là rào cản, bởi đầu tư cho KHCN khá đặc thù. Do đó, vấn đề chia sẻ quyền lợi giữa Nhà nước và doanh nghiệp sẽ là việc phải bàn rất kỹ và có cơ chế phù hợp.

Thạc sĩ Trần Hoàng Quyên - Giám đốc Trung tâm thực nghiệm sản xuất và chuyển giao công nghệ, Viện Công nghiệp thực phẩm cho rằng: Định hướng phát triển công nghiệp sinh học cần dựa trên những nguồn nguyên liệu nông, lâm, ngư nghiệp chủ đạo của Việt Nam để có thể triển khai ở quy mô lớn, tạo chuyển biến cho nền kinh tế; phát triển công nghiệp sinh học cần được đồng hành cùng phát triển công nghiệp hỗ trợ như chế tạo máy, tự động hóa, công nghiệp vật liệu, hóa chất…; Do vậy, cần xây dựng trung tâm kết nối doanh nghiệp và hỗ trợ chuyển giao công nghệ nhằm tạo cầu nối giữa các nhà khoa học trong và ngoài nước, giữa các nhà cung cấp công nghệ với doanh nghiệp và hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc xây dựng Trung tâm được kỳ vọng sẽ hỗ trợ Nhà quản lý - Nhà khoa học -Nhà sản xuất  triển khai có hiệu quả hơn trong thời gian tới, góp phần phát triển công nghiệp sinh học ngành Công Thương nói riêng và phát triển lĩnh vực công nghiệp chế biến nói chung. 
Hà Trần

Tổng số lượt truy cập :
  • 1
  • 0
  • 6
  • 4
  • 5
  • 1
  • 3
  • 5
lên đầu trang